Ghi nhận của phóng viên, tại đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều cơ sở karaoke kinh doanh trở nên vẳng vẻ khách sau khi một số vụ cháy karaoke xảy ra thời gian vừa qua.
Đường Quan Hoa, nơi nhiều cơ sở kinh doanh karaoke cũng luôn trong tình cảnh 'ế ẩm', đìu hiu.
Nhân viên tranh thủ nghịch điện thoại những lúc vắng khách.
Quán karaoke ISIS số 231 Quan Hoa, nơi xảy vụ cháy kinh hoàng ngày 1/8 đã để lại hậu quả nặng nề, thương tâm. Ba cán bộ, chiến sỹ Đội cảnh sát PCCC - Công an quận Cầu Giấy đã hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, dập tắt đám cháy.
Trên đường Nguyễn Khang hàng loạt quán karaoke trong tình trạng 'cửa đóng then cài'.
Một số quán karaoke đóng cửa để hoàn thiện các hạng mục PCCC.
Dãy karaoke trên đường Nguyễn Khang vắng hoe, ít khách.
Theo anh Phạm Chí Công (trú tại chung cư VOV Mễ Trì), trước đây cũng hay lựa chọn karaoke để giải trí, sau khi xảy ra hàng loạt vụ cháy kinh hoàng nên cũng hạn chế, nếu có đi hát cũng chọn những cơ sở uy tín, đảm bảo an toàn PCCC và ưu tiên chọn những phòng hát tầng thấp.
Quán karaoke ở một vị trí đắc địa tại ngã tư Vũ Phạm Hàm, Nguyễn Khang cũng chịu cảnh 'vắng tanh như chùa Bà Đanh'.
Một cơ sơ kinh doanh dịch vụ karaoke ở phố Miếu Đầm cũng chẳng khá khẩm gì.
Trong thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước nói riêng và TP Hà Nội nói chung , tình hình cháy nổ diễn ra hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là vụ cháy xảy ra vào khoảng 21h ngày 6/9/2022 tại quán karaoke ở phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 33 người tử vong.
Thông tin từ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội cũng cho thấy, hiện thành phố có gần 1.400 cơ sở kinh doanh karaoke. Quá trình kiểm tra, có tới 58% cơ sở không đạt yêu cầu về công tác an toàn phòng cháy chữa cháy trong quá trình hoạt động.
Cụ thể, 425 cơ sở có khả năng khắc phục nhưng chưa khắc phục nên đã kiến nghị tạm dừng hoạt động. Ngoài ra, 326 cơ sở không có khả năng khắc phục đã bị tạm đình chỉ.
Đức Sơn