Nhiều người ở TP.HCM vào viện vì độc kiến ba khoang
Sau khi dùng tay không để đập kiến ba khoang, một người ở TP.HCM phải vào viện khám vì phần da tiếp xúc đỏ rát, trợt lở.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, bác sĩ chuyên khoa II Lê Vi Anh, khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết TP.HCM đang vào mùa mưa, trùng thời gian sinh sản mạnh của kiến ba khoang, số người bị viêm da do dính nọc của loài vật này cũng tăng đáng kể.
"Đa số người bị dính nọc độc thể nhẹ tự điều trị tại nhà, tuy nhiên, các bệnh nhân vào viện khám do tình trạng nặng cũng nhiều đáng kể", bác sĩ Vi Anh chia sẻ.
Dùng tay không đập kiến ba khoang
"Một bệnh nhân của tôi bị dính nọc độc kiến ba khoang do dùng tay không đập kiến. Vết thương nhanh chóng trở nên đỏ rát và trợt lở khiến bệnh nhân không chịu được, phải đi bệnh viện khám", bác sĩ Vi Anh cho hay.
Dùng tay không để đập kiến ba khoang là hành động nguy hiểm và liều lĩnh.
Kiến ba khoang có mình thon dài, đuôi nhọn, các đốt ở bụng xen kẽ màu cam và đen. Nọc kiến ba khoang chứa độc tố pederin. Đây là chất có độc tố cao, gây ức chế quá trình tổng hợp protein, DNA và ngăn chặn tăng sinh tế bào trong một khoảng thời gian.
Do đó, khi tiếp xúc với pederin trong dịch kiến ba khoang từ 1-2 ngày, phần da tiếp xúc sẽ xuất hiện các hồng ban, mụn nước, viêm kèm cảm giác bỏng rát. Các vết hồng ban xuất hiện trên da như đường bò của kiến trên cơ thể.
Theo bác sĩ, hầu hết trường hợp dính nọc kiến ba khoang không quá nặng để gây ảnh hưởng đến tính mạng. Các triệu chứng tổn thương sẽ hết sau hơn một tuần xuất hiện.
Tuy nhiên, một số trường hợp dính nọc kiến ba khoang vào mắt có thể bị viêm kết mạc. Theo bác sĩ Vi Anh, số lượng người bệnh gặp phải tình huống này rất hiếm. Một bệnh nhân của bác sĩ Vi Anh dính độc kiến ba khoang ngay mí mắt, may mắn, tình trạng không quá nghiêm trọng.
Một số vết bỏng khác trên cơ thể xuất hiện do gián tiếp tiếp xúc với nọc kiến ba khoang như vô tình chạm tay hoặc quần áo phơi ngoài trời.
Vết thương do dính nọc kiến ba khoang trên cơ thể một số bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh:BSCC.
Tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp với kiến ba khoang
Khi phát hiện kiến ba khoang trên cơ thể, bạn tốt nhất nên thổi hoặc dùng vật dụng để đưa con vật ra xa cơ thể, không nên tiếp xúc trực tiếp với chúng.
Nếu không may bị con vật chạm lên da, bạn nên rửa sạch vết thương bằng nước sạch rồi dùng khăn ướt làm dịu da. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng cồn iod để trung hòa độc tố ở vết thương.
"Đây là bước rất quan trọng giúp người tiếp xúc tránh bị độc tố ăn sâu vào da, khiến tình trạng nặng hơn và dễ gây sẹo", bác sĩ Vi Anh khuyến cáo.
Sau khi rửa sạch, mọi người có thể thoa kem làm dịu da và theo dõi tình trạng vết thương.
"Sau 1-2 ngày, nếu vết thương nặng lên, bạn nên đến gặp bác sĩ để có phương án điều trị sớm, tránh để lại sẹo hoặc tăng sắc tố sau viêm gây mất thẩm mỹ", bác sĩ Vi Anh cho biết.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nếu kiến ba khoang xuất hiện, người dân nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì loài vật này rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang.
Ngoài ra, người dân có thể ngăn cản kiến ba khoang vào nhà bằng cách vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà; sử dụng lưới chắn chuyên dụng, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào.
Vào ban đêm, khi đi ngủ, mọi người nên tắt bớt bóng đèn không cần thiết và ngủ màn để tránh côn trùng có điều kiện tiếp xúc. Nếu kiến ba khoang xuất hiện với mật độ lớn, người dân có thể phun thuốc diệt côn trùng trong khu vực nơi ở.