Nhiều phương án phòng chống, ứng phó không để xảy ra cháy rừng mùa khô ở An Giang
Hiện đang là đỉnh điểm của mùa khô, thời tiết nắng nóng kéo dài, độ ẩm thấp, nên tất cả các diên tích rừng trên địa bàn tỉnh An Giang đang có nguy cơ cháy rừng ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.
Trước thực trạng này, các cấp, ngành chức năng và chính quyền địa phương của tỉnh đã và đang tập trung, nỗ lực thực hiện với nhiều phương án phòng chống, ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn.
Theo quan sát của chúng tôi, thời điểm này, nhiều cánh rừng tại khu vực Bẩy Núi của tỉnh An Giang như: núi Phú Cường, cụm Núi Đất, khu vực núi Nhọn thuộc huyện Tịnh Biên; khu vực Núi Sam, TP Châu Đốc; núi Giài, Núi Tượng, Núi Cô Tô, Núi Nam Quy…những đám cỏ dưới tán rừng đã chuyển màu vàng khô nên rất dễ cháy.
Đặc biệt, khu vực này có rất nhiều chùa chiền, miếu mạo, thời điểm này lại là cao điểm mùa du lịch tâm linh nên khó tránh khách hành hương đốt vàng mã.
Ông Nguyễn Văn Phô, một người dân ở ấp Phú Hòa, xã An Phú, huyện Tịnh Biên cho biết cho biết, do nắng nóng kéo dài nhiều ngày nay nên cây, cỏ đều khô, rất dễ cháy. Bản thân ông và các hộ dân sống tại đây phải luôn ý thức và cảnh giác cao trong việc phòng chống cháy rừng; tuy nhiên điều đang lo ngại ở đây là thời điểm này khách đi hành hương viếng chùa rất đông. Ông Nguyễn Văn Phố chia sẻ.
"Dạo này nắng nhiều, nên rừng rất dễ cháy, không chủ quan được. Vào mùa này mình đã dự trữ nước, dùng nước tiết kiệm để mình phòng cháy, chữa cháy rừng. Mình có dự trữ cạn nhựa đựng nước hai mấy can rồi; rồi có bồn nước, mỗi bồn khoảng 10 khối; có bình nước lớn bên kiểm lâm người ta dự phòng, để ở chỗ khu vực nào không có bồn, để ngay đó phòng cháy, chữa cháy. Riêng bản than tôi thì đi tới đi lui, gặp người dân đi viếng chùa mình nhắc nhở cho người ta biết là đừng hút thuốc, cắm nhang bừa bãi nó cháy".
Theo Ban quan lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của An Giang là gần 17 ngàn ha, gồm vùng đồi núi và đồng bằng. Hiện nay tất cả các diện tích rừng trên địa bàn tỉnh đều có nguy cơ cháy cấp V. Các khu vực trọng điểm nguy cơ cháy cao tập chung ở các huyện như: Tịnh Biên, TP.Châu Đốc, huyện Tri Tôn, huyên Thoại Sơn…
Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang cho biết, ngay từ đầu năm, Ban quan lý rừng đã phối hợp với ngành chức năng và các địa phương triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Đơn vị cũng phối hợp với ngành kiểm lâm và chính quyền địa phương huy động lực lượng xây dựng đường băng cản lửa, đốt chủ động, chống cháy lan.
Ông Thái Văn Nhân nói: “Ngay từ đầu mùa khô, Ban quản lý rừng đã triển khai, xây dựng phương án, giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện công tác tuyên truyền; treo băng rôn tại các khu vực trọng điểm; cắm bảng cấm lửa; phối hợp với đài truyền thanh của các xã có rừng để tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Trang bị phương tiện, dụng cụ, máy chữa cháy để sẵn sàng khi có cháy xảy ra thì có phương tiện, lực lượng chữa cháy. Cao điểm mùa khô này thì thực hiện chỉ đảo của tỉnh, Sở nông nghiệp, Chi cục kiểm lâm An Giang, Ban quả lý rừng đã ứng trực 100% quân số”.
Hiện nay, nền nhiệt độ không khí lúc 13 giờ tăng cao, nắng nóng gay gắt, các vật liệu cháy dưới tán rừng đã khô, độ ẩm rất thấp, lượng nước dưới các kênh đang dần khô kiệt..., rất dễ bắt lửa gây cháy lớn và lây lan nhanh trên diện rộng, tạo thành những đám cháy lớn, sẽ gây thiệt hại nhiều mặt. Trước tình hình này, Chi cục kiểm lâm An Giang đã và đang phối hợp với các ngành chức năng và địa phương triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ, duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ người vào trong những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, giảm thiểu nguồn lửa; phát hiện kịp thời điểm cháy... Quyết tâm phòng cháy tốt, chữa cháy kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Ông Trương Minh Hùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết: “Hiện giờ nguy cơ cháy rừng là cấp V hết rồi, mình đã triển khai tất cả các kế hoạch bảo vệ rừng; phương án phòng cháy, chữa cháy rừng hất rồi. Cấp tỉnh có 2 kế hoạch, cấp huyện và cấp xã thì có 24 kế hoạch; chủ rừng là 3 phương án. Tất cả các lực lượng: Kiểm lâm, Ban quản lý rừng, chủ rừng là trực 24/24, trực 100%. Các điểm du lịch, chùa, lăng miếu tuyên tuyền là, khi khách hành hương đến phải thật kỹ lưỡng trong việc đốt nhang và vàng mã. Hợp đồng với công an, quân sự cử người chốt, trực ngay khu vực trọng điểm. Hợp đồng với một số người dân tại địa phương ứng trực theo phương châm 4 tại chỗ”.
Để đảm bảo công tác phòng chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh, các lực lượng chức năng đã phối hợp với địa phương tổ chức triển khai hơn 30 phương án phòng chống cháy rừng từ cấp huyện đến cấp xã; Trang bị 4 xe tải phục vụ vận chuyển quân khi có sự cố; làm cầu tạm; trang bị gần 70 xuồng và vỏ lải, hơn 130 máy chữa cháy cải tiến, hàng ngàn các dụng cụ như: thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa,…bố trí các phương tiện, máy móc và dụng cụ thô sơ phục vụ công tác phòng chống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ.
Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, nhưng với sự tập trung cao độ của ngành chức năng; sự nỗ lực, chung tay của các đơn vị quản lý rừng, và ý thức cao của người dân sống ven rừng, du khách hành hương đến An Giang….hy vọng mùa khô năm nay, An Giang vẫn đảm bảo an toàn cho diện tích rừng, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh./.