Nhiều người dân và doanh nghiệp vẫn chưa biết về chữ ký số
Chữ ký số có độ bảo mật cao và rất tiện dụng nhưng nhiều doanh nghiệp nói rằng họ vẫn còn chưa hiểu biết chữ ký số.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ về chữ ký số, phóng viên VietTimes đã có trao đổi với ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ TT&TT).
PV:Trong mùa dịch Covid-19 đang diễn ra, có nhiều doanh nghiệp muốn sử dụng văn bản điện tử, giấy tờ điện tử, hợp đồng điện tử để trao đổi và ký kết với đối tác nhưng họ chưa hiểu biết đầy đủ về chữ ký số, xin ông giới thiệu sơ lược về chữ ký số?
ông Phạm Quang Hiếu: Nghị định số 130/NĐ-CP ngày 27/9/2028 đã quy định chi tiết Luật Giao dịch điện tử về Chữ ký số và Dịch vụ chứng thực chữ ký số. Hiểu đơn giản thì chữ ký số là công cụ, phương tiện tin cậy được sử dụng nhằm đảm bảo an toàn cho giao dịch điện tử, phục vụ mục đích xác thực điện tử, đảm bảo toàn vẹn thông điệp điện tử và chống chối bỏ việc thực hiện giao dịch điện tử của các bên tham gia.
Thực tế ở nước ta hiện nay số lượng doanh nghiệp tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trong ngành Thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội là rất lớn. Đặc biệt gần như 100% doanh nghiệp sử dụng chứng thư số công cộng để thực hiện dịch vụ khai và nộp thuế qua mạng (theo số liệu của Trung tâm, tính đến hết năm 2019 có khoảng 700.000 doanh nghiệp sử dụng chứng thư công cộng trong dịch vụ khai và nộp thuế qua mạng). Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có nhiều ứng dụng CNTT sử dụng chữ ký số trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như chưa đẩy mạnh việc tuyên truyền về chữ ký số và sử dụng chữ ký số cho người dân, xã hội.
ông Phạm Quang Hiếu: Có nhiều phần mềm, công cụ khác nhau tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Đôi khi các công cụ này được cung cấp theo các phần mềm, ứng dụng công nghệ số. Mục đích phổ biến hiện nay là để ký và kiểm tra chữ ký số trên văn bản điện tử thì người nhận có thể sử dụng chính phần mềm mà người ký dùng để ký số hoặc sử dụng một số phần mềm đọc, soạn thảo văn bản phổ biến được xây dựng và phát triển bởi các cơ quan, tổ chức tin cậy như Adobe Acrobat (của Adobe), Word, Excel, Power Point (của Microsoft), vSignPDF (của Ban Cơ yếu Chính phủ) để kiểm tra chữ ký số trên văn bản điện tử mà mình nhận được.
Ngoài ra các tổ chức, doanh nghiệp cũng có thể phát triển những phần mềm, công cụ riêng phù hợp theo nhu cầu của mình. Nhưng để đảm bảo an toàn và được thừa nhận thì nên tuân theo những tiêu chuẩn, quy chuẩn mà nhà nước ban hành.
PV:Người dân và doanh nghiệp thường không biết làm cách nào, công cụ nào để xác minh được chữ ký điện tử, chữ ký số của phía đối tác trên văn bản điện tử, giấy tờ điện tử, hợp đồng điện tử?
ông Phạm Quang Hiếu: Cách thức, quy trình kiểm tra chữ ký số cần tuân thủ quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 79 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và Dịch vụ chứng thực Chữ ký số. Theo đó, trước khi chấp nhận chữ ký số của người ký, người nhận phải kiểm tra các thông tin như:
- Trạng thái chứng thư số, phạm vi sử dụng, giới hạn trách nhiệm và các thông tin trên chứng thư số của người ký;
- Chữ ký số phải được tạo bởi khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trên chứng thư số của người ký;
- Đối với chữ ký số được tạo ra bởi chứng thư số nước ngoài được cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam, người nhận phải kiểm tra hiệu lực chứng thư số trên cả hệ thống của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và hệ thống của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài cấp chứng thư số đó.
Với hoạt động sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước cần tuân thủ các quy định cụ thể trong Thông tư số 41/2027/TT-BTTTT ngày 19/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các giao dịch khác có thể tham khảo theo các quy định tại Thông tư này.
PV: Ông có thể thống kê hiện nay có bao nhiêu chứng thư số và chữ ký số đã được sử dụng tại Việt Nam?
Ông Phạm Quang Hiếu: Chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số có những bước phát triển mạnh trong thời gian qua cả đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của chính phủ. Chữ ký số góp phần tích cực trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng chính phủ điện tử và đặc biệt là phục vụ triển khai các dịch vụ công trực tuyến.
Về dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng:
- Tổng số chứng thư số công cộng đã cấp: Tính đến Quý I/2020, tổng số chứng thư số đã cấp khoảng 2.215.340, tăng khoảng 67% so với cùng kỳ năm 2019 (Quý I/2019 khoảng 1.326.530 chứng thư số).
- Tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động: Tính đến Quý I/2020, tổng số chứng thư số đang hoạt động là khoảng 1.368.331, tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm 2019 (Quý I/2019 khoảng 1.068.961 chứng thư số).
- Đóng góp vào ngân sách nhà nước từ nguồn thu Phí duy trì Hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số như sau: Tính đến tháng 4/2020, đóng góp vào ngân sách Nhà nước từ nguồn thu Phí duy trì Hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia là: 825 triệu đồng, tăng khoảng 170% so với cùng kỳ năm 2019 (485 triệu đồng).
Về dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ:
- Số lượng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đang hoạt động: Tính đến Quý I/2020, Số lượng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đang hoạt động khoảng 223.546 chứng thư số, tăng khoảng 56% so với cùng kỳ năm 2019 (Quý I/2019 khoảng 142.530 chứng thư số).
- Tổng số chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đã cấp: Tính đến Quý I/2020, Tổng số chứng thư số chuyên dùng đã cấp khoảng 297.689, tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2019 (Quý I/2019 khoảng 183.687 chứng thư số).
Về ứng dụng chữ ký số: Chứng thư số được sử dụng để ký số trên văn bản điện tử, sử dụng trong các dịch vụ công trực tuyến. Trong đó nổi bật là lĩnh vực thuế ( gần 700.000 doanh nghiệp sử dụng), Hải quan (gần 200.000 doanh nghiệp), Bảo hiểm xã hội (gần 300.000 doanh nghiệp).
PV: Sắp tới Trung tâm có dự định xây dựng ứng dụng nào nhằm thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp khi sử dụng chữ ký số hay không thưa ông?
ông Phạm Quang Hiếu: Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia đã có kế hoạch triển khai nhiều nội dung đẩy mạnh phát triển và sử dụng chữ ký số, định danh số và xác thực số trong giao dịch điện tử, xây dựng chính phủ số và kinh tế số.
Về các công cụ ứng dụng hiện nay, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia đang nghiên cứu xây dựng và phát triển ứng dụng cho phép người dùng ký số, kiểm tra chữ ký số trên máy tính cá nhân hoặc nền tảng web, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về chữ ký số, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Ngay khi ứng dụng hoàn thiện, Trung tâm sẽ cung cấp miễn phí để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu ký số, kiểm tra chữ ký số lựa chọn sử dụng.