Nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Là địa phương chiếm tỷ trọng sản lượng thủy sản đứng đầu tỉnh, 6 tháng qua, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản trên địa bàn huyện Trần Văn Thời được hơn 83 ngàn tấn, đạt 51,85% kế hoạch, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản lượng tôm 13.255 tấn, đạt 50,59% kế hoạch, bằng 105,2% so cùng kỳ, góp phần rất lớn vào thúc đẩy phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Nhiều kết quả phấn khởi

Tại Hội nghị trực tuyến và trực tiếp sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024, xây dựng nhiệm vụ, phương hướng 6 tháng cuối năm của huyện Trần Văn Thời vừa qua, ông Nguyễn Minh Nhứt, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời, đánh giá: “6 tháng đầu năm 2024, hạn hán diễn biến gay gắt, sạt lở, sụt lún làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xây dựng, đời sống Nhân dân. Toàn hệ thống chính trị đã tập trung cao cho công tác phòng, chống, khắc phục. Ðồng thời, tích cực triển khai, thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ. Với sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm nỗ lực rất cao của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 tỉnh giao và Nghị quyết của Huyện ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 đề ra thực hiện đạt trên 50%”.

Nổi bật trong kết quả đó là sản lượng lúa tăng gần 3%, giá lúa cũng tăng tạo được sự phấn khởi trong Nhân dân. Quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tốt hơn, không xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 51% chỉ tiêu; giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 40% so với tổng kế hoạch, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh.

Huyện Trần Văn Thời có đội tàu hùng hậu, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản trên địa bàn 6 tháng đầu năm trên 83 ngàn tấn, đạt 51,85% kế hoạch, tăng 6% so với cùng kỳ. (Trong ảnh: DN chế biến thủy sản trên địa bàn thị trấn Sông Đốc.)

Huyện Trần Văn Thời có đội tàu hùng hậu, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản trên địa bàn 6 tháng đầu năm trên 83 ngàn tấn, đạt 51,85% kế hoạch, tăng 6% so với cùng kỳ. (Trong ảnh: DN chế biến thủy sản trên địa bàn thị trấn Sông Đốc.)

Cùng với đó, công tác quản lý các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản có tính chất hủy diệt trên địa bàn huyện đã được tập trung chỉ đạo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong 6 tháng, vận động người dân giao nộp 153 bộ dụng cụ kích điện; kiểm tra 172 lượt, phát hiện, xử lý 37 trường hợp vi phạm, với số tiền trên 173 triệu đồng, tịch thu 43 dụng cụ kích điện; có gần 36 ngàn hộ ký cam kết không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản, đạt 74% tổng số hộ.

Tuy nhiên, theo ghi nhận kết quả từ các xã, thị trấn, tỷ lệ ký cam kết của người dân về vấn đề này vẫn chưa đảm bảo. Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời Nguyễn Minh Nhứt chỉ đạo: “Một số đơn vị xã, thị trấn chưa quan tâm đúng mức. Vấn đề giao nộp dụng cụ trong dân ở các xã số lượng dụng cụ bao nhiêu không quan trọng, mà quan trọng là dụng cụ này còn trong dân hay không và cam kết của bà con như thế nào trong việc thực hiện đúng theo quy định. Từ nay đến cuối năm, phải hoàn thành việc cam kết và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Các ngành, địa phương cần tuyên truyền mạnh vấn đề này để dân hiểu và cảnh báo, không để sai phạm đáng tiếc”.

Quyết liệt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

Giải ngân vốn đầu tư công huyện đạt thấp do tỉnh phân bổ nguồn vốn trễ, đến cuối tháng 5 HÐND huyện thông qua; phải thực hiện quy định mới về Luật Ðấu thầu do nguồn vốn trên 100 triệu đồng. Bí thư huyện ủy Nguyễn Minh Nhứt thông tin: “Huyện sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án, nhất là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Xem xét lại cách làm của địa phương với các địa phương khác để có giải pháp tháo gỡ kịp thời”.

Trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, thị trấn Sông Ðốc được cho là địa bàn còn khá nhiều phức tạp. Bí thư Ðảng ủy thị trấn Sông Ðốc Nguyễn Quốc Thống nhìn nhận: “Ðối với thị trấn Sông Ðốc, rất cần có cơ chế, nghị quyết đặc thù về các lĩnh vực đầu tư hạ tầng, xử lý môi trường, phát triển kinh tế biển... Ngoài ra, cần xem xét cơ chế, quy định xây dựng công trình 100 triệu đồng trở lên phải đấu thầu, khiến nhiều xã, thị trấn chưa triển khai được, trong đó có Sông Ðốc”.

Về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Minh Nhứt cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật về các vấn đề bảo vệ môi trường, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đặc biệt là tại thị trấn Sông Ðốc. Các phòng chuyên môn phải nêu cao tinh thần và thực hiện hết trách nhiệm nêu gương của mình. Ðề nghị bí thư đảng ủy các xã rà soát cán bộ, đảng viên yêu cầu phải khắc phục vi phạm ngay, kiểm điểm xử lý trách nhiệm.

Ngoài ra, ông Nguyễn Minh Nhứt cho biết, huyện tập trung chỉ đạo sửa chữa ngay đối với các tuyến đường, cầu giao thông bị sụt lún, sạt lở. Vận động Nhân dân hiến đất vườn, ruộng từ bên trong lộ để gia cố, nâng cấp mặt bằng phục vụ việc sửa chữa cầu, lộ; vận động Nhân dân tuyệt đối không được nạo vét các tuyến kênh, sông chưa được sự đồng ý của chính quyền.

“Nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm 2024 rất nhiều và nặng nề, đòi hỏi huyện phải phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; phải thống nhất cao về quan điểm, phương pháp để đưa ra các giải pháp phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên trước sau; làm việc nào phải dứt việc đó. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở việc tổ chức thực hiện, quyết tâm thực hiện hoàn thành cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 đã đề ra”, ông Nguyễn Minh Nhứt nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nhieu-nhiem-vu-chi-tieu-dat-va-vuot-ke-hoach-a33447.html