Nhiều sáng kiến đổi mới đô thị tại chương trình ALP 2023 - 2024
Ngày 25/10, nằm trong khuôn khổ chương trình ALP 2023 - 2024: 'Tương lai không gian sống Việt Nam', LIXIL Việt Nam tổ chức hội thảo giữa kỳ với chủ đề đổi mới đô thị với sự tham gia đóng góp ý tưởng từ 5 đơn vị kiến trúc.
Đây là cơ hội để 5 đơn vị kiến trúc trình bày về các đề xuất, giải pháp, nhận ý kiến góp ý của các chuyên gia để hoàn thiện đề tài cho hội thảo cuối kỳ. Hội thảo còn có phần chia sẻ của các diễn giả quốc tế về những khía cạnh xoay quanh chủ đề đổi mới đô thị.
Ông Uchidate Katsuaki - Tổng giám đốc LIXIL Việt Nam cho biết: “Chủ đề “Trẻ hóa đô thị” của ALP 2023 - 2024 hướng tới mục tiêu xuyên suốt tìm kiếm giải pháp cho tương lai không gian sống Việt Nam. LIXIL phát triển format chương trình để tiếp cận chuyên sâu hơn tới các chuyên gia, nhà nghiên cứu nhằm đưa ra những góc nhìn đa chiều giúp các nghiên cứu được hoàn thiện và đem lại nhiều giá trị cho xã hội. Hội thảo lần này có sự tham gia chia sẻ của các chuyên gia khách mời từ Encity, WAF và LIXIL Global Design để có những góc nhìn đa chiều hơn”.
Tại hội thảo, các đại diện của 5 công ty kiến trúc - thiết kế trình bày các nghiên cứu góp phần “Trẻ hóa đô thị” như: Tái sinh đô thị bền vững - Phát triển thích ứng di sản công nghiệp; Đánh thức “nơi chốn” trong thành phố; Chuyển hóa bãi chôn lấp thành công viên xanh: Nghiên cứu trường hợp Bãi chôn lấp Gò Cát - TP.HCM; Đổi mới nhà phố - Mini Building; Khu đô thị C-TOWN.
Các nghiên cứu gợi mở những giải pháp có tính thực tiễn nhằm “hồi sinh” và phát triển đô thị, thiết kế một tòa nhà, kiến tạo không gian kết hợp với bảo tồn giá trị văn hóa, xây dựng không gian công cộng bền vững.
TS. Nguyễn Thị Hậu (Hội Khoa học và Lịch sử TP.HCM) bày tỏ hứng thú đối với 5 nghiên cứu: “Các đề tài đều nêu đến các vấn đề mà TP.HCM đang gặp phải như nhà ở xã hội, phát triển đô thị, các di sản công nghiệp, sân chơi công cộng. Các đề tài cần quan tâm đến đối tượng thụ hưởng, trả lời được câu hỏi “Đô thị này là của ai?”, từ đó sẽ đảm bảo sự đồng thuận giữa các ý tưởng thiết kế của các kiến trúc sư với các chính sách của Nhà nước”.
Đánh giá về ý nghĩa của chương trình, KTS Nguyễn Trường Lưu - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ: “Trong những năm qua, Chương trình ALP đã mang đến những hoạt động ý nghĩa góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển của ngành kiến trúc Việt Nam. Chủ đề năm nay với mục tiêu trẻ hóa, mang lại sức sống mới cho không gian đô thị rất hay, rất thực tiễn trong bối cảnh đô thị hiện nay. Tôi mong rằng 5 nghiên cứu sẽ vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là hạnh phúc của các kiến trúc sư tham gia”.
Phần thảo luận giữa các chuyên gia xoay quanh các vấn đề liên quan: đổi mới đô thị trên phương diện kinh tế, môi trường, văn hóa xã hội; cơ chế xây dựng nhà ở xã hội cho nhóm người yếu thế; chính sách quy hoạch phù hợp với mỗi vùng miền; kế hoạch biến di sản công nghiệp thành không gian văn hóa sáng tạo; kinh nghiệm làm dự án sân chơi công cộng; vấn đề hợp tác công - tư khi thực hiện một dự án cộng đồng.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Đỗ Dũng - CEO Công ty Tư vấn Quốc tế enCity chia sẻ về chủ đề “Tái sinh đô thị bền vững”. Ông Antoine Besseyre des Horts - Giám đốc LIXIL Global Design Asia trình bày về “Thương hiệu GROHE cùng các xu hướng vĩ mô”. Ông Paul Finch - nhà sáng lập và Giám đốc chương trình Liên hoan Kiến trúc thế giới giới thiệu hơn 30 dự án trên toàn cầu góp phần hướng đến môi trường sống chất lượng, bền vững và nhân văn.
Sau Hội thảo, các đơn vị tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu sẽ được công bố vào hội thảo cuối kỳ và giới thiệu đến công chúng thông qua Triển lãm ALP Pavilion 2023 – 2024, dự kiến diễn ra vào tháng 3/2024.
Chương trình ALP 2023 - 2024 với chủ đề “Trẻ hóa đô thị” tiên phong trong việc tạo nền tảng kết nối kiến trúc sư, nhà quy hoạch, nhà quản lý và hoạch định chính sách, đưa ra những giải pháp “hồi sinh” và phát triển đô thị. Chương trình thể hiện tầm nhìn của LIXIL Việt Nam mang đến những giá trị thiết thực cho công đồng, xây dựng và phát triển tương lai không gian sống tốt đẹp cho người Việt.