Nhiều nước siết chặt xuất xứ hàng hóa, Bộ Công thương điều chỉnh khung pháp lý
Bộ Công thương đã họp, chuẩn bị soạn thảo dự thảo nghị định mới để giúp doanh nghiệp ứng phó với xu hướng siết chặt quy tắc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu từ các thị trường nhập khẩu.
Chiều 17-4, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập nghị định mới thay thế Nghị định 31/2018/NĐ-CP, nhằm hoàn thiện khung pháp lý về quản lý xuất xứ hàng hóa trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang có nhiều biến động.

Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì. Ảnh: MOIT
Tại cuộc họp, các đại biểu và chuyên gia đã tập trung thảo luận về các vấn đề cốt lõi như: phân cấp, ủy quyền cấp C/O, phòng chống gian lận và chuyển tải bất hợp pháp; cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, đẩy mạnh cấp C/O điện tử, đơn giản hóa thủ tục và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất xứ…

Đại diện các cơ quan liên quan phát biểu
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu bám sát định hướng của Chính phủ, Bộ Công thương và tình hình thực tế thị trường để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ FTA, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Thứ trưởng Bộ Công thương cũng đề nghị lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính khả thi cao cho nghị định mới, hỗ trợ thiết thực cho hoạt động thương mại.

Cuộc họp của Ban soạn thảo nghị định mới về quy tắc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, chiều 17-4 tại Bộ Công thương
Theo Bộ Công thương, qua 7 năm thực hiện, Nghị định 31/2018/NĐ-CP đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA. Hệ thống pháp luật về xuất xứ hàng hóa đã được cụ thể hóa qua 45 văn bản hướng dẫn. Giá trị xuất khẩu sử dụng C/O ưu đãi tăng từ 48,9 tỷ USD (2018) lên mức kỷ lục 99,3 tỷ USD (2024), bất chấp biến động kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các FTA thế hệ mới liên tục cập nhật quy tắc xuất xứ và cơ chế chứng nhận, nghị định hiện hành cần được sửa đổi toàn diện để phù hợp với luật pháp trong nước và thông lệ quốc tế.