Nhiều rào cản đối với sinh viên nghèo Australia
Trên thực tế, việc người dân gặp rào cản trong tiếp cận chương trình giáo dục đại học đã diễn ra từ lâu tại Australia.
Bất chấp những nỗ lực cải thiện giáo dục của Chính phủ Australia trong nhiều thập kỷ, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại nước này vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận đại học.
Australia đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ học đại học cho những người có hoàn cảnh khó khăn để mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho sinh viên nghèo. Tuy nhiên, sau hơn 50 năm triển khai, các chính sách của Australia chưa đem lại chuyển biến rõ rệt. Các cơ sở giáo dục đại học vẫn ghi nhận tình trạng thí sinh xét tuyển giảm mạnh, phân tầng và bất bình đẳng trong lớp học.
Trên thực tế, việc người dân gặp rào cản trong tiếp cận chương trình giáo dục đại học đã diễn ra từ lâu tại Australia. Trước Chiến tranh Thế giới thứ 2, các trường đại học Australia chỉ dành riêng cho tầng lớp giàu có. Dưới 0,2% dân số có trình độ đại học.
Nhưng sau chiến tranh, Australia đã mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục bằng cách tăng học bổng; thành lập nhiều trường đại học, cao đẳng chất lượng cao; nhiều ngành nghề đòi hỏi trình độ đại học... Đến năm 1949, số người học đại học tăng gấp 3 lần. Đến năm 2022, 49% người Australia từ 25 - 64 tuổi có bằng đại học.
Dù ngày càng nhiều người có bằng cử nhân, rào cản tiếp cận đại học trong các cộng đồng khó khăn tại Australia vẫn còn tồn tại. Cựu Thủ tướng Gough Whitlam từng thực hiện chính sách miễn học phí cho những người khó khăn. Sau đó, vào năm 1980, số người học tăng đột biến khiến Chính phủ rơi vào tình trạng không đủ chỉ tiêu để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Đến năm 1990, Bộ trưởng Giáo dục Lao Động, ông John Dawkins, cam kết sẽ cân bằng các thành phần sinh viên trong xã hội. Kế hoạch của ông chỉ định sáu nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và đặt mục tiêu cụ thể để tăng số lượng sinh viên trong từng nhóm. Dù vậy, kế hoạch vẫn không giải quyết được vấn đề.
Nhiều nhà phân tích nhận định việc các trường phụ thuộc vào điểm tuyển sinh gây bất lợi cho người có hoàn cảnh khó khăn. Điểm đầu vào mang tính chất minh bạch, khách quan nhưng chúng cũng che giấu ưu và nhược điểm của sinh viên.
Sinh viên Australia đến từ các gia đình khá giả có nền tảng tốt và sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các kỳ thi đầu vào đại học trong khi sinh viên đến từ các gia đình khó khăn không có được may mắn này. Vì thế, nhiều người nghèo chưa được tiếp cận đại học.
Còn bà Denise Bradley, Cựu Phó Hiệu trưởng Đại học Nam Australia, lại cho rằng, sinh viên nghèo không học đại học vì nhiều lý do. Phổ biến nhất là nhiều người nhận thức được lợi ích của bằng đại học.
Bộ trưởng Giáo dục Jason Clare và Chủ tịch Đánh giá Hiệp định Mary O'Kane đánh giá việc người dân có hoàn cảnh khó khăn không được học đại học hoặc gặp khó khăn khi học đại học là thách thức lớn của ngành giáo dục Australia. Vấn đề này vẫn chưa được giải quyết trong nhiều thập kỷ và nó cần những giải pháp đột phá, thực tế hơn.
Trên thực tế, không chỉ sinh viên mà các trường đại học ở Australia cũng đang gặp khó khăn khi phải cố gắng để khẳng định uy tín của mình. Lý do vì những bảng xếp hạng đại học toàn cầu ngày càng gia tăng, các trường đại học tại nước này đã thúc đẩy, đầu tư vào cơ sở vật chất và giá trị uy tín để thu hút nhiều sinh viên. Trong khi các trường đại học đang cạnh tranh uy tín thì sinh viên cũng phải cố gắng để giành được bằng cấp từ các cơ sở giáo dục nổi tiếng.
Theo The Guardian