Nhiều quan chức ECB vẫn muốn giảm thêm lãi suất
Mặc dù nền kinh tế khu vực đồng euro vẫn kiên cường trước những bất ổn do căng thẳng thương mại toàn cầu gây ra, tuy nhiên nhiều nhà hoạch định chính sách của NHTW Châu Âu (ECB) vẫn muốn cơ quan này giảm thêm lãi suất để ứng phó với việc lạm phát có thể giảm mạnh hơn dự kiến.

Kinh tế khu vực vẫn bền vững
Một loạt các dữ liệu kinh tế được công bố hôm thứ Sáu (25/7) vừa qua cho thấy nền kinh tế khu vực đồng tiền chung vẫn vững vàng trước những bất ổn của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là chính sách thuế quan thất thương của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo đó dữ liệu về cho vay cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong hai năm, chứng tỏ các hoạt động kinh tế đang rất mạnh.
Kết quả một cuộc khảo sát của ECB vừa được công bố hôm thứ Sáu cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung thể đạt 1,1% trong năm nay, cao hơn mức 0,9% theo dự báo trước đó.
Trong khi đó, lạm phát tại khu vực được dự báo ở mức trung bình 2% trong năm nay, thấp hơn mức 2,2% dự đoán ba tháng trước, và sau đó sẽ giảm xuống còn 1,8% vào năm tới, cũng thấp hơn mức kỳ vọng trước đó là 2%.
Tuy nhiên, việc giảm xuống dưới mục tiêu có thể chỉ là tạm thời, và tăng trưởng giá cả sau đó sẽ trở lại mức 2% trong những năm tiếp theo, rồi duy trì ở mức mục tiêu của ngân hàng ngay cả trong dài hạn, được định nghĩa là năm 2030.
"Thuế quan dự kiến sẽ có tác động giảm nhẹ (đến lạm phát) trong ngắn hạn nhưng nhìn chung sẽ ở mức trung lập vào năm 2027 và trong dài hạn", ECB cho biết.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát riêng biệt của Ifo về Đức cho thấy mức tăng trưởng thứ bảy liên tiếp, cho thấy nền kinh tế lớn nhất khối vẫn đang phát triển bất chấp căng thẳng thương mại đang kìm hãm xuất khẩu và đầu tư doanh nghiệp.
Các số liệu này đang củng cố nhận định của Chủ tịch ECB Christine Lagarde rằng khối này có thể đã hoạt động "tốt hơn một chút" so với dự kiến trong quý trước.
Vẫn nên giảm thêm lãi suất?
Hôm thứ Năm vừa qua, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất và đưa ra đánh giá lạc quan khiêm tốn về nền kinh tế khu vực. Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc họp chính sách, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết nền kinh tế hiện đang ở “tình hình tốt” và tăng trưởng phù hợp với dự báo hoặc “tốt hơn một chúc”
Điều đó đã làm dấy lên kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng chu kỳ nới lỏng kéo dài một năm, vốn đã giảm một nửa lãi suất chủ chốt của ngân hàng từ 4% xuống còn 2%, có thể sắp kết thúc. Các dữ liệu kinh tế được công bố hôm thứ Sáu càng củng cố thêm kỳ vọng này.
Theo đó thị trường hiện chỉ thấy 50% khả năng ECB sẽ có thêm một động thái cắt giảm lãi suất nữa trong năm nay, một sự sụt giảm đáng kể so với đầu tuần khi khả năng cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa là 100%.
Nhiều định chế tài chính cũng đã hạ dự báo về việc cắt giảm thêm lãi suất của ECB. “Chúng tôi đang điều chỉnh lại dự báo của mình và không còn kỳ vọng ECB sẽ cắt giảm lãi suất tiền gửi xuống còn 1,75% tại cuộc họp tháng 9 nữa”, chuyên gia kinh tế Jörg Krämer của Commerzbank cho biết. “Giờ đây, chúng ta có thể kỳ vọng lãi suất tiền gửi không đổi ở mức 2,0% trong thời gian còn lại của năm nay và năm 2020”.
Hiện Goldman Sachs, BNP Paribas, Nomura và Commerzbank đều đã loại bỏ dự đoán về việc nới lỏng chính sách hơn nữa, dự kiến sẽ không có thêm đợt cắt giảm lãi suất nào trong năm nay, trong khi JPMorgan đã lùi thời điểm dự kiến cắt giảm lãi suất cuối cùng sang tháng 10 thay vì tháng 9.
Tuy nhiên, một số ngân hàng khác, bao gồm Bank of America, Barclays và UniCredit, vẫn tiếp tục dự đoán một động thái vào tháng 9, mặc dù một số ngân hàng thừa nhận rằng khả năng điều này xảy ra đã giảm đi phần nào.
Trong khi đó, nhiều nhà hoạch định chính sách của ECB dường như có quan điểm thận trọng hơn và cho rằng, ECB vẫn cần tiếp tục nới lỏng thêm do triển vọng kinh tế khu vực vẫn còn mong mạnh, cũng như để ứng phó với tình trạng lạm phát giảm thấp.
“Rủi ro đối với tăng trưởng vẫn nghiêng về phía tiêu cực, với mức độ bất ổn vẫn còn rất cao”, Thống đốc NHTW Pháp François Villeroy de Galhau cho biết. “Hơn bao giờ hết, trong một môi trường biến động, chính sách linh hoạt dựa trên dữ liệu và dự báo là điều cốt yếu”.
Một lo ngại chính là tăng trưởng chậm chạp, đồng euro mạnh và tác động từ thuế quan sẽ kiềm chế áp lực giá cả, làm gia tăng nguy cơ lạm phát sẽ giảm xuống quá thấp, đòi hỏi ECB phải có biện pháp kích thích. "Mức thuế quan của Mỹ, mặc dù vẫn chưa chắc chắn, được dự đoán sẽ không làm tăng lạm phát, trong khi sự tăng giá của đồng euro đang có tác động giảm phát đáng kể”, Villeroy nói.
Thống đốc NHTW Phần Lan Olli Rehn dường như cũng cảnh báo không nên đứng ngoài quá lâu. "Việc dành nhiều thời gian hơn cho việc ra quyết định hiện đặc biệt hữu ích - giá trị tùy chọn của việc chờ đợi là cực kỳ cao”, Rehn cho biết trong một bài đăng trên blog. “Tuy nhiên, chúng ta không nên chờ đợi một cách vô ích cho sự bất ổn chung giảm bớt đáng kể, ít nhất là dưới thời chính quyền Mỹ hiện tại”.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nhieu-quan-chuc-ecb-van-muon-giam-them-lai-suat-167896.html