Nhiều nước tái khởi động nền kinh tế: Những bước đi thận trọng
'Cơn sóng thần' Covid-19 kéo dài hơn 4 tháng qua đã càn quét khắp thế giới khiến hơn 3,8 triệu người mắc bệnh và trên 260.000 người tử vong. Để làm chậm tốc độ lây lan của dịch bệnh, chính phủ các nước đã thực hiện những biện pháp chưa từng có như ban bố lệnh phong tỏa trên diện rộng hoặc toàn quốc. Quyết định này đã đẩy nhiều hoạt động kinh tế toàn cầu vào cảnh đình trệ, làm tổn hại doanh nghiệp và khiến người lao động mất việc.
Trong quý I-2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 3,5% so với quý IV-2019. Đây là mức giảm mạnh nhất của EU kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. EU cũng ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 6,6% với hơn 14 triệu người. Trong khi giá nhiên liệu sụt giảm mạnh do khủng hoảng của thị trường dầu mỏ trong những tuần gần đây, thì giá thực phẩm lại đang tăng vọt, thêm 3,6%, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nếu như vào tháng 3 vừa qua, chỉ một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng như du lịch, giao thông, giải trí... thì trong tháng 4 này, toàn bộ các lĩnh vực kinh tế của EU đã “đóng băng” do chính sách giãn cách xã hội.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng số liệu mới công bố chỉ thể hiện thực trạng của quý I-2020, trong khi sang quý II-2020, tình hình còn có thể tồi tệ hơn nhiều. Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, hơn 26 triệu việc làm đã biến mất trong 5 tuần qua. Trong khi đó, GDP quý I-2020 của Trung Quốc đã giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần tăng trưởng âm đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Do đó, dù vẫn phải đối mặt với nhiều sức ép từ dịch bệnh nhưng nhiều quốc gia đã từng bước nới lỏng các lệnh hạn chế từng được áp dụng, từ đó tiến hành các bước đi nhằm tái khởi động lại guồng máy kinh tế, khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh. Thủ tướng Italia Giuseppe Conte cho biết, các nhà máy và khu vực xây dựng đã hoạt động từ ngày 4-5 trước khi thông qua việc mở cửa trở lại nhiều doanh nghiệp hơn trong những tuần tiếp theo. Pháp thông báo sẽ bắt đầu thận trọng nới lỏng phong tỏa từ ngày 11-5 nhằm tránh thiệt hại thêm về kinh tế. Đức đã cho phép mở cửa các sân chơi, bảo tàng từ ngày 4-5 và quyết định sẽ tiếp tục để các trường học hoạt động cũng như sự kiện thể thao diễn ra trong những ngày tới. Giữa lúc số ca mắc bệnh và tử vong vì vi rút SARS-CoV-2 tại Mỹ đứng đầu thế giới, nhưng Tổng thống Donald Trump vẫn tuyên bố trọng tâm của chính phủ là tái khởi động nền kinh tế.
Trong khi đó, nhiều thành phố ở châu Á đã tiến xa hơn nhiều trong nỗ lực này. Đơn cử, các điểm du lịch nổi tiếng ở Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 12-2019, đã bắt đầu tiếp nhận du khách dù giới hạn nghiêm ngặt về quy mô của mỗi đoàn du lịch. Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh chỉ cho phép 5.000 người tham quan mỗi ngày so với trung bình 80.000 lượt khách mỗi ngày trước đại dịch.
Có thể thấy, sau giai đoạn thực hiện các biện pháp hạn chế mạnh mẽ để phòng, chống dịch Covid-19, thế giới đã bước sang giai đoạn “sống chung” với vi rút SARS-CoV-2, vừa thực hiện giãn cách xã hội vừa mở cửa nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch đang dần được kiểm soát. Tuy nhiên, cho đến khi một loại thuốc đặc trị hoặc vắc xin phòng Covid-19 được công bố, sự thận trọng là vô cùng cần thiết.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến từ Geneva, Thụy Sĩ hôm 6-5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, nguy cơ trở lại phong tỏa vẫn hiện hữu nếu các quốc gia không giám sát quá trình nới lỏng một cách chặt chẽ và thực hiện theo từng giai đoạn.