Nhiều sáng kiến phục vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu
Là một trong những nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến chất lượng công tác huấn luyện hằng năm, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ đã được các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh hưởng ứng sôi nổi. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều sáng kiến, cải tiến hay, có khả năng ứng dụng rộng rãi, góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
SÁNG TẠO TỪ THỰC TIỄN
Gần 30 năm gắn bó với công việc bảo dưỡng, sửa chữa xe - máy trong quân đội, Thiếu tá Huỳnh Văn Hòa và các cán bộ, nhân viên Phòng Kỹ thuật (Bộ CHQS tỉnh) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Gần đây nhất là sáng kiến dụng cụ ép ống hơi, ống dầu, tháo lắp bạc đạn diamo. Sáng kiến của các anh đã đạt giải nhì hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ V/2019.
Dụng cụ ép ống hơi, ống dầu, tháo lắp bạc đạn diamo của Thiếu tá Huỳnh Văn Hòa (bìa phải), Phòng Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh
Thiếu tá Huỳnh Văn Hòa cho biết: Năm 2018, chúng tôi đã chế tạo thành công dụng cụ ép ống hơi, ống dầu, tháo lắp bạc đạn diamo. Sản phẩm an toàn đối với người sử dụng, tiết kiệm và góp phần rút ngắn thời gian làm việc, chi phí đi lại sửa chữa... Trước kia, để ép ống hơi, ống dầu, đơn vị phải đưa ra các cơ sở bên ngoài làm, vừa mất thời gian vừa tốn kém kinh phí. Sau khi nghiên cứu, chế tạo thành công sản phẩm này, đơn vị có thể sử dụng ép được nhiều loại ống hơi, ống dầu có đường kính khác nhau, lực ép lớn, đều nên độ kín cao, tháo được bạc đạn diamo trong khi các loại dụng cụ hiện có không tháo được. Sản phẩm dễ chế tạo, gọn, nhẹ, thuận tiện vận chuyển khi đi sửa chữa những trường hợp đột xuất, xe hư hỏng giữa đường hoặc ở xa khu dân cư.
Cũng từ những khó khăn, bất cập trong công việc, năm 2018, Trung tá, bác sĩ Phan Duy Chức và các đồng nghiệp ở Bệnh xá K23 (Bộ CHQS tỉnh) đã nghiên cứu, chế tạo thành công xe đẩy bệnh nhân 2 tư thế. Sản phẩm của các anh đạt giải nhì hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ V/2019. Bác sĩ Phan Duy Chức cho biết: “Trước đây, Bệnh xá K23 sử dụng 2 loại xe, xe đẩy nằm và xe đẩy ngồi. Mỗi loại chỉ sử dụng được 1 tư thế, trong khi kích thước lớn, khó vận chuyển. Xe đẩy bệnh nhân nằm, 4 bánh xoay các hướng, rất khó di chuyển trong điều kiện bệnh xá chật hẹp và phải có 2 người vừa đẩy và kéo. Loại ngồi gọn nhẹ, chỉ cần 1 người đẩy, nhưng không sử dụng được cho bệnh nhân bệnh nặng, bị chấn thương cột sống hoặc gãy xương... Vì vậy, chúng tôi nghĩ đến việc phải nghiên cứu “xe đẩy 2 trong 1” để tiết kiệm chi phí đầu tư, giải phóng không gian cho hành lang bệnh viện, thuận lợi cho bệnh nhân và bác sĩ trong quá trình di chuyển”.
Sản phẩm xe đẩy 2 tư thế của bác sĩ Phan Duy Chức, Bệnh xá K23 Bộ CHQS tỉnh và các đồng nghiệp
Không chỉ gọn nhẹ trong điều kiện không gian bệnh viện, bệnh xá có hạn, xe đẩy kết hợp 2 tư thế của bác sĩ Chức còn có thể thay đổi tư thế cho bệnh nhân trong quá trình di chuyển. Xe có móc treo bình truyền, túi thông tiểu, bệnh nhân có thể vừa di chuyển vừa truyền thuốc, nước hoặc thông tiểu mà các loại xe đẩy hiện dùng không có. Đặc biệt là trong quá trình di chuyển bệnh nhân, các y, bác sĩ có thể linh động đưa bệnh nhân nằm đến và đón bệnh nhân ngồi đi hoặc ngược lại mà không phải chạy đi tìm xe... giúp tiết kiệm thời gian đi lại của bác sĩ và người nhà bệnh nhân.
Bác sĩ Chức cho biết, để làm ra chiếc xe chỉ cần khoảng 2,5 triệu đồng, trong khi xe đẩy bệnh nhân nằm trên thị trường hiện có giá 3 triệu đồng/chiếc, xe đẩy ngồi 1,2 triệu đồng/chiếc. Xe đẩy bệnh nhân 2 tư thế vừa tiện dụng lại ít tốn kém. Xe đã đưa vào sử dụng tại bệnh xá và được bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đánh giá cao.
SÁNG KIẾN NHỎ, Ý NGHĨA LỚN
Từ thực tiễn công tác huấn luyện, hành quân dã ngoại, năm 2018, anh Bùi Xuân Hiếu, Ban CHQS huyện Bù Gia Mập nghiên cứu chế tạo thiết bị chữ V mắc võng. Đây là thiết bị bộ đội thường mang theo khi hành quân dã ngoại trong thời gian dài.
Anh Bùi Xuân Hiếu cho biết, trước đây, muốn mắc võng, bộ đội phải chuẩn bị cọc phụ, con lăn, mang vác nặng, cồng kềnh. Nay sử dụng thiết bị chữ V vừa gọn nhẹ trong quá trình di chuyển, vận chuyển, lại sử dụng được trong mọi điều kiện thời tiết, nhanh, gọn và ít tốn kém. Khi gặp trời mưa, nếu gắn thiết bị chữ V đầu võng sẽ ngăn nước mưa chảy xuống võng, giúp bộ đội có khoảng thời gian nghỉ ngơi thoải mái trong mọi điều kiện thời tiết.
Năm 2019, tại hội thi sáng tạo trẻ toàn quân, Bình Phước đoạt giải ba sản phẩm xe bếp nấu ăn dã ngoại và giải khuyến khích sản phẩm cải tiến bia 8C di động. Tại hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ V/2019, đơn vị có 5 sản phẩm tham gia, 4 sản phẩm đoạt giải, gồm 2 giải nhì và 2 giải khuyến khích. Các sản phẩm xe đẩy bệnh nhân 2 tư thế và dụng cụ ép ống hơi, ống dầu, tháo lắp bạc đạn diamo tiếp tục được chọn tham gia hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp toàn quốc diễn ra trong năm 2020.
Năm 2018, anh Phạm Văn Duy, Ban CHQS xã Đa Kia (Bù Gia Mập) cũng đã nghiên cứu, chế tạo thành công bẫy sụp xỉa. Sản phẩm của anh được đánh giá dễ chế tạo, dễ sử dụng, giá thành rẻ và có thể áp dụng trong mọi điều kiện hoàn cảnh. Anh Duy cho biết, trong quá trình chiến đấu, nếu đối phương bị mắc bẫy sụp xỉa sẽ khó gỡ hơn so với chông hòm gió và phải cần đến 3 người mới tháo ra được. Bẫy sụp xỉa gồm khung bẫy, tên xuyên, bàn đạp và bộ phận ngụy trang. Khi đối phương đạp vào hố bẫy, với trọng lượng thân người từ 40kg trở lên đạp vào bàn đạp làm chốt giữ rời khỏi 2 lỗ khóa, chân đối phương đạp vào bàn chông được bố trí ở đáy bẫy chông, lực đàn hồi của lò xo bộ phận xuyên tên ở 2 bên được giải phóng tạo thành một lực nén đẩy 3 mũi tên chuyển động xuyên vào giữa hố bẫy đâm thẳng vào chân đối phương. Nếu bố trí hố càng sâu, mũi tên đâm càng cao...
Trung tá Lê Huy Chương, Phó trưởng Ban Khoa học quân sự Bộ CHQS tỉnh, cho biết: Trước yêu cầu ngày càng cao về nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho các đối tượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, lực lượng vũ trang tỉnh đã đẩy mạnh và phát động sâu rộng phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Trước mùa huấn luyện, Bộ CHQS tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức lễ ra quân huấn luyện gắn với tổ chức hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ huấn luyện.
Để đảm bảo sản phẩm có tính ứng dụng cao, tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, các đơn vị luôn hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ thực hiện từ ý tưởng đến sản phẩm thực tiễn và thử nghiệm. Khi thử nghiệm thành công, sản phẩm được đưa vào dùng thử 1 năm, nếu hiệu quả sẽ đăng ký để thẩm định tham gia hội thi cấp trên. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, hằng năm, toàn lực lượng luôn có 30-50 sản phẩm đăng ký tham gia, khi thẩm định có khoảng 50% số sản phẩm đạt yêu cầu. Nhiều sản phẩm được ứng dụng vào thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn tại các đơn vị và nhiệm vụ, công tác quốc phòng, quân sự địa phương.