Nhiều người chưa sẵn sàng về tài chính dù sắp 30 tuổi

Ảnh hưởng kinh tế, liên tục trì hoãn dự định cá nhân vì dịch Covid-19 khiến nhiều người trong độ tuổi 20-30 rơi vào trạng thái căng thẳng, mất phương hướng.

Ấp ủ dự định mở quán cà phê riêng từ tháng 11/2020 song hơn một năm qua, Mỹ Hằng (28 tuổi, Hà Nội) vẫn chưa thể thực hiện được.

Chia sẻ với Zing, nữ barista nói nếu không vì dịch Covid-19, cô tính lên Đà Lạt để khảo sát vào tháng 6, chuẩn bị khai trương tiệm vào cuối năm nay.

Tuy nhiên trước tình hình hiện tại, Hằng đành gác lại dự án cá nhân, tiếp tục công việc pha chế tại một nhà hàng.

"Sau 5 năm làm nghề, cuối cùng tôi cũng tìm được hướng đi vào năm 27 tuổi. Giờ bước sang tuổi 28, tôi vẫn chưa thực hiện được đam mê của mình. Áp lực từ công việc, kinh tế và mốc 30 tuổi khiến tôi thấy chênh vênh hơn bao giờ hết", cô nói.

 Nhiều người trẻ trong độ tuổi 20-30 cảm thấy căng thẳng, mất phương hướng sau 2 năm đại dịch. Ảnh: Thạch Thảo.

Nhiều người trẻ trong độ tuổi 20-30 cảm thấy căng thẳng, mất phương hướng sau 2 năm đại dịch. Ảnh: Thạch Thảo.

Giống như Mỹ Hằng, nhiều người trẻ cũng trải qua cảm giác tương tự.

Ash Nadkarni - bác sĩ tâm thần kiêm người hướng dẫn ở ĐH Y Harvard (Mỹ) cho biết đây là giai đoạn "khủng hoảng tuổi 20" hay "khủng hoảng 1/4 cuộc đời" (quarter-life crisis).

Nhiều người sẽ rơi vào trạng thái lo âu, mất phương hướng về các mặt trong cuộc sống như sự nghiệp, tài chính, mối quan hệ. Giai đoạn này thường xuất hiện ở giữa những năm 20 tuổi đến những năm đầu tuổi 30.

Ảnh hưởng tâm lý

Bác sĩ tâm lý Ash Nadkarni giải thích với tờ The Lily rằng sự trì hoãn gây ra bởi 2 năm đại dịch cũng có nhiều ảnh hưởng lớn đến tâm lý người trẻ.

"Họ đặt ra mục tiêu, kỳ vọng cho những năm 20 tuổi và muốn đi đúng hướng, song dịch Covid-19 khiến họ bị trì trệ, nghi ngờ bản thân", bác sĩ Nadkarni nói.

Với Mỹ Hằng, cô cảm thấy tiếc nuối, lo lắng vì khoảng thời gian qua bị bỏ phí, chưa thể thực hiện mơ ước của mình.

"Tôi giờ chưa có nguồn thu nhập ổn định vì từng phải nghỉ 2 tháng không lương do giãn cách xã hội. Chẳng mấy chốc tôi sẽ bước sang tuổi 30, nhưng lại chưa hề sẵn sàng về tài chính, tinh thần cho tương lai", nữ barista tâm sự.

 Nguyễn Huỳnh mắc chứng rối loạn lo âu, mất năng lượng sau khoảng thời gian dịch bệnh căng thẳng.

Nguyễn Huỳnh mắc chứng rối loạn lo âu, mất năng lượng sau khoảng thời gian dịch bệnh căng thẳng.

Sau 2 năm đại dịch và vài tháng "bình thường mới", cuộc sống của Nguyễn Huỳnh (23 tuổi, TP.HCM) cũng chưa thể đi vào quỹ đạo.

Trước dịch, anh có nhiều dự định như thay đổi môi trường làm việc, học thêm một vài kỹ năng mềm.

Thế nhưng, chỉ trong 4 tháng giãn cách, Huỳnh rơi vào cảnh thất nghiệp, khó khăn tài chính và áp lực nặng nề.

"Có thời điểm, tôi chỉ còn vỏn vẹn 100.000 đồng trong ví để đi chợ, phải nhờ đến sự giúp đỡ từ hàng xóm. Lúc ấy, tôi khó giữ tinh thần lạc quan", anh kể.

Đến nay, Huỳnh vẫn chưa thể hòa nhập với nhịp sống bình thường mới. Thậm chí, anh từng đi khám và được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu.

"Trải qua khoảng thời gian khó khăn, mọi kế hoạch ấp ủ đều đổ bể, tôi khó lòng tìm lại năng lượng tích cực. Dù đã tìm được công việc mới, tôi vẫn thấy mất cảm hứng, kiệt sức và chênh vênh. Tôi còn không dám đặt mục tiêu lâu dài vì tới nay, đại dịch vẫn chưa kết thúc".

Không quên mục tiêu

Dịch Covid-19 kéo dài là nguyên nhân khiến Trâm Anh (25 tuổi, Hà Nội) chưa thể đưa ra quyết định nghỉ việc sau hơn một năm cân nhắc.

"Tôi làm chuyên viên phân tích dữ liệu cho một công ty từ năm 2019 nhưng từ lâu đã muốn tìm hướng đi khác vì không hợp môi trường. Dù thế, tôi chưa thể rời khỏi vị trí này vì sợ mất thu nhập trong dịch", cô nói.

Chia sẻ với Zing, Trâm Anh định nghỉ việc vào tháng 6 năm nay, sau đó vào TP.HCM bắt đầu cuộc sống mới, chuẩn bị cho mục tiêu du học trước năm 30 tuổi.

"Tôi thấy mình đã lãng phí 2 năm tuổi trẻ, mắc kẹt tại văn phòng vì dịch bệnh. Khối lượng công việc khổng lồ, tâm lý căng thẳng làm tôi không còn thời gian cho chính mình, mất kết nối với bạn bè".

 Trâm Anh dần thay đổi lối sống để tránh cảm giác "burn out" trong công việc, quyết định không để dịch bệnh ảnh hưởng tới các kế hoạch cá nhân.

Trâm Anh dần thay đổi lối sống để tránh cảm giác "burn out" trong công việc, quyết định không để dịch bệnh ảnh hưởng tới các kế hoạch cá nhân.

Sau vài lần đi khám tâm lý, Trâm Anh dần học cách kiểm soát cảm xúc, thay đổi lối sống để xoa dịu tinh thần, giảm cảm giác "burn out" trong công việc.

Cô cũng quyết định sẽ rời khỏi vị trí công việc hiện tại vào năm sau, dành thời gian hồi phục và tập trung cho những mục tiêu khác.

"Tôi không muốn dịch Covid-19 trở thành thứ ngăn cản mình thực hiện dự định cá nhân nữa. Trước năm 30 tuổi, tôi có những mục tiêu mà bản thân muốn đạt được", Trâm Anh nói.

Minh H. (28 tuổi, Hà Nội) cũng đang hồi phục tinh thần sau khoảng thời gian bị áp lực bởi giãn cách xã hội.

"Dạo trước, tôi phải tạm dừng công việc chăm sóc khách hàng ở lĩnh vực fitness 4 tháng vì dịch. Ở nhà 24/7, thu nhập giảm mạnh khiến tôi bị căng thẳng, có lúc chỉ ở trong phòng và ăn uống một mình khi cả nhà đã ngủ say", anh kể.

H. cho biết trong khoảng thời gian đó, anh thường xuất hiện trước mắt người thân với vẻ mệt mỏi, chán nản, dễ cáu gắt. Anh luôn sốt sắng khi kế hoạch đổi việc, rời nhà ra ở riêng liên tục bị trì hoãn vì dịch.

Để vượt qua giai đoạn ấy, H. thường viết blog, đọc sách, tìm hiểu về lĩnh vực mình thích, tham gia các hội nhóm có chung sở thích để duy trì cảm hứng.

"Tôi hiểu rằng mỗi người đều có những mục tiêu riêng, quỹ thời gian riêng để thực hiện chúng. Dịch bệnh chỉ làm kế hoạch ấy chậm lại, song nếu tôi không quên đích đến của mình là gì thì dần dần cũng sẽ đạt được nó thôi".

Trang Minh

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-nguoi-chua-san-sang-ve-tai-chinh-du-sap-30-tuoi-post1283316.html