Nhiều người vẫn 'sập bẫy' chiêu trò giả danh điện lực
Lợi dụng nhu cầu dùng điện tăng cao mùa hè, các đối tượng giả danh nhân viên điện lực lừa đảo công nghệ cao bằng chiêu cũ nhưng ngày càng tinh vi, gọi điện, gửi mã QR để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Mới đây, Công an phường Thanh Liệt (TP Hà Nội) tiếp nhận đơn trình báo của bà H. - một nạn nhân bị mất hơn 500 triệu đồng sau khi nghe điện thoại của đối tượng giả danh nhân viên điện lực. Bà H. cho biết, đối tượng tự xưng là cán bộ điện lực Hà Nội và hướng dẫn bà thực hiện hợp đồng điện tử. Sau đó bà H. nhận được mã QR code do đối tượng gửi, khi bà H. quét mã, tài khoản của bà bị trừ hơn 500 triệu đồng.

Tình trạng các đối tượng giả danh nhân viên điện lực gọi điện lừa đảo người dân ngày càng gia tăng. (Ảnh: Minh họa)
Trước đó, ngày 14/5, ông Đ. (trú tại Đan Phượng, Hà Nội) nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhân viên Công ty Điện lực Đan Phượng đề nghị ông số hóa hồ sơ điện để phục vụ thu tiền điện hàng tháng. Sau đó người này hướng dẫn ông Đ. đăng nhập tài khoản ngân hàng để thực hiện đồng bộ tài khoản. Do chủ quan, ông Đ. đã thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng. Sau khi thực hiện thao tác, ông Đ. thấy tài khoản ngân hàng bị trừ tổng số tiền 1 tỷ đồng.
Các đối tượng lừa đảo còn lợi dụng việc sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính của các đơn vị điện lực để dựng nên các tình huống giả mạo tinh vi hơn. Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng đối tượng xấu lợi dụng thông tin về việc các địa phương sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính để thực hiện hành vi lừa đảo.
Thủ đoạn lừa đảo phổ biến là các đối tượng giả danh nhân viên điện lực, gọi điện đến khách hàng với nội dung liên quan đến việc điện lực triển khai sáp nhập đơn vị, yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link do đối tượng cung cấp để cập nhật thông tin thanh toán tiền điện theo địa chỉ mới sau khi điện lực thực hiện sáp nhập đơn vị.
Đồng thời yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, yêu cầu khách hàng nhắn tin, cài ứng dụng lạ, gọi trực tuyến có hình ảnh thông qua ứng dụng để dễ dàng hướng dẫn. Mục đích để lấy cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của khách hàng…
Theo Công an TP Hà Nội, đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao đang gia tăng thời gian gần đây. Các đối tượng thường mạo danh nhân viên ngành điện để yêu cầu người dân quét mã QR code hoặc cài đặt ứng dụng giả mạo, qua đó chiếm quyền điều khiển điện thoại để đánh cắp dữ liệu, tiền trong tài khoản ngân hàng. Người dân tuyệt đối không cài đặt ứng dụng lạ từ đường link không xác minh, không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP hay cấp quyền truy cập điện thoại cho bất kỳ phần mềm nào không rõ nguồn gốc.
Đáng bàn, mặc dù ngành điện và Công an các địa phương liên tục cảnh báo nhưng vẫn có nhiều trường hợp “dính bẫy” mất hàng trăm triệu đồng.
Theo các chuyên gia pháp lý, có 3 nguyên nhân chính khiến các vụ lừa đảo giả danh nhân viên điện lực dù được cảnh báo nhiều lần vẫn tiếp tục lộng hành. Thứ nhất, tâm lý sợ mất điện giữa mùa nắng nóng khiến nhiều người dễ bị thao túng. Các đối tượng đánh trúng điểm yếu là nhu cầu thiết yếu và cấp bách, trong khi người dân dễ mất bình tĩnh, làm theo hướng dẫn mà không kiểm tra kỹ. Thứ hai, vẫn tồn tại khoảng trống kỹ năng số và nhận diện rủi ro công nghệ ở một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là người lớn tuổi hoặc người không thường xuyên sử dụng dịch vụ điện tử. Nhiều người không biết thế nào là ứng dụng lạ, mã QR độc, nên dễ dàng cài đặt hoặc làm theo yêu cầu của đối tượng. Thứ ba, là sự phối hợp giữa truyền thông - quản lý - công nghệ chưa thực sự hiệu quả. Dù ngành điện và lực lượng chức năng đã cảnh báo, nhưng cơ chế truy xuất thông tin chưa hiệu quả, chưa kiểm soát triệt để việc giả mạo số điện thoại, hoặc đăng ký tài khoản ngân hàng bằng giấy tờ giả. Khi công cụ giả mạo còn tồn tại, lừa đảo vẫn còn “đất diễn”.
Về chế tài xử lý, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Hành vi giả danh nhân viên ngành điện để lừa đảo qua mã QR, ứng dụng điều khiển từ xa có thể bị xử lý hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân nếu chiếm đoạt trên 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, ông Tuấn lưu ý, do hoạt động lừa đảo công nghệ cao thường liên tỉnh, xuyên quốc gia, nên ngoài truy tố hình sự, cần phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật và các nhà mạng để tạo cơ chế truy vết, chặn cuộc gọi rác, ngăn lập tài khoản ngân hàng bằng giấy tờ giả. Có như vậy mới khống chế được nguồn “công cụ” để kẻ gian thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo ông Tuấn, cần bổ sung quy định xử lý trách nhiệm hình sự với các đối tượng phát tán link độc hại, lừa người dùng quét mã QR, hoặc tăng chế tài đối với nhà mạng, ngân hàng nếu buông lỏng kiểm soát, để lộ lọt thông tin cá nhân của khách hàng.