Nhiều nhưng vẫn thiếu

Đó là cảm nhận khi nhìn vào danh sách các dự án luật Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và đưa vào Chương trình năm 2024. Sự thiếu vắng các dự án luật nhằm đáp ứng yêu cầu thời sự và cấp thiết của đời sống, của nền kinh tế đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ trong phiên họp hôm qua khi cho ý kiến về dự kiến Chương trình năm 2024 và điều chỉnh Chương trình năm 2023.

Cụ thể, trong Tờ trình gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị bổ sung 12 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết vào Chương trình năm 2023 và đề nghị đưa 14 dự án luật vào Chương trình năm 2024. Đề nghị này được xây dựng trên ba nguyên tắc.

Thứ nhất, ưu tiên các dự án nhằm kịp thời triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về công tác tư pháp, pháp luật; các yêu cầu, đề nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Thứ hai, ưu tiên các dự án nhằm tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển; chủ động tham gia cách mạng 4.0; thực hiện các cam kết quốc tế cũng như bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân… Thứ ba, bảo đảm tính khả thi của Chương trình, không đưa vào những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng; đồng thời tính đến khả năng tiếp tục đề xuất bổ sung một số dự án cũng như bảo đảm tính “gối đầu” giữa Chương trình năm 2023, 2024 và năm 2025.

Với ba nguyên tắc đó, số lượng dự án luật Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 và đưa vào Chương trình năm 2024 khá lớn nhưng đáng tiếc lại “vắng bóng” những dự án để đáp ứng yêu cầu cấp bách đang đặt ra.

“Một nội dung rất quan trọng”, “rất cấp bách” nhưng “chưa thấy đâu” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra, đó là Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu. Từ ngày 1.1.2024, thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng và sẽ tác động lớn đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của nước ta. Các doanh nghiệp FDI đang “rất nóng ruột”, chờ đợi Việt Nam sớm có quyết sách để tính toán kế hoạch đầu tư. Các chuyên gia cả trong và ngoài nước đều cho rằng đây là “vấn đề đại sự”, Việt Nam phải nhanh chóng tìm kiếm giải pháp phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực. Việc căn bản và trước mắt cần làm ngay là sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để bảo đảm kịp thời áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2024. Vậy nhưng Chính phủ không hề đề xuất nội dung này cả trong Chương trình năm 2023 và 2024. Đó là chưa kể các dự án luật khác theo chương trình cải cách thuế như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng, hay Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng không được Chính phủ đề cập tới.

Bên cạnh đó, Chương trình năm 2023 và 2024 theo đề nghị của Chính phủ còn vắng bóng nhiều dự án luật cấp thiết khác cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới. Ví dụ, “Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) để thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW về chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chúng ta sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh rồi mà không có luật này thì làm gì”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói. Luật Công nghệ số để phục vụ chuyển đổi số “cũng không có nốt”...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ luôn nhấn mạnh rằng phải mang hơi thở cuộc sống vào từng dự án luật. Sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chắc hẳn sẽ phải xem xét và điều chỉnh lại Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và bổ sung Chương trình năm 2023 cũng như rà soát kế hoạch từ nay đến hết nhiệm kỳ, bảo đảm thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là những vấn đề cấp bách. Luật pháp không thể quay lưng với cuộc sống, vì vậy, dù danh sách các dự án luật cần sửa đổi, xây dựng mới phải nối dài hơn nữa thì những vấn đề thiết thân với người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn cần thiết phải bổ sung.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/nhieu-nhung-van-thieu-i323231/