Nhiều người bị lừa ra nước ngoài để làm công việc 'lừa đảo qua mạng'
Sau khi ký hợp đồng bằng chữ nước ngoài, các nạn nhân mới vỡ lẽ nếu không làm, phá vỡ hợp đồng phải bồi thường một số tiền lớn.
Vừa qua Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Nghệ An) cho biết, vừa tiếp nhận trình bày của các nạn nhân từng bị lừa qua nước ngoài để tham gia lừa đảo qua mạng.
Cụ thể, sau khi bi lừa qua nước ngoài làm việc, các nạn nhân được đưa đến một tòa nhà 8 tầng. Ở đó, một người đưa cho nạn nhân mỗi người một bản hợp đồng bằng chữ nước ngoài rồi bắt ký. Sau khi ký xong, một phiên dịch cho biết hợp đồng lao động thời hạn 8 tháng, làm công việc lừa đảo qua mạng, ai không làm, phá vỡ hợp đồng phải bồi thường tiền.
Do biết là làm công việc lừa đảo nên nạn nhân không muốn làm. Tuy nhiên, muốn phá vỡ hợp đồng phải đóng một số tiền lớn, không làm sẽ bị đánh đập.
Bởi vậy, các nạn nhân buộc phải làm việc. "Ở đây, mỗi phòng có 4 tổ, mỗi tổ khoảng 10 người. Người quản lý giao cho 4 tổ phải đạt chỉ tiêu lừa được 10 tỷ/1 tháng, cao hơn thì càng tốt. Lừa được nhiều thì không phải tăng ca và được thưởng nhiều tiền, lừa được trên 100 triệu trở lên mới được hưởng phần trăm là 3%", một nạn nhân khai.
Các nạn nhân cũng nói rõ phương thức để lừa người dân là giả danh công an, viện kiểm sát, lừa bị khóa sim… để chiếm đoạt tiền của người dân.
Phòng Cảnh sát hình sự khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch.
Lực lượng công an, viện kiểm sát, tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng… Trường hợp nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, internet banking, mobile banking, cần kịp thời thông báo cho công an nơi gần nhất.
Mới đây Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Nghệ An) phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, công an các tỉnh, thành phố có liên quan bắt băng nhóm đối tượng người Việt Nam đang làm việc tại Campuchia lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam với số tiền hơn 200 tỷ đồng, bước đầu bắt giữ 32 đối tượng.
Cơ quan công an xác định, các đối tượng trong đường dây là băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức làm việc cho các công ty nước ngoài vì một mục đích chung là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình đấu tranh, cơ quan công an xác định Tăng Quảng Vinh (SN 1989, trú tại Phường 11, Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những đối tượng chủ mưu quản lý, điều hành.
Ngoài Tăng Quảng Vinh, 31 đối tượng còn lại bị cơ quan công an bắt giữ. Các đối tượng khai nhận đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam. Số tiền lừa đảo khoảng hơn 200 tỷ đồng.
Đặc biệt, toàn bộ quá trình liên hệ với bị hại, các đối tượng luôn yêu cầu bị hại ở không gian độc lập, kín đáo, không được cho ai khác biết sự việc, thường xuyên giữ liên lạc để dễ dàng thao túng tâm lý bị hại.
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo trên hoạt động rất tinh vi, có tổ chức, hằng ngày trong cuộc họp các đối tượng chia sẻ kinh nghiệm lừa đảo, những cách nói chuyện, câu nói, từ ngữ nói với bị hại để đạt hiệu quả cao hơn.