Nhiều Nghị định quan trọng được Chính phủ ban hành trong tháng 5/2023
Theo Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, trong tháng 5/2023, Chính phủ đã ban hành các Nghị định quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường...
Điều chỉnh thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư nhóm B, dự án đầu tư nhóm C, dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA
Trong đó, Nghị định số 20/2023/NĐ-CP ngày 04/5/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Các quy định mới so với Nghị định số 114/2021/NĐ-CP bao gồm:
+ Điều chỉnh thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư nhóm B, dự án đầu tư nhóm C, dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
+ Trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư nhóm B, nhóm C, phê duyệt văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
+ Bổ sung quy định về điều chỉnh Đề xuất chương trình, dự án.
+ Điều chỉnh nội dung quy định liên quan đến các hành động thực hiện trước.
+ Điều chỉnh quy trình sử dụng vốn dư.
+ Điều chỉnh Đề xuất chương trình, dự án.
Sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Nghị định số 22/2023/NĐ-CP ngày 12/05/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 12 Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 60/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Bổ sung quy định về điều kiện tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới tại khu vực biên giới
Nghị định số 23/2023/NĐ-CP ngày 12/05/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế và Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Nghị định gồm 05 Điều, tập trung vào việc sửa đổi bổ sung Nghị định 89 (theo hướng bổ sung điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đổi tiền của nước có chung biên giới) và Nghị định 88 (theo hướng bổ sung quy định xử phạt đối với hoạt động đổi tiền của nước có chung biên giới).
Cụ thể, sửa đổi Điều 1 Nghị định 89 về phạm vi điều chỉnh theo hướng: Bổ sung quy định về điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới tại khu vực biên giới, khu kinh tế cửa khẩu; bổ sung trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới (Giấy chứng nhận).
Sửa đổi Điều 2 Nghị định 89 về đối tượng áp dụng theo hướng: Bổ sung đối tượng là tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đổi tiền của nước có chung biên giới; Bổ sung quy định về TCTD ủy quyền trong hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới là phải có trụ sở chính và/hoặc chi nhánh tại tỉnh biên giới trên địa bàn nơi tổ chức kinh tế đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.
Bổ sung các Điều 6a, 6b, 6c, 6d, 6đ, 6e, 6g để quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp/cấp lại, điều chỉnh/gia hạn Giấy chứng nhận cho tổ chức kinh tế. Trong đó, Điều 6a quy định về điều kiện cấp/gia hạn Giấy chứng nhận; Điều 6b quy định về nguyên tắc lập hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy chứng nhận; Điều 6c quy định về các trường hợp cấp lại, điều chỉnh Giấy chứng nhận; Điều 6d quy định về hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy chứng nhận; Điều 6đ quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy chứng nhận; Điều 6e quy định về thu hồi Giấy chứng nhận; Điều 6g quy định về các trường hợp tự động hết hiệu lực.
Mức lương cơ sở điều chỉnh từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng từ ngày 01/7/2023
Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/05/2023 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Nghị định quy định mức lương cơ sở điều chỉnh từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng từ ngày 01/7/2023 (tăng thêm 20,8%); đồng thời bổ sung quy định đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương.
Hướng dẫn rõ ràng hơn đối với các trường hợp tạm dừng khai thác đường cao tốc
Nghị định số 25/2023/NĐ-CP ngày 19/05/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc.
Về phương án tổ chức giao thông, Nghị định số 25/2023/NĐ-CP đã quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án tổ chức giao thông, bao gồm các trường hợp đặc biệt trên đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của địa phương; kiểm tra, giám sát việc tổ chức khai thác, bảo trì và việc thực hiện phương án tổ chức giao thông đối với các đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Quy định về Trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia và Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến để phù hợp với thực tiễn trong các trường hợp các Trung tâm này được đầu tư cùng với tuyến đường cao tốc hoặc đầu tư trong giai đoạn vận hành khai thác tuyến đường; sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế tổ chức hoạt động của các Trung tâm này.
Nghị định mới cũng đã bỏ thủ tục công bố đưa công trình đường cao tốc vào khai thác, việc đưa công trình đường cao tốc vào khai thác thực hiện sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng, công trình được nghiệm thu hoàn thành theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Quy định đối với đường cao tốc được thu tiền dịch vụ phải áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng (ETC) theo chủ trương hiện nay của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Quy định cơ quan quản lý đường cao tốc tổ chức thực hiện bảo trì, vận hành khai thác khi sử dụng ngân sách nhà nước để thay Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh, nhằm thể hiện việc tăng cường phân giao trách nhiệm, giảm công việc cho các cơ quan Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và phù hợp với pháp luật về xây dựng, bảo trì công trình xây dựng.
Bổ sung các quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với công trình đường cao tốc; quy định về trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe đường cao tốc.
Sửa đổi để quy định, hướng dẫn rõ ràng hơn đối với các trường hợp tạm dừng khai thác đường cao tốc; quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý, khai thác và bảo trì đường cao tốc khi tạm dừng khai thác đường cao tốc.