Nhiều quốc gia chưa tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hành động chống biến đổi khí hậu

Trong trường hợp xảy ra thiên tai, tỷ lệ tử vong và tị nạn của phụ nữ và trẻ em lần lượt cao gấp 14 và 4 lần so với các nhóm đối tượng khác.

 TS Nguyễn Ánh Minh (giữa), giảng viên trường Đại học Cần Thơ thông tin về báo cáo của Việt Nam

TS Nguyễn Ánh Minh (giữa), giảng viên trường Đại học Cần Thơ thông tin về báo cáo của Việt Nam

Thông tin được đề cập tại Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về giảm thiểu rủi ro thiên tai (APMCDRR) năm 2024 diễn ra tại Philippines từ 14-18/10/2024.

Hội nghị có chủ đề "Hướng tới năm 2030: Tăng cường tham vọng đẩy nhanh tiến trình giảm thiểu rủi ro thiên tai khu vực châu Á - Thái Bình Dương" với sự tham gia của gần 3.000 đại biểu là các nhà lãnh đạo, quan chức chính phủ, đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, học giả… từ 39 quốc gia.

Tại đây, các đại biểu đã tập trung thảo luận 3 vấn đề chính: Các giải pháp thực tiễn để tăng cường tài chính cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai; Không để ai bị bỏ lại phía sau: Quản trị rủi ro thiên tai đáp ứng công bằng giới và bao trùm; Địa phương hóa và khả năng chống chịu của đô thị và nông thôn.

Trong khuôn khổ hội nghị, báo cáo của Việt Nam "Phân tích khả năng thích ứng với thảm họa khí hậu ở phụ nữ Khmer tại Đồng bằng sông Cửu Long" đã được chia sẻ với truyền thông quốc tế. Kết quả hợp tác giữa ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và các nhà khoa học của trường Đại học Cần Thơ, cho thấy nỗ lực của phụ nữ Khmer khi phải đối mặt với thiên tai và ảnh hưởng bất lợi ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Minh, giảng viên trường Đại học Cần Thơ, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Việt Nam chia sẻ: "Phụ nữ Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động áp dụng kỹ thuật trồng cây chịu mặn và nuôi trồng thủy sản để thích ứng tốt hơn với tác động tiêu cực của BĐKH, bảo vệ cơ bản sinh kế của mình. Việc thành lập các hợp tác xã địa phương đã giúp phụ nữ Khmer có quyền lực kinh tế, hỗ trợ họ xây dựng sự độc lập tài chính tốt hơn và thúc đẩy tình đoàn kết trong cộng đồng. Những sáng kiến này không chỉ đóng góp vào việc chuẩn bị cho thiên tai mà còn tạo ra cơ hội cho phụ nữ trong các vai trò lãnh đạo."

Đại biểu nước chủ nhà Philippines chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện nhóm nghiên cứu Việt Nam và Australia

Đại biểu nước chủ nhà Philippines chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện nhóm nghiên cứu Việt Nam và Australia

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực xảy ra nhiều thiên tai nhất trên thế giới và phụ nữ đang phải đối mặt tình trạng các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tăng. Trong trường hợp xảy ra thiên tai, tỷ lệ tử vong và tị nạn của phụ nữ và trẻ em lần lượt cao gấp 14 và 4 lần so với các nhóm đối tượng khác. Đối với nhóm đối tượng phụ nữ và trẻ em khuyết tật thì con số này còn cao hơn nhiều lần.

Tuy nhiên, theo báo cáo, chính phủ các nước Châu Á và Thái Bình Dương đã đệ trình kế hoạch Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) nhằm ứng phó và thích nghi với BĐKH lên Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNCCC). Chưa đến một nửa các kế hoạch có đưa ra cam kết tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hành động chống BĐKH.

"Khi phụ nữ chủ động tham gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai thì họ hoàn toàn có thể lãnh đạo cộng đồng, góp phần tăng cường khả năng chống chịu các tác động bất lợi của thiên tai và BĐKH. Để các chính sách đáp ứng giới và cung cấp các nguồn lực mục tiêu trở thành hiện thực, các chính phủ trên khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cần hợp tác cùng nhau và cùng với các Chính phủ trên toàn thế giới cùng hành động để đảm bảo có đủ nguồn lực tài chính khuyến khích và tạo điều kiện để phụ nữ chủ động dẫn dắt, xây dựng các cộng đồng bền vững và chống chịu tốt hơn."

Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid Việt Nam

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhieu-quoc-gia-chua-tang-cuong-su-tham-gia-cua-phu-nu-trong-hanh-dong-chong-bien-doi-khi-hau-20241019102731609.htm