Nhiều sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu EU nhưng không thể tiêu thụ tại Việt Nam

Khoảng trống pháp lý về 'ngưỡng phát hiện tối thiểu của thiết bị - MRPL' trong xét nghiệm kháng sinh cấm trong thủy sản đã dẫn đến nghịch lý là nhiều sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu EU lại không thể tiêu thụ tại thị trường nội địa Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi đến Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú văn bản phản ánh nhiều bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật, gây khó khăn và gánh nặng đáng kể cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản. Các vấn đề này được phân loại thành 3 nhóm chính: quy định mâu thuẫn, chồng chéo; quy định tạo gánh nặng chi phí tuân thủ, hạn chế đổi mới sáng tạo; và quy định không rõ ràng, không hợp lý, khó khả thi.

Liên quan đến quy định về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phế phẩm, phụ phẩm thủy hải sản, VASEP nêu, các hướng dẫn của cơ quan thuế địa phương cho phép phế liệu, phế phẩm, phụ phẩm thủy hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ sơ chế thông thường không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT, nhưng lại áp dụng thuế suất 10% đối với phế phẩm từ các mặt hàng đã qua chế biến (như luộc chín).

Điều này mâu thuẫn với quy định tại Thông tư 83/2014/TT-BTC, vốn liệt kê đầu tôm, vỏ tôm, đầu cá, xương cá… là sản phẩm chưa chế biến hoặc chỉ qua sơ chế thông thường không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT ở khâu kinh doanh thương mại, dù là sản phẩm của hàng hóa sơ chế hay chế biến.

Sự thiếu thống nhất trong luật thuế, buộc doanh nghiệp tốn thêm nhân lực và chi phí để phân loại, tính toán hóa đơn cho cùng một loại phế liệu nhưng từ các dây chuyền sản xuất khác nhau, và gây khó khăn khi khách hàng không chấp nhận hai mức thuế suất cho cùng sản phẩm – đại diện doanh nghiệp nêu rõ.

VASEP đề nghị Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất để tất cả các loại phế liệu, phế phẩm, phụ phẩm thủy hải sản, dù của mặt hàng sơ chế hay chế biến, nhưng chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT ở khâu kinh doanh thương mại.

 Bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật đã gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản. Ảnh minh họa

Bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật đã gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản. Ảnh minh họa

Một số quy định khác được nhìn nhận là “tạo gánh nặng chi phí tuân thủ, hạn chế đổi mới sáng tạo” cũng được VASEP trình bày trong văn bản này. Trong đó có vướng mắc tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP về thủy sản khai thác (quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của một số loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, gây khó khăn cho ngư dân và doanh nghiệp; quy định cấm trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc nhập khẩu với nguyên liệu trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu thiếu định nghĩa rõ ràng và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế…).

Đặc biệt, theo doanh nghiệp, khoảng trống pháp lý về “ngưỡng phát hiện tối thiểu của thiết bị - MRPL” trong xét nghiệm kháng sinh cấm trong thủy sản đã dẫn đến nghịch lý là nhiều sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu EU lại không thể tiêu thụ tại thị trường nội địa Việt Nam. Cùng với đó, hiện chưa có quy định, hướng dẫn cho việc chuyển mục đích sử dụng sản phẩm nhập khẩu để sản xuất/gia công xuất khẩu sang tiêu thụ nội địa hoặc ngược lại.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-san-pham-du-tieu-chuan-xuat-khau-eu-nhung-khong-the-tieu-thu-tai-viet-nam-post803675.html