Nhiều sách mới ra mắt, nhiều sự kiện giao lưu với tác giả dịp cuối tuần
Cuối tuần này, độc giả Hà Nội có cơ hội tham gia nhiều buổi ra mắt sách mới, giao lưu cùng tác giả của nhiều đơn vị xuất bản như Nhã Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng, Phụ nữ Việt Nam…
Vào 9 giờ sáng thứ 7 (23/12), tại Phố Sách Hà Nội, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm “Khi trinh thám không chỉ là phá án – Câu chuyện tâm lý tội phạm dưới góc độ gia đình.
Các diễn giả tham gia sự kiện gồm nhà văn Phong Điệp, dịch giả Hoàng Anh và nhà văn Di Li.
Các diễn giả sẽ chia sẻ về dòng chảy trinh thám tại các nền văn học Anh, Pháp, Italia và đặc biệt là Việt Nam. Đây là cơ hội gặp gỡ và khám phá những khía cạnh ấn giấu của dòng văn học trinh thám, về vấn đề khai thác tâm lý nhân vật và giới hạn của tâm lý con người cũng như những nét mới của tiểu thuyết trinh thám hiện đại, vượt ra ngoài khuôn khổ “whodunit” (ai là thủ phạm) truyền thống.
Sự kiện được tổ chức nhân dịp tiểu thuyết tâm lý, hình sự “Cuốn sổ máu” của nhà văn Phong Điệp vừa phát hành. Chị cũng là tác giả của 27 đầu sách gồm truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết, đối thoại văn học.
Dịch giả Hoàng Anh tên thật là Vũ Hoàng Anh, sinh năm 1981, là dịch giả tiếng Anh, tiếng Pháp. Anh là người chuyển ngữ các tác phẩm văn học trinh thám được nhiều độc giả yêu thích: “Kẻ nhắc tuồng”; “Người ru ngủ”; “Người điều khiển mê cung”; “Cô gái trong lồng” ...
Nhà văn Di Li là một trong những cây bút nữ hiếm hoi trong dòng văn học trinh thám, với một số tác phẩm tiêu biểu như “Câu lạc bộ số 7”, “Trại hoa đỏ”, “Hầm tuyết”…
Cũng trong buổi sáng thứ 7, vào 9 giờ 30 sáng, Viện Pháp tại Hà Nội và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức tọa đàm “Đế chế ký hiệu của Roland Barthes”, được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội khám phá của Viện Pháp. Chương trình có sự tham gia của nhà phê bình Đỗ Lai Thúy; Phó Viện trưởng Viện Nhân học văn hóa Phạm Minh Quân và Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên, chủ biên tạp chí Zzz Review.
Sự kiện được tổ chức nhân dịp ra mắt cuốn sách “Đế chế ký hiệu” của tác giả Roland Barthes, nhà ký hiệu học nhà hậu cấu trúc luận, nhà phê bình văn học nổi tiếng người Pháp. Ông được coi một trong những người đặt nền móng cho chủ nghĩa cấu trúc và ký hiệu học Pháp.
Năm 1976, Roland Barthes được bầu vào Viện Cao học Pháp (Collège de France) với chức giáo sư ngành Ký hiệu học văn chương, một vinh dự dành riêng cho Roland Barthes và là sự công nhận tài năng và những đóng góp của ông.
Roland Barthes đặc biệt nổi tiếng với việc phát triển và mở rộng lĩnh vực ký hiệu học thông qua những công trình phân tích hàng loạt hệ thống ký hiệu mà “Đế chế ký hiệu” là một trong những tác phẩm điển hình.
“Đế chế ký hiệu” được nhiều nhà nghiên cứu về Roland Barthes coi là một trong những kiệt tác và bước ngoặt quyết định trong sự nghiệp của ông. Theo Roland Barthes, Nhật Bản là đất nước của ký hiệu và chữ viết. Tên sách có thể được hiểu theo nghĩa Nhật Bản là đất nước mà các ký hiệu ngự trị, “làm vua”. Bên cạnh đó, “đế chế” cũng mang hàm ý về chế độ quân chủ vẫn hiện hành ở Nhật.
“Đế chế ký hiệu” là tác phẩm mà ở đó Roland Barthes đã phác họa bức tranh về một Nhật Bản của những ký hiệu, của mật mã và quy ước, thanh cao và đẹp đẽ, bạo lực và trống rỗng, trong từng khu phố, từng nhà ga, cửa hàng, sân khấu hay những khu vườn... qua mỗi gương mặt, nét chữ, miếng tempura, trò chơi pachinko...
Cũng trong dịp cuối tuần, vào 10 giờ sáng chủ nhật 24/12, tại trụ sở 55 Quang Trung, Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức giao lưu ra mắt sách “Bí ẩn Ozon”, loạt truyện tranh Việt được ấp ủ hơn 15 năm.
“Bí ẩn Ozon” là dự án được tác giả kiến trúc sư Tuấn Anh, bình luận viên thể thao Anh Quân và đội ngũ họa sĩ của TAQUA Group ấp ủ hơn 15 năm qua, nhằm mang tới một series truyện tranh Việt có nội dung mới mẻ, hấp dẫn. Đây là một tác phẩm truyện tranh comic thuộc dòng Fantasy với hệ thống pháp thuật phong phú, thiên nhiên trù phú với vô vàn những bí ẩn cần được khám phá, cuộc chiến đấu của cái thiện chống lại cái ác và hệ thống nhân vật đa dạng với nhiều chủng tộc cùng chung sống.
Bộ truyện từng được nhiều bạn đọc biết tới, nay “tái sinh” trong một ấn bản hoàn toàn mới cả về hình thức lẫn nội dung, tiếp tục mở ra thế giới giả tưởng đầy ly kỳ và hấp dẫn trên hành tinh mang tên Ozon.
Trong chương trình, độc giả sẽ có dịp giao lưu với đội ngũ thực hiện tác phẩm của Taqua Group, đại diện Ban Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng, cùng họa sĩ khách mời Vũ Đình Lân (tác giả bộ truyện “Project Icon”, người đạt giải nhì Silent Manga Award 2015 tại Nhật Bản), lắng nghe những thông điệp các tác giả gửi gắm trong bộ truyện, chia sẻ ý kiến, quan điểm về con đường theo đuổi đam mê, phát triển truyện tranh Việt Nam trong thời gian tới...
Ngoài ra, vào 14 giờ 30 thứ 4 ngày 27/12, Viện Pháp tại Hà Nội và Nhà xuất bản Tri Thức tổ chức tọa đàm giới thiệu sách “Spinoza - Triết học thực hành” của nhà triết học người Pháp Gilles Deleuze (Nguyễn Anh Cường dịch) với sự tham gia của các diễn giả: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Chuẩn; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hảo; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng và dịch giả Nguyễn Anh Cường.
Spinoza (1632-1677) là một triết gia lớn người Hà Lan, tạo nên ảnh hưởng đáng kể cho sự phát triển của triết học phương Tây thế kỷ XVII-XVIII. Spinoza có nhiều đóng góp cho sự phát triển của triết học phương Tây trên các phương diện bản thể luận, nhận thức luận, đạo đức học.
“Triết học thực hành – Spinoza” phân tích các khía cạnh của triết học Spinoza, như về tự nhiên, nguyên tắc và con người. Tác giả Deleuze phân tích cách Spinoza nhìn nhận về tự do, định mệnh, tình yêu và nhiều chủ đề triết học khác. Cuốn sách này là một tài liệu quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu về triết học Spinoza và triết học của Gilles Deleuze.
“Triết học thực hành – Spinoza” đóng góp quan trọng vào việc tái khám phá và hiểu rõ hơn về triết học của Spinoza, và là một tài liệu quan trọng trong lĩnh vực triết học.