Nhiều người cao tuổi ở Việt Nam 'gánh' đến 7 bệnh phối hợp
Người cao tuổi tại Việt Nam đang chịu nhiều gánh nặng bệnh tật. Tuy tuổi thọ tăng nhưng trung bình mỗi người phải chịu đựng 14 năm sau của cuộc đời với nhiều bệnh tật phối hợp.
Thông tin trên được PGS.TS. Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương chia sẻ bên lề Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ IV (diễn ra ngày 10 và 11/11/2023). Hội nghị do Bệnh viện Lão khoa Trung ương phối hợp với Hội Lão khoa Việt Nam tổ chức có sự tham gia của gần 500 đại biểu trong nước và quốc tế.
Theo PGS.TS. Nguyễn Trung Anh, Việt Nam là một trong số 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới, ước tính đến năm 2035 có hơn 21 triệu người cao tuổi. Già hóa dân số đang đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống y tế.
Nghiên cứu thực trạng sức khỏe của hơn 610 người cao tuổi (trên 80 tuổi) tại Sóc Sơn cho thấy, trung bình một người cao tuổi mắc đến gần 7 bệnh. Trong đó nhiều nhất là bệnh đục thủy tin thể, bệnh hô hấp, sa sút trí tuệ, tăng huyết áp, bệnh cơ xương khớp, rối loạn mỡ máu… Đây là gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân cũng như gia đình, đặc biệt là vấn đề chăm sóc.
Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương chỉ rõ, người cao tuổi trong xã hội vẫn là một nguồn lực rất quan trọng và không thể thiếu. Họ là những người có trình độ, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Sức khỏe là điều kiện tiên quyết để người cao tuổi có cuộc sống tích cực, truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu và là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cháu.
Cùng với tuổi cao là sự xuất hiện của các tình trạng sức khỏe phức tạp có xu hướng xuất hiện vào những năm sau của cuộc đời. Đó là các hội chứng lão khoa như hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, sảng, tiểu không tự chủ, rối loạn dáng đi và ngã, suy giảm hoạt động chức năng…
Thêm vào đó, tình trạng đa bệnh lý, giảm sức đề kháng với bệnh tật, khả năng hồi phục sức khỏe kém đòi hỏi người cao tuổi phải được điều trị và chăm sóc một cách đặc biệt. Mặt khác, chi phí y tế và gánh nặng chăm sóc cho người cao tuổi cũng cao gấp nhiều lần so với người trẻ tuổi.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn nhiều hạn chế, như thiếu các cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế…) và nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi (bác sĩ, điều dưỡng lão khoa, người chăm sóc…).
Bên cạnh đó, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Chính vì vậy, việc tăng cường chuyên môn cũng như cơ sở vật chất và nhân lực trong điều trị và chăm sóc người cao tuổi là một nhu cầu bức thiết và cần được quan tâm đến.
Tại hội nghị lần này, các chuyên gia sẽ cập nhật những thay đổi mới nhất trong hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên thế giới; xây dựng hệ thống y tế lão khoa và mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi mắc sa sút trí tuệ; đẩy mạnh đào tạo nhân lực chuyên ngành lão khoa trên thế giới và tại Việt Nam.
Đồng thời cung cấp các thông tin y khoa chuyên sâu trong lĩnh vực Lão khoa và các chuyên ngành liên quan về dự phòng, điều trị và chăm sóc các bệnh lý mạn tính và cấp tính của người cao tuổi (như sa sút trí tuệ, đột quỵ, động kinh, parkinson, các bệnh lý tim mạch – chuyển hóa, ung thư, bệnh cơ xương khớp, hô hấp, huyết học, thận tiết niệu, tiêu hóa…), phát triển chuyên ngành cấp cứu lão khoa và điều dưỡng lão khoa.
Theo thống kê, năm 2019, số lượng người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên của nước ta là 11,41 triệu người (chiếm 11,86% tổng dân số); năm 2021 có 12,5 triệu người cao tuổi (chiếm 12,8%) và ngày càng tăng nhanh.
Ước tính vào năm 2038, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già với tỉ lệ người cao tuổi chiếm trên 20% tổng dân số. Già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Mời bạn đọc theo dõi video: