Nhiều nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án tại Khu kinh tế Nam Phú Yên
Tại hội nghị lấy ý kiến việc thực hiện các dự án tại Khu công nghiệp Hòa Tâm, nhiều nhà đầu tư đề xuất tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư với các dự án gang thép, lọc hóa dầu, cảng biển…
Ngày 10/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức hội nghị để lấy ý kiến về việc thực hiện các dự án tại Khu công nghiệp Hòa Tâm (thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên, thị xã Đông Hòa). Nhiều nhà đầu tư đề xuất tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án gang thép, lọc hóa dầu, xây dựng cảng biển…
Tập đoàn Hòa Phát đề xuất đầu tư 4 dự án tại Khu kinh tế Nam Phú Yên gồm: Dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hòa Tâm, Cảng bãi Gốc, Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm và Khu thương mại - Dịch vụ.
Tiến độ đầu tư thực hiện dự án là 36 tháng sau khi được cấp chủ trương đầu tư và bàn giao đất. Riêng dự án Khu thương mại - Dịch vụ triển khai đồng bộ với đầu tư Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm và các dự án thứ cấp khác.
Tổng mức đầu tư đối với 4 dự án của Tập đoàn Hòa Phát dự kiến khoảng 120.000 tỷ đồng. Nhu cầu sử dụng lao động đối với nhà máy thép khoảng 12.000 người; trong đó, lao động địa phương chiếm 80-90%. Thu nhập bình quân của người lao động khoảng 12 triệu đồng/người/tháng.
Về công nghệ, Tập đoàn Hòa Phát sẽ đầu tư trang thiết bị công nghệ, hệ thống công trình bảo vệ môi trường (hệ thống quan trắc môi trường tự động, xử lý nước, lọc bụi, xử lý khí thải, xử lý chất thải rắn…) theo tiêu chuẩn châu Âu, G7, G20 và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của Việt Nam.
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cam kết và thể hiện quyết tâm với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên về việc thực hiện các dự án nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư và có đầy đủ thủ tục pháp lý. Đối với nguồn vốn, Tập đoàn Hòa Phát sẽ đầu tư các dự án tại Phú Yên bằng 50% vốn tự có và 50% còn lại là vốn vay từ tổ chức tài chính khác. Tập đoàn Hòa Phát mong muốn tỉnh Phú Yên cập nhật đề xuất các dự án này trong Quy hoạch chung Khu kinh tế Nam Phú Yên, Quy hoạch tỉnh Phú Yên để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.
Tập đoàn PETMAL Oil Holdings (Malaysia) đề xuất với tỉnh Phú Yên xây dựng một tổ hợp lọc hóa dầu hiện đại với công suất 8 triệu tấn dầu thô/năm gồm các sản phẩm chủ yếu: polypropylen, benzen, xăng RON 92, xăng RON 95... Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 5 tỷ USD. Diện tích sử dụng đất là 500 ha và diện tích mặt nước khoảng 500 ha.
Trong giai đoạn vận hành, dự án tổ hợp lọc hóa dầu sẽ cần khoảng 1.200 lao động trực tiếp và tạo công ăn việc làm gián tiếp cho khoảng 5.000 người và hàng trăm dịch vụ phân phối sản phẩm. Sau khi dự án đi vào hoạt động sẽ nộp ngân sách cho địa phương khoảng 20.000 tỷ đồng…
Ông Tạ Anh Tuấn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết, Cảng bãi Gốc thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên có nhiều lợi thế, vì thế tỉnh rất quyết tâm thu hút đầu tư. Các dự án được đề xuất quy mô lớn nên quá trình thực hiện cũng sẽ khó khăn từ khi có giấy phép đầu tư cho đến khi dự án hình thành.
Vì thế cần sự phối hợp, quyết tâm cao và quan điểm rõ ràng, thống nhất với nhà đầu tư để thực hiện. Quá trình thực hiện phải rõ ràng, minh bạch và đúng quy định của pháp luật. Quan điểm chung của tỉnh Phú Yên là không đánh đổi môi trường để lấy phát triển kinh tế. Đối với nhà đầu tư cũng cần có cam kết rất rõ ràng với địa phương về mặt tài chính, thời gian thực hiện; tránh tình trạng lãng phí nguồn lực, thời gian.
Theo ông Phạm Đại Dương - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, việc thu hút các dự án đầu tư lớn của doanh nghiệp là định hướng rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Điều này có vai trò chiến lược để thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đúng quy định pháp luật về đầu tư. Quá trình thực hiện cần nhanh chóng và làm rõ được vai trò của doanh nghiệp khi đầu tư dự án. Liên quan đến các dự án về gang thép, lọc dầu nhất thiết phải thực hiện đầy đủ giải pháp bảo vệ môi trường./.