Nhiều quy định bảo vệ quyền lợi khách hàng

Tại Nhật Bản, quốc gia nổi tiếng về quản lý chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm, việc bảo vệ chất lượng hàng hóa trong môi trường thương mại điện tử (TMĐT) là nội dung quan trọng trong hệ thống pháp luật. Đất nước mặt trời mọc đã ban hành nhiều đạo luật và cơ chế kiểm soát để bảo đảm rằng, hàng hóa lưu thông qua nền tảng trực tuyến vẫn tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng như trong mô hình thương mại truyền thống.

Luật Giao dịch thương mại cụ thể

Luật này được ban hành lần đầu tiên vào năm 1976 nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi gian lận và gây nhầm lẫn trong các hình thức giao dịch từ xa như bán hàng qua mạng, tiếp thị tận nhà, bán hàng qua điện thoại… Lần sửa đổi gần nhất của luật được thực hiện vào năm 2022 để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm trong môi trường TMĐT đang phát triển nhanh chóng.

Theo quy định của luật, người bán trên các nền tảng TMĐT bắt buộc phải minh bạch thông tin về sản phẩm, thông tin liên hệ, chính sách đổi trả, cũng như các khoản thuế và phí liên quan. Đặc biệt, luật nhấn mạnh trách nhiệm của người bán trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm được công bố đúng thực tế. Việc công khai danh tính thật và địa chỉ liên hệ rõ ràng giúp người tiêu dùng dễ dàng truy cứu trách nhiệm khi xảy ra tranh chấp, trong khi cơ chế khiếu nại và hoàn tiền minh bạch tạo nền tảng bảo vệ quyền lợi khách hàng một cách hiệu quả.

Luật Trách nhiệm đối với sản phẩm

Luật Trách nhiệm sản phẩm của Nhật Bản được ban hành vào năm 1994, chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.1995 và được sửa đổi gần nhất là vào năm 2017.

Đây là một trong những công cụ pháp lý quan trọng giúp bảo vệ người tiêu dùng khỏi các sản phẩm kém chất lượng hoặc có lỗi, đặc biệt là trong môi trường TMĐT, nơi người tiêu dùng không thể kiểm tra sản phẩm trực tiếp trước khi mua. Theo luật này, nếu sản phẩm mua online bị lỗi gây thiệt hại cho người tiêu dùng, người sản xuất hoặc nhà nhập khẩu vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Điều này có nghĩa là trong trường hợp một sản phẩm bán trên các nền tảng TMĐT như Rakuten hay Amazon Japan gây hại cho người tiêu dùng, nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp sản phẩm sẽ phải chịu trách nhiệm, ngay cả khi lỗi không phải do cố ý hoặc không có ý định gây hại. Người tiêu dùng không cần phải chứng minh lỗi cố ý hay sự thiếu cẩn trọng của nhà sản xuất, mà chỉ cần sản phẩm có khiếm khuyết gây tổn hại là đủ để nhà sản xuất phải bồi thường.

Ngoài ra, trách nhiệm không chỉ nằm ở nhà sản xuất mà còn ở người bán trên các nền tảng trực tuyến. Các nền tảng thương mại điện tử như Rakuten, Amazon Japan yêu cầu các nhà bán lẻ cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm, bao gồm nguồn gốc, quy trình sản xuất và các chứng nhận chất lượng trước khi cho phép đăng bán. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mà còn giúp các nền tảng TMĐT bảo vệ mình khỏi những rủi ro pháp lý liên quan đến chất lượng sản phẩm.

Các nền tảng TMĐT không chỉ phải tuân thủ luật, mà còn phải chịu sự giám sát từ các cơ quan chức năng như Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Nhật Bản (CAA) và Ủy ban Thương mại công bằng Nhật Bản (JFTC). Các cơ quan này giám sát và xử lý các vi phạm liên quan đến chất lượng sản phẩm trong TMĐT, đồng thời hỗ trợ giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp.

Luật Chống khuyến mại không hợp lý và trình bày gây hiểu lầm

Luật Chống khuyến mại không hợp lý và trình bày gây hiểu lầm, là một trong những đạo luật quan trọng tại Nhật Bản nhằm bảo vệ người tiêu dùng trước các hành vi quảng cáo sai lệch, đặc biệt trong môi trường trực tuyến. Nó lần đầu tiên được thông qua vào năm 1962 và chính thức có hiệu lực vào năm 1963. Lần sửa đổi mới nhất cho phù hợp với tình hình mới là vào năm 2023.

Vai trò chính của luật này là ngăn chặn việc doanh nghiệp đưa ra các thông tin không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về sản phẩm, từ đó bảo đảm sự minh bạch và công bằng trong thương mại, cả trực tuyến lẫn trực tiếp. Nó nghiêm cấm hành vi ghi nhãn sai lệch liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, công dụng, chất lượng hoặc lợi ích mà sản phẩm mang lại. Nếu phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng có quyền yêu cầu cải chính công khai và xử phạt hành chính.

Luật An toàn sản phẩm tiêu dùng

Được ban hành lần đầu tiên vào năm 1973 và chính thức có hiệu lực vào năm 1974, luật này đã được sửa đổi nhiều lần, đặc biệt để đáp ứng các vấn đề phát sinh từ sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT và hàng hóa nhập khẩu. Lần sửa đổi gần đây nhất được thông qua vào tháng 6.2024.

Theo luật, các nhà sản xuất, nhập khẩu và nhà cung cấp - bao gồm cả các nhà bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử - phải bảo đảm rằng sản phẩm tiêu dùng bán ra thị trường không gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tiêu dùng. Các sản phẩm phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn được quy định rõ, bao gồm việc không chứa chất cấm, không có cấu tạo nguy hiểm, và có chứng nhận an toàn nếu thuộc danh mục sản phẩm kiểm soát đặc biệt. Nhất là, các sản phẩm chủ yếu dành cho trẻ em phải tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt do Chính phủ quy định và hiển thị cảnh báo như độ tuổi phù hợp và hướng dẫn sử dụng.

Đặc biệt, nếu phát hiện sản phẩm có khả năng gây nguy hiểm, dù đã được bán ra thị trường hay chưa, nhà cung cấp có trách nhiệm tiến hành thu hồi tự nguyện và phải thông báo công khai thông qua các kênh chính thức, như website công ty, báo chí hoặc thông báo trên nền tảng TMĐT. Điều này nhằm ngăn ngừa rủi ro lan rộng và giảm thiểu tổn hại cho người tiêu dùng.

Các thiết bị điện tử được bán ra thị trường, nhất là trên các sàn giao dịch điện tử phải có chứng nhận PSE (Product Safety Electrical Appliance & Material Certification) - một yêu cầu pháp lý bắt buộc đối với các sản phẩm điện gia dụng tại Nhật Bản. Việc không có chứng nhận này không chỉ vi phạm luật, mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, điện giật, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhieu-quy-dinh-bao-ve-quyen-loi-khach-hang-post411670.html