Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Cơ hội tăng thu nhập cho nông dân miền Tây

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp giúp nông dân tăng thu nhập, giảm chi phí, ổn định đầu ra, mở chuỗi giá trị xanh gắn tín chỉ carbon và xuất khẩu bền vững.

Lợi nhuận cao hơn, nông dân bớt nỗi lo chi phí

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp đã được thí điểm trên nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Những mô hình này không chỉ mang lại năng suất tăng thêm từ 5 đến 10%, mà quan trọng hơn là lợi nhuận của người nông dân được cải thiện rõ rệt.

Theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp và Môi trường, hiện đã có hơn 620 hợp tác xã tham gia đề án, dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 1.300 hợp tác xã. Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động triển khai 101 mô hình thí điểm, với tổng diện tích trên 4.518 ha tại Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ. Kết quả các mô hình đều có năng suất tăng từ 5 - 10%, hiệu quả kinh tế tăng từ 3 - 5 triệu đồng/ha, thấm chí có vùng lợi nhuận tăng 30 - 40 triệu/ha.

Người dân áp dụng máy sạ hàng đời mới. Ảnh: C.K

Người dân áp dụng máy sạ hàng đời mới. Ảnh: C.K

Cụ thể, chi phí sản xuất giảm từ 8,2 - 24,2%, giảm lượng giống 30 - 50%, giảm lượng phân bón hóa học 30 - 70 kg phân bón/ha, giảm 1 - 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm 30 - 40% lượng nước tưới. Đồng thời, năng suất tăng 2,4 - 7,0%, tăng thu nhập của nông dân thêm 12 - 50% (tương đương lợi nhuận tăng từ 4 - 7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống). Giảm phát thải khí nhà kính trung bình 2,0 - 12,0 tấn CO₂ tương đương/ha. Giá lúa được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200 - 300 đồng/kg thóc.

Điển hình, năm 2024, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng (cũ) được Bộ Nông nghiệp và Môi trường chọn thực hiện mô hình điểm diện tích 50 ha với 46 hộ thực hiện tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức (nay là Thị trấn Đại Ngãi, TP. Cần Thơ), mô hình được thực hiện trong 02 vụ (Vụ Hè thu năm 2024 và vụ Đông xuân 2024 – 2025).

Theo đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, Đề án đã phát huy hiệu quả thiết thực với chi phí sản xuất thấp hơn, lợi nhuận cao hơn. Hiệu quả sản xuất của mô hình tăng 32,3% so với ngoài mô hình. Đây là bằng chứng thực nghiệm quan trọng cho thấy hiệu quả của việc giảm phát thải khi điều chỉnh kỹ thuật canh tác phù hợp hơn. Giống lúa ST25 của Hợp tác xã Hưng Lợi được bán với giá cao hơn ở ngoài mô hình khoảng 2.000 đồng/kg. Lợi nhuận trung bình 1ha canh tác từ 45 - 49 triệu đồng.

Ông Trương Công Hùng, nông dân Hợp tác xã Hưng Lợi cho biết, để đồng thuận tham gia Đề án, 46 hộ nông dân là thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật canh tác, từ khâu làm đất, đến khi thu hoạch và sau thu hoạch (kể cả xử lý rơm rạ).

“Lợi ích rõ rệt nhất khi tham gia Đề án là “chi phí giảm, lợi nhuận tăng”, nhất là đầu ra ổn định khi người tiêu dùng ưa chuộng gạo ST25 của hợp tác xã được trồng trong mô hình thơm ngon hơn, rất ít dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”, Ông Hùng chia sẻ.

Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp giúp người dân nâng cao năng suất và giảm chi phí sản xuất. Ảnh: Thu Hiền

Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp giúp người dân nâng cao năng suất và giảm chi phí sản xuất. Ảnh: Thu Hiền

Bên cạnh đó, khi tham gia đề án, nông dân được hỗ trợ máy móc, ứng dụng cơ giới hóa như drone phun thuốc, máy cấy lúa, các hệ thống tưới thông minh. Nhờ vậy, lượng giống gieo sạ giảm tới 50%, phân đạm giảm 30%, thuốc bảo vệ thực vật giảm từ 2 đến 3 lần, nước tưới cũng tiết kiệm được 30 đến 40%.

Tương tự, mô hình thí điểm ở tỉnh Đồng Tháp cho thấy, năng suất lúa đã đạt 7,1 tấn lúa/ha, tăng 4% so với ngoài mô hình. Lợi nhuận nông dân thu được gần 28 triệu đồng/ha, tăng hơn từ 4,6 - 4,8 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Giá thành sản xuất trong mô hình giảm khoảng 500 đồng/kg lúa. Thu nhập tăng thêm từ việc bán rơm là 400 nghìn đồng/ha. Lượng giảm phát thải đo trong mô hình này cũng đạt khoảng 3,13 tấn CO2/ha/vụ.

Điều đáng mừng là khi chi phí đầu vào giảm, thu nhập tăng, người nông dân cũng dần thay đổi thói quen canh tác theo hướng xanh hơn. Việc đốt rơm rạ sau mỗi vụ mùa đã dần được thay thế bằng các giải pháp tái sử dụng rơm làm phân bón, thức ăn chăn nuôi hoặc nguyên liệu sản xuất. Những thói quen tưởng chừng nhỏ ấy đang góp phần lớn vào công cuộc giảm phát thải khí nhà kính mà đề án hướng tới.

Chính phủ đồng hành, mở ra chuỗi giá trị xanh cho hạt gạo Việt

Ngày 13/7 vừa qua, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu, trong đó Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp là nội dung được bàn thảo trọng tâm.

Tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất có nhiều tiềm năng nhưng cũng đang chịu nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn cho đến việc thiếu liên kết vùng và hạ tầng thủy lợi chưa đồng bộ. Muốn phát triển nông nghiệp bền vững, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân - doanh nghiệp - nhà nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Nhật Bắc

Từ đó Thủ tướng Chính phủ đưa ra nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đạt mục tiêu trong thời gian tới, một là đảm bảo an ninh lương thực không chỉ cho Việt Nam, các nước đối tác trong khu vực và bạn bè quốc tế. Hai là đề án tạo đầu ra rộng, tránh được vấn đề được mùa mất giá, được giá mất mùa. Ba là góp phần chống biến đổi khí hậu, tạo công ăn việc làm và sinh kế ổn định cho người dân. Bốn là thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhất là chế biến sâu. Năm là tạo tính liên kết vùng, liên kết quốc tế trong chuỗi cung ứng, đa dạng hóa chuỗi sản xuất, thị trường… Sáu là nâng cao thương hiệu gạo quốc gia.

Câu chuyện trồng lúa không còn chỉ là chuyện đủ ăn, mà đã bước sang một sân chơi mới, nơi nông dân có thể tham gia vào chuỗi giá trị xanh toàn cầu. Dĩ nhiên, hành trình này không tránh khỏi những khó khăn về vốn, kỹ thuật, hệ thống hạ tầng thủy lợi, hạ tầng bao tiêu…..

Thế nhưng, nhìn một cách tổng thể, nếu triển khai tốt, nông dân đang là người hưởng lợi lớn nhất từ cuộc chuyển đổi này. Lợi nhuận cao hơn, chi phí thấp hơn, đầu ra ổn định hơn, đó là những giá trị rất cụ thể, không còn là lời hứa suông. Hơn thế nữa, nông dân còn được sống trong một môi trường sản xuất lành mạnh, giảm thiểu phát thải, bảo vệ đất đai và nguồn nước.

Đề án 1 triệu ha lúa không chỉ là chuyện của hạt gạo, mà là câu chuyện của chiến lược quốc gia vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa chinh phục thị trường thế giới bằng những sản phẩm xanh, sạch và chất lượng cao. Người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, qua đó, đang từng bước trở thành chủ thể trung tâm của nền nông nghiệp xanh Việt Nam - một nền nông nghiệp không chỉ no đủ, mà còn bền vững và có trách nhiệm với môi trường, với thế hệ mai sau.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiên đa dạng hóa công tác xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm và tiếp thị theo đặc thù thị hiếu, nhu cầu của từng thị trường. Xây dựng và quảng bá thương hiệu gạo Việt, đặc biệt là thương hiệu đã được thế giới ghi nhận, như ST25. Đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao vào thị trường có sức mua lớn, kết hợp khai thác các thị trường truyền thống và khai mở các thị trường mới, ở khu vực châu Phi, Trung Đông, Nam Á, Đông Bắc Á, Đông Âu, Nam Mỹ.

Ngân Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-an-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-co-hoi-tang-thu-nhap-cho-nong-dan-mien-tay-410454.html