Nhiều 'phản diện' bị chỉ trích như Michael Trương

Các chương trình thực tế thường có một hoặc vài người chơi bị chỉ trích. Tuy nhiên, sự công kích của cộng đồng mạng đôi khi đi quá giới hạn.

Michael Trương và Yuna Vũ của Đảo thiên đường đang hứng chịu sự công kích, chỉ trích rất lớn từ mạng xã hội. Trên trang cá nhân, lượt thả tức giận các bài viết gần nhất của Michael Trương áp đảo trạng thái cảm xúc khác. Trong phần bình luận, hầu hết nhận xét là chê trách nam người mẫu.

Về trường hợp Yuna Vũ, cô thậm chí đã khóa phần bình luận sau vài lần lên tiếng giải thích nhưng vẫn không thể xoa dịu phản ứng tiêu cực từ khán giả. Đỉnh điểm tranh cãi là ở những tập gần đây khi Michael Trương nhập nhằng trong mối quan hệ "tay 3" giữa anh với Rayeon và Yuna. Bỗng nhiên, Michael Trương và Yuna trở thành 2 nhân vật “phản diện” trong một chương trình về tình yêu.

Nạn nhân của sự tấn công trên mạng xã hội

Cùng lúc này, nhiều nhân vật “phản diện” khác ở các chương trình truyền hình Hàn Quốc cũng đang bị tấn công dữ dội. Việc thảo luận, nhận xét là bình thường với các chương trình thực tế. Tuy nhiên, đôi khi cộng đồng mạng đi quá giới hạn. Họ không chỉ bình luận thông thường mà công kích những người thân xung quanh thí sinh hoặc thậm chí miệt thị ngoại hình, quấy rối tình dục.

Trong bài đăng ngày 23/10, The Korea Times chỉ ra Seonkyoung Longest, 41 tuổi, một thí sinh trong chương trình thi nấu ăn của Netflix, Culinary Class Wars đang là nạn nhân của tình trạng bắt nạt trên mạng xã hội. Trong một bài đăng, cô đã bày tỏ sự thất vọng về nạn bắt nạt trên mạng mà cô phải đối mặt kể từ khi chương trình được phát sóng. "Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bị người Hàn Quốc bắt nạt trên mạng, nhưng thật không may, đó chính là những gì đang xảy ra", Seonkyoung Longest cho biết.

 Seonkyoung Longest tham gia chương trình thi nấu ăn. Ảnh: Soapcentral.

Seonkyoung Longest tham gia chương trình thi nấu ăn. Ảnh: Soapcentral.

Seonkyoung đã nhận hơn 8.000 bình luận ác ý chỉ trong một video YouTube. Ở đó, các tài khoản mạng xã hội đã tấn công mọi thứ từ quốc tịch đến gia đình cô. Nguồn gốc tranh cãi là sự bất đồng quan điểm giữa cô với những thí sinh khác trong một thử thách nhóm.

Tuy nhiên, Seonkyoung không phải người duy nhất phải chịu đựng, vì những thí sinh khác trong chương trình cũng bị tấn công bằng những lời lăng mạ. Họ thậm chí bị chỉ trích "kiêu ngạo" với những lý do rất bình thường.

Thí sinh trong chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng khác I Am Solo là Ok Sun gần đây đã đăng một thông điệp lên mạng xã hội kêu gọi chấm dứt hành vi thù ghét.

"Nếu bạn không muốn nhìn thấy tôi, vui lòng liên hệ với đài truyền hình. Nhưng đừng gửi cho tôi những tin nhắn trực tiếp này nữa. Tôi không thể ngủ được nữa", cô viết. Trước đó, Ok Sun đã yêu cầu người xem không chỉ trích cô nhưng người chơi này vẫn tiếp tục phải đối mặt với những cuộc tấn công trực tuyến không ngừng nghỉ. Và tình trạng này đã kéo dài hơn 3 tuần.

Ok Suk bị coi là ích kỷ trong suốt chương trình. Trong khi đó, người chơi Sun Ja không chỉ phải đối mặt với những lời lăng mạ về tính cách mà còn bị quấy rối tình dục, xúc phạm ngoại hình. Sun Ja đang thực hiện hành động pháp lý chống lại những kẻ quấy rối cô.

Hậu quả lâu dài

Theo The Korea Times, trong lĩnh vực truyền hình thực tế Hàn Quốc, đôi khi "kẻ phản diện" được coi như một chiến thuật để tăng lượng người xem. Tuy nhiên, gánh nặng đối với những cá nhân vào vai phản diện đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trong hơn một thập kỷ, những người tham gia chương trình truyền hình thực tế Hàn Quốc, đặc biệt những người không nổi tiếng, đã bị đẩy vào tầm ngắm của cư dân mạng.

Cuộc sống của họ sau chương trình bị chi phối bởi những lời chỉ trích gay gắt, buộc nhiều người phải ở ẩn. Trong những trường hợp nghiêm trọng, họ phải tham gia vào các cuộc chiến pháp lý chống lại những kẻ phá đám trực tuyến.

Nạn bắt nạt trên mạng xung quanh các người chơi của I Am Solo đã kéo dài trong 3 năm qua. Với mỗi mùa, chương trình lại có một nhân vật "phản diện" mới gây ra làn sóng căm ghét ở không gian trực tuyến. Một thí sinh chia sẻ việc được chọn vào vai người phụ nữ lập dị trong chương trình đã hủy hoại cuộc đời cô như thế nào.

“Tôi thậm chí không thể ra ngoài nữa. Với 400.000 won (310 USD) cho mỗi tập phim, họ đã đẩy một bà mẹ đơn thân như tôi vào tình huống này để kiếm lời”, cô nói.

 Hình ảnh chương trình hẹn hò My Sibling's Romance. Ảnh: JTBC.

Hình ảnh chương trình hẹn hò My Sibling's Romance. Ảnh: JTBC.

Vào tháng 7, đội ngũ sản xuất chương trình hẹn hò My Sibling's Romance của đài JTBC tuyên bố có hành động cứng rắn sau khi các người chơi bị tấn công bởi các tin đồn và bình luận ác ý.

"Chúng tôi sẽ có hành động cứng rắn đối với bất kỳ hành vi nào gây tổn hại đến danh tiếng của các thí sinh", nhóm sản xuất cho biết thêm họ làm việc chặt chẽ với các chuyên gia pháp lý để thu thập bằng chứng chống lại những người phát tán thông tin sai lệch.

Sau khi tuyên bố được đưa ra, JTBC cho biết số bình luận quấy rối trực tuyến đối với những người tham gia chương trình đã giảm đáng kể. Một quan chức của JTBC cho biết: "Kể từ khi chúng tôi nói rõ rằng sẽ có hậu quả pháp lý với những bình luận quấy rối, số lượng nhận xét quá khích đã giảm đáng kể".

Trường hợp của My Sibling's Romance mang đến tia hy vọng về sự thay đổi trong cách các nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế xử lý vấn đề bắt nạt trên mạng.

Minh Hạo

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhieu-phan-dien-bi-chi-trich-nhu-michael-truong-post1506053.html