'Nhiều người sẽ sống sót nếu máy bay của Jeju Air không đâm vào bức tường'
Chuyên gia hàng không cho biết giới chức Hàn Quốc nên đặt nghi vấn về bức tường ở cuối đường băng - công trình mà chiếc máy bay của hãng Jeju Air đã va chạm khi hạ cánh bằng bụng và trượt trên sân băng, gây ra thảm họa khiến 179 người thiệt mạng.
Chiếc máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air khởi hành từ Bangkok, Thái Lan đã gặp nạn khi hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Muan, cách thủ đô Seoul 290km về phía nam, sáng sớm ngày 29/12. Trong video được ghi lại, chiếc máy bay đã hạ cánh bằng bụng, trượt khỏi đường băng sân bay và phát nổ thành một quả cầu lửa khi đâm vào một bức tường bê tông kiên cố. Tất cả 175 hành khách và 4 trong số 6 thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng. Chỉ có 2 người may mắn được kéo ra ngoài an toàn.
Khoảnh khắc máy bay bốc cháy tại Sân bay Quốc tế Muan, Hàn Quốc ngày 29/12/2024. Video: MBC
Chia sẻ với Sky News, chuyên gia an toàn hàng không David Learmount cho biết vụ va chạm giữa chiếc máy bay và bức tường ở cuối đường băng là “thời điểm quyết định” của thảm họa. “Không những không có lý do chính đáng nào để bức tường ở đó, mà tôi còn nghĩ rằng việc xây nó tại vị trí này gần như là hành vi phạm tội,” ông David Learmount nói.
Các nhân chứng chia sẻ rằng họ đã nhìn thấy một số lượng lớn chim xung quanh đường băng ngay trước khi máy bay rơi và tháp kiểm soát không lưu đã cảnh báo phi công về khả năng va chạm với chim. Một phút sau đó, máy bay đã phát đi tín hiệu cấp cứu. Khi máy bay hạ cánh lúc 9h03, bộ phận hạ cánh của máy bay đã không được hạ.
Ông Learmount cho rằng những người trên chiếc máy bay có cơ hội sống sót cao sau khi phi công hạ máy bay xuống đất mặc dù máy bay đang bay với tốc độ cao. “Phi công đã hạ cánh một cách tuyệt vời trong hoàn cảnh đó. Máy bay lao rất nhanh nhưng vẫn nguyên vẹn khi trượt trên mặt đất,” ông nói.
Tuy nhiên, khi trượt đến cuối sân bay, máy bay đã đâm vào bức tường và gần như bị phá hủy ngay lập tức. “Bức tường đó không nên tồn tại. Thật kinh khủng,” chuyên gia cho hay.
Sân bay Quốc tế Muan mở cửa vào năm 2007 và trở thành một trung tâm giao thông bận rộn ở phía nam Hàn Quốc. Sân bay này do Tổng công ty Sân bay Hàn Quốc (KAC) quản lý và vận hành.
Ảnh vệ tinh cho thấy bức bê tông đã xuất hiện ở đầu phía nam của đường băng, gần hàng rào bao quanh trong nhiều năm. Bức tường này chứa hệ thống hạ cánh bằng thiết bị (ILS) giúp phi công hạ cánh an toàn vào ban đêm hoặc khi tầm nhìn kém.
Tuy nhiên, ở hầu hết các sân bay, các hệ thống này được đặt trên các cấu trúc có thể thu gọn. “Tôi chưa từng thấy nơi nào đặt vật thể kiên cố ở cách điểm cuối đường băng khoảng 200 m hoặc ngắn hơn như thế này,” ông Learmount nói.
Ông Learmount cho rằng nếu không va chạm với bức tường bê tông, chiếc máy bay của Jeju Air sẽ đâm xuyên qua hàng rào an ninh bao quanh, vượt qua một con đường và có thể dừng lại ở một cánh đồng bên cạnh. “Có đủ không gian để máy bay giảm tốc và dừng hẳn. Tôi nghĩ mọi người đều có thể sống sót. Các phi công có thể bị thương khi máy bay đâm qua hàng rào an ninh hoặc thứ gì đó tương tự, nhưng họ có thể đã sống sót,” chuyên gia này cho hay.
Một chuyên gia hàng không khác là Sally Gethin cũng chia sẻ mối quan ngại về vị trí của bức tường ở cuối đường băng, nhưng không cho rằng mọi người trên máy bay đều có thể sống sót.
“Có vẻ như máy bay vẫn duy trì tốc độ. Vì vậy, ngay cả khi có nhiều không gian hơn ở cuối đường băng thì vẫn có khả năng xảy ra thảm họa,” bà nhận định.
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Hàn Quốc Joo Jong-wan cho biết chiều dài 2.800m của đường băng không phải là yếu tố gây ra thảm họa. Ông khẳng định rằng các bức tường tại hai đầu đường bằng được xây dựng theo tiêu chuẩn của ngành hàng không.