Nhiều nơi mơ hồ về thu hồi kinh phí, tuyển dụng SV sau tốt nghiệp diện NĐ 116
Các chính sách không nhất quán đã vô hình trung trở thành rào cản khiến địa phương chậm trễ trong việc triển khai Nghị định 116.
Chính sách không nhất quán khiến có nơi chậm trễ trong thực hiện Nghị định 116
Nhiều vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP chủ yếu ở các trường sư phạm địa phương khi phụ thuộc vào nguồn ngân sách của tỉnh, trong khi đó điều kiện kinh tế và nhu cầu giáo viên mỗi nơi lại có sự khác nhau.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, hiệu trưởng một trường cao đẳng sư phạm phía Bắc cho biết:
“Hiện nay trường vẫn chưa thể triển khai đào tạo theo Nghị định 116 do địa phương không cấp kinh phí thực hiện. Sắp tới, nhà trường tiếp tục sẽ có văn bản đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Sở ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, để năm 2023 tiếp tục cấp kinh phí thực hiện Nghị định 116”.
Đây không phải là trường duy nhất trên cả nước gặp phải tình trạng này. Thực tế triển khai năm 2021, cả nước còn 40/63 địa phương chưa triển khai việc giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 (theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Các vướng mắc của địa phương chủ yếu liên quan đến nguồn ngân sách, đặc biệt những tỉnh điều kiện kinh tế còn khó khăn thì số tiền hàng chục tỷ đồng chi hàng năm cho đào tạo giáo viên là quá lớn, chưa kể, sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể không công tác tại tỉnh nhà. Cùng với đó, nhu cầu về giáo viên, số lượng biên chế mỗi tỉnh cũng có sự khác nhau. Ngoài ra, những hướng dẫn tại Nghị định 116 theo nhiều cán bộ quản lý các trường sư phạm nhận định là còn “mơ hồ”: Vấn đề thu hồi kinh phí, tuyển dụng, đơn vị công tác của sinh viên sau khi tốt nghiệp,... Các chính sách không nhất quán đã vô hình trung trở thành rào cản khiến địa phương chậm trễ trong việc triển khai Nghị định 116.
Trường sư phạm “thở phào” khi đã nhận được ngân sách hỗ trợ sau nhiều nỗ lực tham mưu
Vui mừng, phấn khởi và nhẹ nhõm là những cảm xúc của thầy Nguyễn Ngọc Thành - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk khi đến nay, sau bao nỗ lực tham mưu với các lãnh đạo cấp trên, đơn vị này đã được cấp tiền hỗ trợ cho sinh viên theo Nghị định 116.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Thành nói: “Nhà trường rất vui mừng vì số tiền hỗ trợ sinh viên theo Nghị định 116 đã được chuyển vào kho bạc. Hiện chúng tôi đang tiến hành lập tổ thẩm định để tiến hành các thủ tục chi trả tiền cho sinh viên”.
Theo thầy Thành, vì số tiền rất lớn - khoảng 60 triệu đồng/sinh viên cho 15 tháng (khóa tuyển sinh từ năm 2021-2022) nên nhà trường đang ráo riết triển khai các thủ tục một cách cẩn trọng, đảm bảo chính xác và minh bạch nhằm đảm bảo quyền lợi cho các em sinh viên.
Năm học 2021 – 2022, toàn trường có khoảng trên 180 sinh viên ngành Giáo dục Mầm non. Trong số đó, có 120 sinh viên viết bản cam kết nhận hỗ trợ chi phí sinh hoạt theo quy định của Nghị định 116. Năm học 2022 - 2023, có khoảng 50% em trong tổng số 83 sinh viên ngành Giáo dục mầm non viết bản cam kết để được hưởng trợ cấp. Những sinh viên còn lại phần lớn lo ngại vấn đề bồi hoàn kinh phí nếu sau khi ra trường không tìm được việc trong ngành giáo dục nên không đăng kí.
Số tiền hỗ trợ sẽ được cấp phát cho 2 đối tượng: Sinh viên học từ khóa năm 2021-2022 sẽ được nhận trợ cấp 15 tháng; Sinh viên khóa 2022-2023 nhận trợ cấp 5 tháng.
Chia sẻ thêm, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk cho biết, sau khi đã gỡ được những vướng mắc khi triển khai Nghị định 116 và nhận được sự phê duyệt của tỉnh, từ nay về sau, việc triển khai sẽ được tiến hành đồng bộ và kịp thời hơn.
Cụ thể, trước đó, phía tỉnh còn lo ngại về vấn đề bồi hoàn kinh phí khi sinh viên không công tác trong ngành giáo dục. Theo đó, phía nhà trường cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tiến hành thống nhất phương án thu hồi như sau: Nhà trường phối hợp với địa phương trong việc thu hồi kinh phí khi sinh viên không thực hiện đúng những cam kết theo Nghị định 116. Trong đó, thầy Thành nhấn mạnh tới việc nắm rõ ràng và chi tiết địa chỉ của từng sinh viên để có sự phối hợp với chính quyền địa phương trong vấn đề quản lý cũng như thực hiện các biện pháp thu hồi (nếu có) sau này.
Việc triển khai thực hiện Nghị định 116 ở mỗi địa phương lại có sự khác nhau: Có nơi được thực hiện kịp thời và nhanh chóng, cũng có nơi trường dài cổ ngóng ngân sách giao về để đào tạo. Sinh viên vì thế cũng bị ảnh hưởng theo khi đã đăng kí theo học nhưng cả năm trời vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ. Tâm sự với phóng viên, thầy Thành cũng thừa nhận tâm trạng “sốt ruột” khi trước đó, sinh viên nhiều nơi đã được nhận hỗ trợ nhưng sinh viên ở tỉnh vẫn chưa được nhận.
Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm được đánh giá là một chính sách tiến bộ và nhân văn, có tác dụng lớn trong việc thu hút thêm người giỏi vào học ngành này. Do vậy, để việc triển khai Nghị định trên toàn quốc được đồng bộ và thống nhất, đảm bảo sự công bằng về quyền lợi cho người học, thầy Nguyễn Ngọc Thành kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Tài chính cần có hướng dẫn rõ ràng và chi tiết hơn về việc thực hiện Nghị định 116 trong thời gian tới để địa phương triển khai thực hiện.