Nhiều người ở lứa tuổi vị thành niên vẫn còn ngại ngùng, xấu hổ khi mua bao cao su
Có đến 1/3 số thanh niên và vị thành niên được phỏng vấn trong điều tra cho rằng tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe sinh sản, tình dục không dễ dàng.
Tại Hội thảo “Giải quyết vấn đề mang thai ngoài ý muốn ở Việt Nam” do Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam tổ chức ngày 28/9, TS. Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế) nhận định: “Hiện kiến thức, thái độ và kỹ năng liên quan đến sức khỏe sinh sản của vị thành niên ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Báo cáo thống kê về Chăm sóc sức khỏe sinh sản của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em vừa qua cho thấy, chỉ có 25,9% thanh thiếu niên độ tuổi 15 - 24 tuổi biết được các bước chính xác của việc sử dụng bao cao su. Đa số lứa tuổi vị thành niên vẫn còn ngần ngại khi mua bao cao su, chủ yếu (tới 76%) là do ngại ngùng và do sợ bị nhìn thấy hoặc nghĩ mình đang làm một việc gì đó sai trái”.
Theo một nghiên cứu, có đến 1/3 số thanh niên và vị thành niên được phỏng vấn trong điều tra cho rằng tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe sinh sản, tình dục không dễ dàng, đặc biệt là ở vùng nông thôn và các khu vực người dân tộc thiểu số sinh sống.
Hiện còn rất nhiều hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản, tình dục với giới trẻ như: Các dịch vụ sức khỏe, kể cả sức khỏe sinh sản thân thiện với vị thành niên mới được triển khai nhỏ lẻ ở hình thức mô hình thí điểm ở một số cơ sở, khu vực, chưa trở thành một chương trình có độ bao phủ rộng trên toàn quốc. Các dịch vụ sức khỏe sinh sản, tình dục có thể rất đắt, khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc khi cần; chưa cung cấp các dịch vụ thân thiện với thanh niên và vị thành niên; nhân viên y tế tư vấn năng lực còn hạn chế… Đặc biệt, hiện vẫn còn rào cản là sự kỳ thị và phân biệt đối xử khi giới trẻ tìm kiếm dịch vụ sức khỏe sinh sản, tình dục khiến họ cảm thấy xấu hổ hoặc lo lắng khi tìm kiếm sự giúp đỡ…
Theo TS. Đinh Huy Dương, những hạn chế này có thể khiến việc tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản, tình dục trở nên khó khăn và phức tạp. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như mang thai ngoài ý muốn, bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Đặc biệt, vấn đề mang thai và phá thai là những vấn đề nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của nhiều người trẻ tuổi. Mang thai ở tuổi vị thành niên có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Sức khỏe kém, có thể gây ra các biến chứng nhiễm trùng, chảy máu, đau đớn, thậm chí tử vong. Việc phá thai có thể gây ra nhiều căng thẳng, lo lắng, trầm cảm và thậm chí là rối loạn tâm thần; phá thai có thể làm tăng nguy cơ vô sinh, sảy thai và sinh non ở những lần mang thai sau này…
Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: " Số ca mang thai tuổi vị thành niên (15-19 tuổi) chiếm 2,5-3% tổng số ca mang thai. Mỗi năm có thêm 3.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên tại các cơ sở y tế công lập. Đáng chú ý, số ca phá thai vị thành niên có giảm theo số liệu từ các cơ sở y tế công lập, nhưng thực tế là trẻ vị thành niên lựa chọn phá thai tại các cơ sở y tế tư nhân nhiều hơn vì đỡ rườm rà thủ tục, khai báo hành chính, lộ thông tin… đó là là phần chìm của tảng băng mà chúng ta chưa có số liệu".
Theo các chuyên gia, mang thai, phá thai ở trẻ vị thành niên là một vấn đề đáng quan ngại, nhưng có thể được giải quyết nếu có các giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Cụ thể, chúng ta có thể tăng cường giáo dục về sức khỏe sinh sản, cung cấp các biện pháp tránh thai an toàn, giảm thiểu áp lực từ gia đình và xã hội, và tạo môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ vị thành niên phát triển, điều này có thể giúp giảm thiểu tỷ lệ mang thai, phá thai ở trẻ vị thành niên ở Việt Nam.
Hiện đã có các mô hình được triển khai hiệu quả như: Mô hình góc thân thiện về sức khỏe sinh sản; mô hình truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên trong nhà trường; Mô hình tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; mô hình truyền thông về sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình lồng ghép vào các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; mô hình dịch vụ lưu động lồng ghép truyền thông tại cộng đồng. Các mô hình được triển khai đã giúp nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, tăng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cho lứa tuổi vị thành niên.
So với nhiều nước trên thế giới Việt Nam đã có hệ thống chính sách về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, để ứng phó hiệu quả với vấn đề mang thai và phá thai ở tuổi vị thành niên cần chú trọng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ; tăng cường giáo dục về sức khỏe sinh sản cho trẻ em và thanh thiếu niên; cung cấp các biện pháp tránh thai an toàn và dễ tiếp cận; tạo môi trường an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên phát triển; loại bỏ các rào cản đối với trẻ em và thanh thiếu niên tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; đặc biệt là phá vỡ những định kiến xấu về mang thai và phá thai ở tuổi vị thành niên.