Nhiều sản phẩm bồi bổ sức khỏe 'hậu COVID' đắt như tôm tươi
Sau khi mắc COVID-19, nhiều người dân có xu hướng mua các sản phẩm bồi bổ sức khỏe như yến sào, saffron, đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, mật ong rừng... khiến cho những sản phẩm này luôn cháy hàng.
Không đủ hàng cung ứng
Ông Lê Xuân Diệu, Giám đốc điều hành công ty TNHH Nông nghiệp Vaco, đơn vị chuyên nghiên cứu, nuôi trồng và sản xuất nấm đông trùng hạ thảo cho biết, mỗi ngày công ty ông cung ứng ra thị trường 45.000 hộp đông trùng hạ thảo dạng thô, tức gần 200 kg khô mỗi tháng.
Tuy nhiên, số lượng này hiện tại đã không đủ để cung ứng cho thị trường trên cả nước khi nhu cầu sử dụng của người dân gia tăng đột biến.
"Nếu như năm ngoái và các năm trước đó, cứ dịp sau Tết lượng đông trùng hạ thảo xuất đi không nhiều, thì năm nay lượng hàng trước và sau tết đã tăng lên 100% khiến mặt hàng này luôn trong tình trạng cháy hàng.
Chúng tôi đã tăng công suất sản xuất lên 50% vẫn không đủ hàng để cung ứng. Dự kiến trong quý II năm nay, nhà máy sẽ xuất ra thị trường 135.000 hộp mỗi tháng" - ông Diệu nói.
Theo ông Diệu, hiện công ty ông cung ứng cho các doanh nghiệp khác trên cả nước dưới dạng dòng thô là chính. Mỗi hộp tươi nguyên khối sẽ có trọng lượng 200g. Theo đó, tùy vào nhu cầu sử dụng mà đông trùng hạ thảo có thể dùng làm nước uống, kết hợp cùng các sản phẩm khác như yến, linh chi, saffron, hay chế biến cùng các món ăn, chiết cao, ngâm rượu...
Còn đối với chị Nguyễn Thanh, người chuyên bán yến sào nhà nuôi (Thủ Đức, TP.HCM) cho biết từ sau Tết Nguyên đán 2022, gia đình luôn trong tình trạng nợ đơn của khách.
"Sức mua tăng hơn 80% so với đợt dịch có chủng Delta, nhu cầu cao nên giá yến mặt bằng chung cũng leo thang hơn trước.
Trước đây yến tinh chế loại 1 có giá 3,1 triệu đồng/lạng thì nay đã tăng lên 3,3 triệu đồng/ lạng, yến thô cũng tăng từ 2,4 triệu đồng/lạng lên 2,6 triệu đồng/lạng.
Yến đỏ là yến nuôi ở đảo cũng có giá 2,7 triệu đồng/lạng. Các loại yến này đều được tặng kèm táo đỏ và đường phèn để khách về chưng kèm" - chị Thanh chia sẻ.
Mặc dù vậy, Ông Lê Minh Duy, chủ tịch công ty CP Tập đoàn quảng bá và phát triển thị trường yến sào Việt Nam cho biết hiện nay các sản phẩm yến tinh chế đang có nhiều mức giá khác nhau. Cùng với đó, tình trạng tổ yến kém chất lượng cũng xuất hiện khá nhiều và khó kiểm soát.
Cẩn trọng giá cả, chất lượng
Ông Lê Minh Duy, chủ tịch công ty CP Tập đoàn quảng bá và phát triển thị trường yến sào Việt Nam cho biết, hiện nay yến sào đang có sức mua khá cao, và các sản phẩm yến tinh chế cũng được bán với nhiều mức giá khác nhau.
"Cùng với đó, tình trạng tổ yến kém chất lượng cũng xuất hiện khá nhiều và khó kiểm soát.
Thực tế, trên thị trường có trường hợp pha chế mủ trôm vào yến hoặc cho vài sợi rong vào yến để tăng trọng lượng. Người tiêu dùng rất khó phát hiện và nhận biết bởi việc pha trộn này rất tinh vi. Do đó, người dân nên lựa chọn những nơi mua bán tổ yến có uy tính để tránh trường hợp mua phải sản phẩm kém chất lượng” - ông Minh khuyến cáo.
Theo ghi nhận của PV, giá yến trên thị trường loại tinh chế đang giao động từ 3,1-4 triệu đồng/lạng, với yến chưa qua tinh chế cũng rơi vào 2,5-3 triệu đồng/lạng. Tuy nhiên, trên các trang thương mại điện tử và Facebook, một số loại yến tinh chế bị vỡ (yến vụn) được rao bán chỉ từ 900.000 - 1,7 triệu đồng/ lạng.
Mặt hàng đông trùng hạ thảo cũng mỗi nơi một giá. Từ 99.000 đồng-200.000 đồng, người tiêu dùng có thể sở hữu được một hộp dạng tươi 200g. Còn dạng khô giao động 500.000 - 600.000 đồng/ hũ 10 gram trở lên.
Trong khi đó, mặt hàng đông trùng hạ thảo nhập khẩu Tây Tạng có giá 12 - 20 triệu đồng/ hộp 10 gram, tùy kích cỡ.
Trong khi đó, ở phân khúc hàng hữu cơ, mặc dù giá bán cao gấp hai lần so với hàng thường nhưng mật ong, đông trùng hạ thảo, nấm linh chi đỏ... lại được khách hàng lựa chọn nhiều hơn bởi tính an toàn và nguồn gốc rõ ràng.
Tại hệ thống Organic Food, đông trùng hạ thảo hữu cơ dạng khô, hũ 10 g có giá 535.000 đồng, hũ 30 g có giá hơn 980.000 đồng, hay nấm linh chi đỏ hữu cơ cắt lát hũ 500g giá 790.000 đồng...
Theo đơn vị này, đây đều là những mặt hàng bán tốt nhất, thường xuyên bị đứt hàng do nhu cầu cao.