Nhiều rủi ro từ 'hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ'
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tiếp tục nhận được nhiều phản ánh của người dân về những rủi ro khi tham gia mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng (hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ).
Dịch vụ kinh doanh nghỉ dưỡng dài hạn cung cấp cho khách hàng quyền nghỉ dưỡng/quyền sở hữu kỳ nghỉ bao gồm: quyền lưu trú tại khu nghỉ dưỡng và quyền sử dụng các dịch vụ kèm theo (có phí hoặc không). Người mua quyền nghỉ dưỡng/quyền sở hữu kỳ nghỉ sẽ được quyền sử dụng căn hộ/biệt thự nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian dài hạn cho bản thân và những người mà khách hàng đăng ký.
Khách hàng sẽ thanh toán chi phí quyền nghỉ dưỡng/quyền sở hữu kỳ nghỉ bằng cách chi trả toàn bộ giá trị hợp đồng trước khi sử dụng dịch vụ (thường từ 200-800 triệu đồng phụ thuộc vào loại căn hộ và thời gian). Ngoài ra, khách hàng có thể phải chi trả các khoản chi phí khác như phí duy trì, phí thường niên, phí chuyển nhượng, phí trao đổi… Quyền nghỉ dưỡng/quyền sở hữu kỳ nghỉ không phải là sở hữu bất động sản.
Hiện nay, có 3 loại hình nghỉ dưỡng dài hạn, bao gồm: Tuần nghỉ cố định; Tuần nghỉ không cố định hay tuần thả nổi; Thẻ kỳ nghỉ hay thẻ tích lũy điểm trừ dần.
Hình thức tiếp cận, chào mời khách hàng tham gia mô hình nghỉ dưỡng dài hạn phổ biến tại các doanh nghiệp là tổ chức sự kiện để tặng quà, tặng kỳ nghỉ miễn phí và khảo sát nhu cầu du lịch của người dân.
Đặc điểm chung của các hợp đồng nghỉ dưỡng dài hạn này là: cung cấp dịch vụ cho thuê phòng lưu trú với thời hạn hợp đồng dài (từ vài năm đến vài chục năm); khách hàng được lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng (thuộc sở hữu gốc của bên bán hoặc bên bán liên kết với chủ sở hữu gốc) và sử dụng các dịch vụ kèm theo trong một khoảng thời gian nhất định hằng năm cho bản thân hoặc người thân.
Thực tế cho thấy, nhiều người dùng đã phản ánh về những rủi ro gặp phải từ mô hình này. Cụ thể là bên bán thiết kế các chiến lược bán hàng bài bản để thu hút bên mua tham gia giao dịch một cách vội vàng thông qua việc tổ chức sự kiện để tặng quà, tặng kỳ nghỉ miễn phí và khảo sát nhu cầu du lịch của người dân…
Khi nhận ra sản phẩm trên thực tế không đúng nguyện vọng (như mua để đầu tư sinh lời nhưng không chuyển nhượng được cho bên thứ ba; mua để có các kỳ nghỉ lý tưởng với gia đình nhưng yêu cầu về thời gian đặt phòng trước quá khắt khe) cũng như nhận ra các bất lợi, rủi ro từ giao dịch đã xác lập, người dân yêu cầu bên bán chấm dứt hợp đồng, hoàn trả tiền nhưng không được chấp nhận.
Hai là bên bán thiết kế nội dung giao dịch tiềm ẩn rủi ro cho bên mua như: bên mua phải thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng trước khi sử dụng dịch vụ; phải thanh toán thêm khoản phí thường niên thả nổi và kéo dài suốt thời hạn hợp đồng cho dù không sử dụng dịch vụ, không chuyển nhượng được cho bên thứ ba;
Điều kiện đặt phòng, chuyển nhượng hợp đồng/cho thuê lại kỳ nghỉ khó khăn; không được hủy ngang hợp đồng nhưng có thể bị bên bán đơn phương chấm dứt hợp đồng và mất toàn bộ số tiền đã đóng trong rất nhiều trường hợp bất lợi (ví dụ vi phạm nghĩa vụ đóng phí thường niên trong 3 năm; vi phạm các quy chế, chính sách nghỉ dưỡng do bên bán quy định, sửa đổi trong suốt thời hạn hợp đồng…).
Ba là bên bán không sở hữu khu nghỉ dưỡng nhưng vẫn cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn và thu toàn bộ giá trị hợp đồng của bên mua trước khi cung cấp dịch vụ.
Từ thực tế trên, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng trước khi quyết định tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm, cần tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu tại sự kiện cũng như bên cung cấp thông qua phương tiện truyền thông hoặc qua bạn bè, người thân đã tham gia sự kiện hoặc sử dụng sản phẩm; xác định trước những vấn đề cần quan tâm về lợi ích và rủi ro để chủ động yêu cầu được giải đáp thêm;
Xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng; Lưu ý các điều kiện, hạn chế đối với bên mua trong việc hưởng, chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng. Ví dụ như: thời điểm bắt đầu được thực hiện quyền nghỉ dưỡng, dịch vụ này có được chuyển nhượng cho người khác không, nếu có thì sau khi ký hợp đồng hay sử dụng dịch vụ bao nhiêu lâu, có đi kèm điều kiện gì không…;
Các điều khoản bất lợi trong hợp đồng, như: hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua; không cho người tiêu dùng hủy ngang hợp đồng; chế tài xử lý vi phạm không công bằng giữa hai bên; các trường hợp bên cung cấp dịch vụ được miễn trừ trách nhiệm ví dụ như không được cơ quan nhà nước cấp phép xây dựng (đối với loại hình có dự án/khách sạn) hoặc bên thứ ba không tiếp tục hợp tác (đối với loại hình không có dự án/khách sạn)...
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhieu-rui-ro-tu-hop-dong-so-huu-ky-nghi-post584575.antd