Nhiều 'ông lớn' tăng giá để bảo vệ lợi nhuận nhưng làm tăng lạm phát
Lợi nhuận của nhiều công ty đã được hỗ trợ bởi giá cao hơn ngay cả khi một số chi phí kinh doanh đã giảm trong những tháng gần đây.
Các công ty lớn đang “tham lam”
Giá dầu, phương tiện vận chuyển, nguyên liệu thực phẩm và các nguyên liệu thô khác đã giảm trong những tháng gần đây khi những cú sốc bắt nguồn từ đại dịch và xung đột ở Ukraine đã lắng xuống. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn đã tiếp tục tăng giá với tốc độ chóng mặt.
Một số công ty lớn nhất thế giới cho biết họ không có kế hoạch thay đổi hướng đi và sẽ tiếp tục tăng giá hoặc giữ chúng ở mức cao trong tương lai gần.
Chiến lược đó đã góp phần làm tăng lợi nhuận của công ty. Và nó có thể giữ cho lạm phát tăng mạnh, góp phần tạo ra những áp lực để biện minh cho việc tăng giá.
Do đó, một số nhà kinh tế cảnh báo, các nhà hoạch định chính sách tại Cục Dự trữ Liên bang có thể cảm thấy buộc phải tiếp tục tăng lãi suất, hoặc ít nhất là không hạ thấp lãi suất, làm tăng khả năng và mức độ nghiêm trọng của suy thoái kinh tế.
Ông Albert Edwards, chiến lược gia toàn cầu tại Socíeté Générale, cho biết: “Các công ty không chỉ duy trì tỷ suất lợi nhuận, không chỉ tăng chi phí mà còn sử dụng nó như một vỏ bọc để mở rộng tỷ suất lợi nhuận kiếm được từ mỗi đồng đô-la bán hàng”.
PepsiCo đã trở thành một ví dụ điển hình về cách các tập đoàn lớn đối phó với việc gia tăng chi phí, và sau đó là các doanh nghiệp khác cũng học hỏi theo.
Hugh Johnston, Giám đốc tài chính của PepsiCo, cho biết vào tháng 2 rằng công ty này đã tăng giá đủ để giảm áp lực chi phí hơn nữa vào năm 2023. Vào cuối tháng 4, công ty báo cáo rằng họ đã tăng giá trung bình 16% đối với đồ ăn nhẹ và đồ uống của mình trong 3 tháng đầu năm. Điều đó đã làm tăng thêm mức tăng giá tương tự trong quý 4 năm 2022 và tăng tỷ suất lợi nhuận của công ty.
“Tôi không nghĩ lợi nhuận của chúng tôi sẽ kém đi. Trên thực tế, những gì chúng tôi đã nói trong năm nay là chúng tôi sẽ kiếm ít nhất bằng với năm 2022 và trên thực tế có thể tăng tỷ suất lợi nhuận trong suốt cả năm”, ông Johnston nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg TV.
Những túi Doritos, những hộp nước cam Tropicana và những chai Gatorade do PepsiCo bán ra giờ đắt hơn đáng kể. Khách hàng đã càu nhàu, nhưng phần lớn họ vẫn tiếp tục mua hàng. Các cổ đông cổ vũ chiến lược này. PepsiCo từ chối bình luận.
Các công ty bán hàng tiêu dùng khác cũng hoạt động tốt trong khi tiếp tục tăng giá.
Samuel Rines, nhà kinh tế và Giám đốc điều hành của Corbu, một công ty nghiên cứu phục vụ các quỹ phòng hộ và các nhà đầu tư khác, cho biết hầu như trong 2 năm qua, các công ty “có lý do hoàn toàn chính đáng để tiếp tục tăng giá”. “Mọi người đều biết rằng cuộc gây hấn ở Ukraine là lạm phát, và giá ngũ cốc đang tăng lên,… Và họ lợi dụng điều đó”, ông Rines nói.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng những lý do cơ bản để tăng giá hiện đang giảm dần.
Chỉ số giá sản xuất, đo lường mức giá mà các doanh nghiệp phải trả cho hàng hóa và dịch vụ trước khi chúng được bán cho người tiêu dùng, đạt mức cao 11,7% vào mùa xuân năm ngoái. Tỷ lệ đó đã giảm xuống còn 2,3% trong 12 tháng tính đến tháng 4 năm nay.
Chỉ số giá tiêu dùng, theo dõi giá chi tiêu của hộ gia đình đối với mọi thứ, từ trứng cho đến tiền thuê nhà, cũng đang giảm, nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều. Vào tháng 4, chỉ số này đã giảm xuống 4,93%, từ mức cao 9,06% vào tháng 6/2022. Giá đồ uống có ga đã tăng gần 12% trong tháng 4 so với 12 tháng trước đó.
Ông Edwards đại diện Công ty dịch vụ tài chính Socíeté Générale cho biết: “Lạm phát sẽ tiếp tục cao hơn nhiều so với mức cần thiết, bởi vì các công ty đang tham lam”.
Nhưng các nhà phân tích không tin vào lời giải thích đó cho biết có những lý do khác khiến giá tiêu dùng vẫn ở mức cao. Kể từ khi lạm phát tăng vọt vào mùa xuân năm 2021, một số nhà kinh tế đã đưa ra quan điểm rằng khi các hộ gia đình thoát khỏi đại dịch, nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ - dù là nhà gửi xe hay các chuyến đi du lịch - đều không được đáp ứng do lệnh phong tỏa và chuỗi cung ứng bị hạn chế, khiến giá cả tăng cao hơn.
Còn nhiều nguyên nhân khác lớn hơn?
David Beckworth, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Mercatus tại Đại học George Mason và là cựu nhà kinh tế của Bộ Tài chính, cho biết ông nghi ngờ rằng tốc độ tăng giá nhanh chóng là do “lợi nhuận dẫn dắt”.
Các tập đoàn có một mức độ che đậy nào đó cho việc tăng giá khi người tiêu dùng đón nhận tin tức về sự mất cân bằng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Beckworth và những người khác cho rằng những mức giá cao hơn đó sẽ không thể thực hiện được nếu mọi người không sẵn sàng hoặc không thể chi tiêu nhiều hơn. Trong phân tích này, các khoản thanh toán kích thích từ Chính phủ, lãi đầu tư, tăng lương và tái cấp vốn cho các khoản vay thế chấp với lãi suất rất thấp đóng vai trò lớn hơn trong việc tăng giá so với việc tìm kiếm lợi nhuận của công ty.
Ông Beckworth nói: “Đối với tôi, dường như nhiều người kể câu chuyện về việc các công ty theo đuổi lợi nhuận mà quên rằng các hộ gia đình phải thực sự chi tiền để thực trạng này tiếp diễn. Và một khi nhìn vào sự gia tăng mạnh mẽ trong chi tiêu, tôi không thể hiểu được mối quan hệ nhân quả nằm ở đâu”.
Ông Edwards thừa nhận các biện pháp kích thích của Chính phủ trong đại dịch đã có tác dụng. Theo quan điểm của ông, khoản viện trợ này có nghĩa là người tiêu dùng bình thường không “đủ sức” về mặt tài chính để chịu đựng mức giá cao hơn. Và, ông nói thêm, động lực này cũng đã đặt gánh nặng lạm phát lên các hộ gia đình nghèo hơn “trong khi những người giàu hơn sẽ không cảm thấy điều đó nhiều như vậy”.
20% hộ gia đình có thu nhập cao nhất thường chiếm khoảng 40% tổng chi tiêu của người tiêu dùng. Theo dữ liệu thẻ tín dụng từ các ngân hàng lớn, tổng chi tiêu cho các trải nghiệm giải trí và xa xỉ dường như đã đạt đến đỉnh điểm, nhưng vẫn đủ mạnh để các công ty tiếp tục tính phí nhiều hơn. Các tuyến du lịch lớn, bao gồm cả Royal Caribbean, đã tiếp tục tăng giá khi nhu cầu về các chuyến du ngoạn trên biển tăng lên vào mùa hè.
Nhiều người không thuộc nhóm thu nhập cao nhất đã phải dùng những sản phẩm rẻ hơn. Kết quả là, một số công ty phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng cũng đã đạt kết quả tốt hơn mong đợi.
McDonald\'s báo cáo rằng doanh số bán hàng của họ tăng trung bình 12,6% trên mỗi cửa hàng trong 3 tháng tính đến tháng 3 năm nay, so với một năm trước đó. Khoảng 4,2% mức tăng trưởng đó đến từ lượng khách tăng và 8,4% từ giá món ăn cao hơn.
Một đại diện của McDonald's cho biết trong một email rằng kết quả khả quan của công ty không chỉ là kết quả của việc tăng giá mà còn là “nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng đối với McDonald's trên khắp thế giới”.
Các tập đoàn khác nhận thấy rằng doanh số bán ít hơn nhưng giá cao hơn vẫn giúp họ kiếm được nhiều lợi nhuận hơn, điều mà ông Rines - Giám đốc điều hành của Corbu đặt tên là “giá cả hơn số lượng”.
Tuy nhiên, một số công ty đang bắt đầu nhận thấy sự phản đối từ những khách hàng nhạy cảm hơn về giá. Dollar Tree báo cáo doanh số bán hàng tăng nhưng tỷ suất lợi nhuận giảm. Cổ phiếu của công ty đã lao dốc khi công ty cắt giảm kỳ vọng lợi nhuận trong thời gian còn lại của năm. Ngay cả PepsiCo và McDonald\'s gần đây cũng bị ảnh hưởng đến giá cổ phiếu khi các nhà giao dịch lo ngại rằng họ không thể tiếp tục tăng lợi nhuận.
Tuy nhiên, hiện tại, các nhà đầu tư dường như cảm thấy nhẹ nhõm vì các tập đoàn đã làm tốt như họ đã làm trong quý đầu tiên, điều này đã giúp giữ cho giá cổ phiếu không bị giảm trên diện rộng.
Trước khi các công ty lớn bắt đầu báo cáo tình hình kinh doanh của họ trong 3 tháng đầu năm, các nhà phân tích đều nhất trí rằng thu nhập của các công ty trong S&P 500 sẽ giảm khoảng 7% so với một năm trước đó. Thay vào đó, theo dữ liệu từ FactSet, thu nhập dự kiến sẽ giảm khoảng 2% sau khi có tất cả các kết quả.
Hồng Vân (Theo New York Times)