Nhiều người ở Hưng Yên bị dính quả lừa 'tặng quà tri ân'
Trong vụ việc này, không chỉ cơ quan công an mà chính quyền địa phương là UBND xã Thụy Lôi cũng phải có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng.
Mặc dù đã được các phương tiện truyền thông đưa tin cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo thông qua việc tổ chức chương trình tặng quà tri ân khách hàng, nhưng nhiều người dân vẫn dễ dàng “sập bẫy”.
Chính quyền xã bị lừa?
Như Báo GD&TĐ đã thông tin trước đó, vào tháng 3/2023, một nhóm đối tượng đã về xã Thụy Lôi (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) dựng rạp tại chợ Xuôi (thuộc thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lôi) để bán đồ gia dụng với giá “cắt cổ”.
Theo phản ánh của những người dân tại đây, các đối tượng này đã dựng lên kịch bản người dân đưa tiền để chúng quay phim, chụp ảnh sau đó sẽ nhận sản phẩm và được hoàn trả lại toàn bộ số tiền. Tuy nhiên, khi đã gom được số tiền lớn của những người dân “nhẹ dạ cả tin”, các đối tượng đã lên ô tô đi mất.
Sau khi nhận được thông tin trình báo, Công an huyện Tiên Lữ đã tiến hành lấy lời khai của các bị hại, cử lực lượng “truy vết” nhóm đối tượng trên. Khoảng 3 ngày sau khi xảy ra sự việc, cơ quan công an đã triệu tập các đối tượng có liên quan để điều tra làm rõ nội dung tố cáo của người dân. Công an huyện Tiên Lữ cũng mời người dân lên trụ sở để nhận dạng nhóm đối tượng.
Theo đánh giá của Công an huyện Tiên Lữ, thủ đoạn của các đối tượng đã từng xảy ra ở nhiều địa phương và cơ quan chức năng đã nhiều lần phát đi thông tin cảnh báo nhưng nhiều người vẫn dễ dàng sập bẫy.
Sau khi sự việc trên xảy ra, nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc để các đối tượng tổ chức một chương trình rầm rộ ngay tại địa điểm rất gần với trụ sở.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Phạm Tuấn Hải - Chủ tịch UBND xã Thụy Lôi, cho biết, trước khi sự việc xảy ra, nhóm người này có báo cáo với địa phương. Tuy nhiên, họ chỉ báo cáo về việc muốn thuê một gian hàng ở chợ Xuôi để bán hàng chứ không báo cáo về việc tổ chức chương trình bán hàng, tặng quà người dân như đã xảy ra.
“Nếu chúng tôi biết họ tổ chức bán hàng theo hình thức đó chúng tôi sẽ đuổi ngay từ đầu. Không có chuyện xin phép để tặng quà, tặng quà gì cũng không cho vì chúng tôi quá biết về các chiêu trò này rồi”, Chủ tịch UBND xã Thụy Lôi nói.
Người dân nên cảnh giác
“Người già, người đã cao tuổi, phụ nữ là những nhóm yếu thế trong xã hội, còn được các quy phạm của pháp luật khác điều chỉnh, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ. Bởi vậy, các cơ quan chức năng hoàn toàn đủ căn cứ pháp lý để xử lý nhóm người bán hàng lừa đảo nêu trên. Tránh trường hợp, nếu không làm tròn bổn phận của cơ quan chức năng, sẽ dẫn đến việc nhiều ý kiến nghi ngờ có sự bao che, lợi ích nhóm, khi để các đối tượng lừa đảo tiếp tục thực hiện hành vi của mình, gây mất niềm tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật”, luật sư Nguyễn Trọng Hoàng, Công ty Luật Đồng Tâm Thăng Long nói.
Nguồn tin của Báo GD&TĐ cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn, không chỉ ở xã Thụy Lôi mà tại xã Mễ Sở (huyện Văn Giang) cũng đã xuất hiện tình trạng thổi phồng công dụng của các thực phẩm chức năng gắn mác nước ngoài để bán cho người cao tuổi.
Với niềm tin sẽ chữa khỏi bách bệnh, lại được giảm giá, tặng quà khi “đi họp”, có hàng nghìn lượt người đến mua các loại thực phẩm bổ sung như sâm nhung, hắc sâm, sâm lát… với mức giá đến hàng triệu đồng.
Các đối tượng thường nhắm tới nhóm người già, phụ nữ với những thủ đoạn mặc dù không mới, nhưng lại đánh vào lòng tham của con người, bởi vậy vẫn nhiều người bị sập bẫy.
Thượng úy Đào Bảo Long (Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm theo tuyến, địa bàn - Phòng CSHS Công an tỉnh Hưng Yên) cho biết, thực tế cho thấy, đã có nhiều bài học đắt giá, nhưng vẫn còn nhiều người sập bẫy trước những chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng, nhất là chính quyền cơ sở cần tăng cường quản lý Nhà nước, kiểm soát các hoạt động của công ty, doanh nghiệp về địa phương để tổ chức hội thảo, quảng cáo, tiếp thị sản phẩm.
Cùng với đó, lực lượng công an cần đẩy mạnh công tác nắm tình hình, phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhất là tại hội thảo giới thiệu sản phẩm ở vùng nông thôn.
Cần khởi tố vụ án
Nhận định về sự việc trên, luật sư Nguyễn Trọng Hoàng (Công ty Luật Đồng Tâm Thăng Long) cho rằng, với thông tin liên quan đến vụ việc, những đối tượng thực hiện hành vi này đã cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Luật sư Hoàng cho hay, cơ quan công an cần phải khởi tố vụ án để điều tra, sau đó là truy tố, xét xử để xử lý kịp thời, qua đó ngăn chặn, răn đe loại tội phạm này.
“Nếu không, không chỉ ở Hưng Yên, mà các đối tượng sẽ hoạt động rộng khắp các miền quê trên cả nước, lúc đó số lượng người già bị lừa sẽ rất lớn, mang lại hậu quả xấu, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội”, luật sư Hoàng nhận định.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 174, Bộ luật Hình sự quy định, chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng đã phải xử phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù. Trong khi đó, số tiền cộng dồn lại thì sẽ rất lớn, lên đến khung hình phạt quy định tại Khoản 3, Khoản 4 của điều luật trên thì đặc biệt nghiêm khắc.
Tại Điều 10, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày 17/11/2010 cũng nghiêm cấm việc đưa ra thông tin gian dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp…
Trong vụ việc này, không chỉ cơ quan công an mà chính quyền địa phương là UBND xã Thụy Lôi cũng phải có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng. Ở đây là trách nhiệm “Quản lý, kiểm tra hoạt động của các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh hoạt động trên địa bàn xã ngoài phạm vi chợ, trung tâm thương mại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.