Nhiều nguy cơ về sức khỏe tiềm ẩn đằng sau trào lưu 'bắt pen' hot rần rần trong giới trẻ

Gần đây, mạng xã hội liên tục xuất hiện những xu hướng mới, thu hút sự hưởng ứng và tham gia của đông đảo người trẻ. Tuy nhiên, không phải tất cả các trào lưu đều lành mạnh. Một trong số đó, 'bắt pen' – trào lưu dùng tay ép mạnh vào hai bên mạch máu cổ để tạo cảm giác lâng lâng – đang khiến nhiều người lo ngại về những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng.

Hiểu rõ về "bắt pen"

Trào lưu "bắt pen" bắt đầu lan truyền rộng rãi khi một khi một tài khoản TikTok có tên K.T đăng tải video mô tả chi tiết cách thức "bắt trend" này. Trong video, người tham gia dùng tay ấn mạnh vào mạch máu ở cổ của người khác cho đến khi người này có cảm giác lâng lâng, thậm chí rơi vào trạng thái lịm đi. Chính điều này đã khiến nhiều bạn trẻ tò mò, thử nghiệm và quay lại quá trình này nhằm gây chú ý trên mạng xã hội.

Hình ảnh trò "bắt pen" được cắt từ clip gốc của nhân vật trên TikTok.

Hình ảnh trò "bắt pen" được cắt từ clip gốc của nhân vật trên TikTok.

Điều đáng chú ý là video này đã nhanh chóng lan truyền, thu hút hơn 3,5 triệu lượt xem, hơn 100.000 lượt thích cùng hàng nghìn bình luận và chia sẻ. Sự phổ biến của video đã khiến nhiều bạn trẻ bắt chước hành động “bắt pen” để quay video và đăng tải lên TikTok. Cảm giác lâng lâng được miêu tả trong các video đã khơi gợi sự tò mò và hứng thú của nhiều học sinh, sinh viên, khiến các bạn thử nghiệm theo.

"Mình nhận thấy một số trào lưu hiện nay không mấy tích cực có thể đe dọa đến tính mạng, nhưng nhiều bạn vẫn bất chấp chạy theo chỉ để thu hút lượt thích, lượt chia sẻ và mong muốn trở nên nổi tiếng. Mình nghĩ rằng không nên đánh đổi tính mạng chỉ vì sự nổi tiếng như vậy," sinh viên Trần Minh Thư, Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ.

"Theo mình, các bạn có lẽ tham gia các trào lưu này vì cảm giác mới lạ và kích thích mà chúng mang lại. Tuy nhiên, mình nghĩ rằng các bạn chưa nhận thức đủ về mức độ nguy hiểm của hành động này đối với sức khỏe, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng," sinh viên Phạm Minh Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đồng quan điểm.

Nhiều bạn trẻ quay clip hưởng ứng trào lưu này.

Nhiều bạn trẻ quay clip hưởng ứng trào lưu này.

Chuyên gia Nguyễn Mạnh Tuấn, Bệnh viện Nội tiết Trung ương nhận định rằng, việc tác động mạnh đến các mạch máu ở vùng cổ có thể dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Ông cho biết, động mạch cảnh chịu trách nhiệm cung cấp khoảng 70-80% lượng máu lên não. Khi động mạch này bị chèn ép, lượng máu cung cấp lên não sẽ sụt giảm đột ngột. Nếu tình trạng này kéo dài, có thể gây ra thiếu máu lên não nghiêm trọng, làm người bệnh bị ngất, tổn thương não hoặc thậm chí đột quỵ. Chỉ cần các tế bào não thiếu máu trong vòng 5 phút, chúng sẽ bị tổn thương vĩnh viễn và không thể hồi phục.

Bên cạnh đó, động mạch cảnh còn chứa xoang cảnh - nơi kiểm soát nhịp tim và huyết áp. Khi bị ấn mạnh, khu vực này không chỉ gây tắc nghẽn lưu thông máu mà còn kích hoạt các phản xạ nguy hiểm, có thể làm chậm nhịp tim, dẫn đến ngừng tim đột ngột hoặc thậm chí gây tử vong. Ngoài ra, hành động này còn dễ làm tổn thương dây thần kinh, mạch máu và các mô mềm quanh cổ, làm tăng nguy cơ gặp phải chấn thương nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh rằng cảm giác "lâng lâng" mà người tham gia trải qua thực chất là do não không được cung cấp đủ oxy, một tình trạng cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe.

Hiểm họa khôn lường đến từ những trào lưu "vô thưởng, vô phạt"

TikTok, nền tảng mạng xã hội phổ biến đang trở thành nơi khởi nguồn cho nhiều trào lưu tiềm ẩn nguy cơ, đe dọa sức khỏe và tính mạng của người trẻ. Sự hấp dẫn từ các thử thách mới lạ cùng khát khao nhận được sự chú ý và nổi tiếng, khiến không ít bạn trẻ sẵn sàng tham gia vào những hành vi nguy hiểm này, bất chấp cả tính mạng để câu view, câu like.

Trước khi trào lưu “bắt pen” xuất hiện, đã có nhiều thử thách nguy hiểm khác “bùng nổ” trên TikTok, kéo theo những trường hợp đáng tiếc phải nhập viện do bắt chước theo.

Chẳng hạn như thử thách “Blackout,” trong đó người tham gia tự làm mình nghẹt thở hoặc nín thở lâu đến mức choáng váng. Thử thách này có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến não hoặc thậm chí dẫn đến tử vong.

Ngày càng xuất hiện nhiều trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội. (Ảnh minh họa)

Ngày càng xuất hiện nhiều trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội. (Ảnh minh họa)

Một trào lưu khác là thử thách bẻ đồ long đao (thanh gập lò xo tập tay), từng lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội vào tháng 11/2023. Tại Hà Nội, trong giờ ra chơi, một bé trai 10 tuổi ở quận Bắc Từ Liêm đã đứng xem bạn chơi trò thách đố “ai khỏe hơn” khi cố bẻ đồ long đao theo video trên TikTok. Thật không may, vật này bất ngờ văng vào mặt bé, gây tổn thương nghiêm trọng vùng mũi và phải nhập viện.

Một trường hợp khác tại TP. Hồ Chí Minh, một học sinh 17 tuổi đã nhập viện với chấn thương cổ nghiêm trọng, sau khi thử bắt chước một trò nhào lộn nguy hiểm từ video trên mạng xã hội.

Mạng xã hội có thể là sân chơi sáng tạo và thể hiện bản thân của giới trẻ, nhưng đi kèm với đó là nhiều nguy cơ, đòi hỏi sự tỉnh táo trong việc tiếp nhận thông tin. Các chuyên gia y tế khuyến nghị, khi tham gia vào các trào lưu trên thế giới ảo, các bạn trẻ nên cân nhắc kỹ về tác hại và đặt sự an toàn lên hàng đầu. Những trò chơi như “bắt pen” không nên bắt chước dù chỉ một lần.

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nhieu-nguy-co-ve-suc-khoe-tiem-an-dang-sau-trao-luu-bat-pen-hot-ran-ran-trong-gioi-tre-post1684497.tpo