Nhiều nội dung mới trong Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065
Ngày 8/12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa đã thông qua Nghị quyết về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 với nhiều điểm mới. Đồ án sẽ được xin ý kiến Bộ Xây dựng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy, nội dung đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được nghiên cứu, các đề xuất có tính khoa học và thực tiễn, cơ bản bảo đảm phù hợp nội dung theo Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 có nhiều điểm mới.
Đồ án có đề xuất mô hình thành phố trong Thủ đô, cụ thể là áp dụng mô hình “Thành phố trong Thủ đô” để tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa), để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ; logicstics; thương mại quốc tế; tài chính... hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của Thủ đô Hà Nội.
Theo từng giai đoạn phát triển, quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ thành lập các đơn vị hành chính cấp đô thị như thành phố, quận để có bộ máy quản lý hành chính phù hợp yêu cầu phát triển.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm, gồm: Đô thị trung tâm (gồm: Đô thị phía nam sông Hồng; Đô thị Long Biên, Gia Lâm); Thành phố phía bắc (gồm các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Thành phố phía tây (gồm: Đô thị vệ tinh Hòa Lạc, thị trấn Xuân Mai), các Đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên; Thị trấn sinh thái và thị trấn.
Hệ thống đô thị được phân cách bằng hành lang xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm...
Khu đại học quốc gia rộng 1.000ha ở Hòa Lạc được định hướng là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao, xã hội và nhân văn.
Thành phố phía bắc gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 633km2. Trong đó, đất xây dựng đô thị khoảng 385km2, khu vực ngoại thị khoảng 248km2 với 45 phường và 24 xã. Thành phố phía bắc Hà Nội sẽ là đô thị hiện đại, thông minh, năng động, khai thác phát huy tối đa tiềm năng của sân bay Nội Bài, trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học 4.0; là trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển trung tâm logistics có quy mô lớn tại miền bắc, thúc đẩy hạ tầng xuất nhập khẩu, trung tâm thương mại miễn thuế, outlet lớn tại khu vực.
Đồ án quy hoạch đề xuất xây dựng hành lang tàu thủy buýt dọc sông Hồng. Theo định hướng quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, Hà Nội dự định bổ sung thêm các tuyến đường bộ kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Đồ án cũng điều chỉnh, bổ sung các tuyến cao tốc đô thị, đường sắt trên cao, đường trục đô thị kết nối đô thị trung tâm với cảng hàng không quốc tế Nội Bài và cảng hàng không thứ 2 (dự kiến nâng cấp, điều chỉnh hướng tuyến đường trục phía nam, đường Ngọc Hồi-Phú Xuyên thành cao tốc đô thị kết nối); Bổ sung, tăng cường khả năng kết nối giao thông qua các sông lớn (bổ sung thêm các cầu đường bộ, cầu đường sắt đô thị kết hợp đi riêng hoặc đi chung với cầu qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đà)...
Với định hướng quy hoạch mạng lưới đường thủy, Hà Nội dự định bổ sung tuyến giao thông thủy phục vụ du lịch (du thuyền trên sông) hành trình văn hóa di sản từ Đền Hùng-Sơn Tây-Hoàng Thành-Cổ Loa-Phố Hiến.
Tại Đồ án, Hà Nội mở rộng không gian phát triển đô thị khu vực phía đông huyện Gia Lâm và phát triển khu vực này theo hướng đô thị nén, cao tầng với bán kính khoảng 0,5-1km xung quanh khu vực ga đường sắt đô thị.
Cùng với đó, tại khu vực này, thành phố nghiên cứu mô hình phát triển gắn kết với các đô thị vệ tinh, thành phố lân cận. Đây là khu vực cửa ngõ logistic phía đông kết nối các tỉnh, thành phố ven biển; nghiên cứu quy hoạch phát triển mới, đề xuất một số khu vực đô thị nén, mô hình TOD, liên kết không gian ngầm, công trình cao tầng, mật độ xây dựng thấp, tăng quy mô diện tích không gian xanh, tăng cường tiện ích đô thị.
Về định hướng sân bay thứ hai của Vùng Thủ đô, thời gian dự kiến đầu tư xây dựng vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2050. Đồ án kết nối phát triển sân bay phía nam với đô thị Phú Xuyên được quy hoạch theo mô hình đô thị sân bay, trở thành đầu mối giao thông quan trọng của vùng phía bắc, đô thị cửa ngõ phía nam của Thủ đô Hà Nội.
Ở khu đô thị trung tâm, Hà Nội sẽ phục dựng, nâng tầm kiến trúc đặc thù “khu phố kiến trúc kiểu Pháp" gắn liền với các hoạt động kinh tế cốt lõi, trung tâm tài chính, thương mại quốc gia.
Thành phố bảo tồn và phục dựng các giá trị của các công trình kiến trúc và các trục không gian đô thị có giá trị như: trục văn hóa biểu diễn Tràng Tiền-Nhà hát Lớn, Trục tài chính-ngân hàng Ngô Quyền, Trục thương mại-dịch vụ trung tâm Ga Hà Nội... nhằm xây dựng trung tâm kinh tế-tài chính-thương mại sầm uất nhất Thủ đô, khai thác giá trị di sản kết hợp tiềm năng kinh tế năng động sẵn có.
Thành phố ưu tiên phát triển ngầm tại khu vực đô thị trung tâm như tuyến phố trung tâm thương mại ngầm dẫn từ nhà ga Hà Nội dọc phố Trần Hưng Đạo kết nối với trục không gian sông Hồng.