Nhiều người dân chưa biết đến Đường dây nóng phòng, chống mua bán người
'Trong số 100 người dân được lựa chọn có chủ đích tại các tỉnh Cao Bằng, Hà Tĩnh, Tây Ninh) chỉ có 37 người (12,3%) cho biết đã từng được nghe đến Đường dây nóng phòng chống mua bán người 111. Còn lại 87,7% số người được hỏi chưa từng nghe đến Đường dây nóng'.
Đây là thông tin khảo sát đầu kỳ được bà Masaki Iwashina – Cố vấn trưởng Dự án tăng cường hoạt động Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người tại Việt Nam cho biết tại cuộc họp Ban điều phối chung Dự án diễn ra hôm 4-7 tại Hà Nội.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy người dân biết tới Đường dây nóng phòng, chống mua bán người chủ yếu qua các hình thức như: Truyền thông đại chúng (tivi, báo, đài...), mạng xã hội, nhân viên Nhà nước và truyền thông tại xã/thôn/bản, bạn bè và họ hàng, truyền thông tại trường học, tờ tơi, áp phích và lịch về phòng, chống mua bán người.
Từ thực trạng kể trên, đại diện các thành viên Dự án đều thống nhất việc đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống mua bán người và Đường dây nóng 111.
Theo ông Nguyễn Công Hiệu – Phó GĐ Trung tâm Tư vấn dịch vụ truyền thông (Cục Trẻ em), từ kết quả khảo sát đầu kỳ, các nghiên cứu viên đã đưa ra các khuyến nghị cho Dự án trong thời gian tới như: Tăng cường các điều kiện vận hành cho Đường dây nóng; Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và cán bộ; Tăng cường hệ thống chuyển tuyến của Đường dây nóng; Tăng cường các hoạt động truyền thông về Đường dây nóng theo hướng hiệu quả và chuyên nghiệp; Nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống mua bán người và Đường dây nóng. Dự kiến sau 3 năm thực hiện Dự án sẽ đánh giá ở các địa phương đã được đánh giá ở đầu kỳ. Phấn đấu sẽ có 50% người dân biết về Đường dây nóng.
Cục trưởng Cục Trẻ em - ông Đặng Hoa Nam cho biết, tới đây Cục Trẻ em sẽ thực hiện chiến dịch truyền thông lớn về Đường dây nóng 111 trong đó chú trọng truyền thông tới các trường học, đưa vào sách giáo khoa, đưa vào hệ thống nhà hàng, khách sạn du lịch; Các thiết chế văn hóa; Các ấn phẩm của NXB Kim Đồng liên quan đến sách dành cho trẻ em….Qua đó nhằm thông tin rộng rãi hơn nữa về Tổng đài 111 với 2 chức năng bảo vệ trẻ em và tư vấn, hỗ trợ nạn nhân mua bán người đến với đông đảo người dân.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, Dự án “Thành lập Đường dây nóng phòng, chống mua bán người ở Việt Nam” được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, phù hợp để tăng cường mạng lưới hợp tác, phối hợp về phòng chống mua bán người tại Việt Nam. Dự án được triển khai từ tháng 7-2012 đến tháng 3-2016 tại 3 tỉnh, TP gồm Hà Nội, An Giang và Hà Giang với mục tiêu là tăng cường các chức năng hiện tại Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Đồng thời mở rộng thêm chức năng phòng, chống mua bán người để đóng góp vào những nỗ lực chung của Chính phủ trong công tác phòng, chống mua bán người cũng như tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán.
Tính đến hết tháng 6-2018, Đường dây nóng đã tiếp nhận gần 13.000 cuộc gọi. Trong đó có hơn 9.000 cuộc cung cấp thông tin, 3.500 cuộc tư vấn liên quan đến chính sách, tâm lý, thủ tục hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán; can thiệp gần 300 ca cho các nạn nhân.
Giai đoạn 2 của Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 11-2018 đến tháng 11-2021) sẽ hướng đến mục tiêu thành lập hệ thống Đường dây nóng quốc gia để góp phần vào việc tăng cường cơ chế chuyển tuyến các dịch vụ tại Việt Nam, tiến tới hợp tác xuyên biên giới với các quốc gia lân cận trong hoạt động phòng, chống mua bán người. Trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có 764 cuộc gọi đến Đường dây nóng. Trong đó có 607 cuộc gọi cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng và phòng chống mua bán người. 141 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân. 16 cuộc gọi chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người.