Nhiều sai phạm trong hoạt động chế biến dăm gỗ

Thời gian gần đây, hoạt động chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phát triển 'nóng' với nhiều nhà máy được đầu tư và đưa vào hoạt động. Không thể phủ nhận vai trò của các nhà máy chế biến dăm gỗ trong tiêu thụ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm gỗ rừng trồng, tuy nhiên việc có nhiều nhà máy hoạt động, trong đó có không ít nhà máy vận hành chưa đúng quy định hoặc hoạt động 'chui' đã tạo ra những bất cập cần được các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương chấn chỉnh.

 Một nhà máy chế biến dăm gỗ ở huyện Cam Lộ

Một nhà máy chế biến dăm gỗ ở huyện Cam Lộ

Nhiều sai phạm trong hoạt động

Thông tin từ Sở Công thương cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 12 nhà máy chế biến dăm gỗ của các doanh nghiệp được cấp phép đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 650.000 m3 sản phẩm/ năm, trong đó có nhiều nhà máy có công suất lớn trên 50.000 m3 /năm. Số liệu quản lí là như vậy nhưng trên thực tế toàn tỉnh hiện có trên 20 nhà máy chế biến dăm gỗ đang hoạt động. Vai trò của các nhà máy chế biến dăm gỗ trong tiêu thụ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm rừng trồng cũng như giải quyết việc làm cho lao động, đóng góp ngân sách nhà nước là rất tích cực, tuy vậy nhiều sai phạm đang diễn ra ở không ít nhà máy.

Trên địa bàn huyện Vĩnh Linh hiện có 5 nhà máy chế biến gỗ dăm của các doanh nghiệp là Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị, Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hân, Công ty TNHH Cảm Giáo, Công ty TNHH MTV Đại Cát Quảng Trị và Công ty TNHH Bắc Long Sơn. Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy trong 5 nhà máy thì có đến 4 nhà máy “dính” sai phạm. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Đại Cát Quảng Trị hoạt động “chui” trong Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá một thời gian dài khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp quyết định chủ trương đầu tư, không thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, thực hiện thủ tục thuê đất không đúng quy định với UBND xã Vĩnh Chấp, nợ thuế; Công ty TNHH Bắc Long Sơn dù thiếu nhiều thủ tục, giấy phép nhưng vẫn triển khai xây dựng nhà máy ở thôn Rào Trường, xã Vĩnh Sơn rồi rầm rộ tổ chức sản xuất, sau nhiều lần bị kiểm tra, xử lí thì nhà máy này mới chịu tạm dừng hoạt động vào đầu tháng 6/2019. Mới đây, khi làm việc với cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đại Cát Quảng Trị đã thừa nhận những sai phạm và cho rằng việc đáp ứng đầy đủ các quy định trong hoạt động chế biến dăm gỗ đối với doanh nghiệp nhỏ là rất khó khăn. Bà Ngọc cũng mong muốn chính quyền quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục để tiếp tục hoạt động chế biến dăm gỗ...

Tạo ra những bất cập và cần tăng cường quản lí

Hiện nay tỉnh Quảng Trị chỉ quy hoạch phát triển 12 - 13 nhà máy chế biến dăm gỗ nhằm giữ ổn định về nguồn nguyên liệu và ngay từ năm 2017, UBND tỉnh đã có văn bản số 4972/UBND - CN về việc cấp phép đầu tư các dự án chế biến gỗ trên địa bàn, trong đó có chủ trương dừng cấp phép cho các dự án đầu tư mới, nâng công suất các nhà máy chế biến dăm gỗ. Thực tế trên địa bàn tỉnh đang có trên 20 nhà máy chế biến dăm gỗ hoạt động đã làm phát sinh không ít bất cập. Ở nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ, tình trạng thiếu nguyên liệu đang diễn ra gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đề cập đến vấn đề này, ông Phan Chu Thiện Minh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị cho biết: “Doanh nghiệp đang gặp không ít trở ngại trong sản xuất do thiếu nguyên liệu đầu vào. Sở dĩ có tình trạng này là do thời gian gần đây có nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dăm gỗ trong khi diện tích rừng trồng không phát triển thêm. Việc có quá nhiều nhà máy chế biến gỗ dăm cũng tạo ra hệ lụy là có sự cạnh tranh không lành mạnh về giá thu mua gỗ nguyên liệu giữa một số doanh nghiệp. Cùng với đó là chất lượng chế biến dăm gỗ có chiều hướng giảm do có doanh nghiệp thu mua nguyên liệu không đảm bảo và trên thực tế cũng đã có một số lô hàng bị đối tác phàn nàn, không tiếp nhận”. Ông Võ Thái Hiệp, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hân nêu thực tế: “Gỗ rừng trồng thu mua trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn nên chúng tôi phải nhập đến 80% nguyên liệu từ tỉnh Quảng Bình để duy trì sản xuất”. Đây chính là hệ lụy của việc có nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ và việc bố trí cũng không hợp lí bởi theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ tính riêng các khu vực ven đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa phận các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ đã có tới 6 nhà máy chế biến dăm gỗ…

Trước thông tin phản ánh của báo chí và đại biểu HĐND tỉnh về những bất cập trong hoạt động chế biến dăm gỗ, mới đây Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức khảo sát việc thực hiện các quy định của pháp luật, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Mới khảo sát ở 4 doanh nghiệp thì cả 4 đều có sai phạm ở mức độ khác nhau. Trước thực tế này, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần đổi mới công tác quản lí theo hướng chặt chẽ, hiệu quả nhưng phải tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, các doanh nghiệp chấp hành đầy đủ các thủ tục, quy định trong lĩnh vực này. “Sau khi hoàn thành khảo sát, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổ chức phiên làm việc với UBND tỉnh và các ngành, địa phương về các nội dung liên quan đến công tác quản lí nhà nước đối với hoạt động chế biến dăm gỗ trên địa bàn và sẽ có báo cáo kết quả về vấn đề này tại kì họp HĐND tỉnh tới đây”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng thông tin.

Để hoạt động chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp, tạo động lực để thúc đẩy phát triển sản xuất rừng trồng và công nghiệp chế biến, đã đến lúc các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần xác định rõ trách nhiệm của mình để tăng cường công tác quản lí. Trong đó cần đặc biệt coi trọng công tác quản lí, kiểm tra việc chấp hành đầy đủ các thủ tục, quy định của pháp luật trong hoạt động chế biến dăm gỗ của các doanh nghiệp. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục, quy định của lĩnh vực này. Thực hiện nghiêm chủ trương dừng cấp phép cho các dự án đầu tư mới, nâng công suất các nhà máy chế biến dăm gỗ theo văn bản số 4972/UBND - CN của UBND tỉnh; tổ chức kiểm tra xử lí kịp thời, đúng quy định đối với các nhà máy chế biến dăm gỗ có sai phạm trong hoạt động hoặc hoạt động “chui” và các cơ quan cấp phép đầu tư dự án hoạt động trong lĩnh vực này trái với chỉ đạo của UBND tỉnh.

Huy Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=140229