Nhiều 'sếu lớn' công nghệ cao chọn Nam Định làm tổ
Đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư… là những 'chìa khóa' quan trọng giúp Nam Định từ một tỉnh thuần nông dần trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế.
Cấp phép sau 36 giờ
Mặc dù không có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên như các địa phương khác, nhưng thời gian qua, với sự quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, nỗ lực đồng hành cùng nhà đầu tư, Nam Định đang dần trở thành địa chỉ để nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước tìm đến “xây tổ”.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định cho biết, từ năm 2021 đến tháng 6/2024, toàn tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 253 dự án (gồm 181 dự án đầu tư trong nước, 72 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký trên 87.859 tỷ đồng và 621,78 triệu USD, vượt mục tiêu thu hút vốn đầu tư của cả giai đoạn 2021-2025).
Nhiều dự án đầu tư ở Nam Định đã được cấp phép với thời gian "siêu nhanh". Điển hình như dự án của Công ty TNHH QMH Computer (Tập đoàn Quanta Computer Inc) - Đài Loan (Trung Quốc). Đây là một trong những nhà sản xuất máy tính xách tay hàng đầu thế giới. Hiện Quanta đang mở rộng phạm vi hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh điện toán đám mây, giải pháp mạng doanh nghiệp, sản phẩm truyền thông di động, sản phẩm nhà thông minh, điện tử tự động…
Tính đến hết tháng 6 năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 160 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4.211 triệu USD, vốn thực hiện khoảng 1.460 triệu USD. Trong khu công nghiệp có 75 dự án với vốn đăng ký đạt 1.514 triệu USD; ngoài khu công nghiệp có 85 dự án với số vốn đăng ký đạt 2.697 triệu USD.
Điều đáng nói, quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án sản xuất máy tính của Tập đoàn Quanta Computer Inc, vốn đầu tư 120 triệu USD được các cơ quan có thẩm quyền ở Nam Định thực hiện, hoàn tất chỉ trong 1,5 ngày, kéo dài khoảng 36 giờ và chỉ sau 15 ngày ký thỏa thuận phát triển dự án.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, Nam Định đã đón nhận nguồn vốn đầu tư chủ yếu đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường.
Điển hình như: Dự án Nhà máy giấy bao bì công nghệ cao từ nguyên liệu giấy phế liệu tái chế và bột giấy cho Công ty Cổ phần Giấy GĐT với tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD tại KCN Bảo Minh mở rộng; Dự án nhà máy may XIELONG Việt Nam với tổng mức đầu tư 40 triệu USD tại KCN dệt may Rạng Đông; Dự án sản xuất máy chiếu cho Công ty TNHH International XGIMI với tổng vốn đầu tư 13 triệu USD tại KCN Mỹ Thuận…
Ngoài thu hút vốn FDI, với môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở, thủ tục hành chính được cải thiện, Nam Định ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn trong nước. Một số các dự án lớn, trọng điểm đã và đang được khẩn trương thực hiện, như tổ hợp 3 dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng với tổng mức đầu tư là 98.900 tỷ đồng.
Mở không gian, động lực phát triển mới
Để thu hút được nhiều các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, những năm qua, tỉnh Nam Định đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng phát triển các khu công nghiệp. Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) Nam Định cho biết, từ đầu năm đến tháng 6/2024 đã có 11 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư mới trên 117 triệu USD và hơn 3 nghìn tỷ đồng; 6 dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn lên 22,7 triệu USD và hơn 56 tỷ đồng.
Đến nay trong các KCN có 202 dự án đầu tư thứ cấp của 181 doanh nghiệp. Trong đó có 70 dự án của 64 nhà đầu tư FDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 11.161 tỷ đồng và 1,46 tỷ USD; vốn đầu tư thực tế đạt khoảng 5.786 tỷ đồng và 1 tỷ USD.
Về kết quả sản xuất kinh doanh của các khu công nghiệp, Ban quản lý cho biết, 6 tháng đầu năm giá trị sản xuất công nghiệp đạt 18 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ 2023; giá trị xuất khẩu đạt 600 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 21 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, “chìa khóa” quan trọng giúp Nam Định dần trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế là đã xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thân thiện, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất hệ thống đường giao thông, các khu công nghiệp để mở ra các động lực phát triển mới.
Tỉnh cũng thường xuyên cập nhật các định hướng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các thông tin về tiềm năng, thế mạnh, định hướng thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư, công tác đối ngoại, các thông tin chuyên đề về các ngành, lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh trên các kênh thông tin điện tử của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Nam Định.
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU, công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh) giai đoạn 2021-2024 bình quân ước đạt 9,3%/năm. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, ước năm 2024 (so với năm 2020): Tổng sản phẩm GRDP (giá hiện hành) gấp 1,5 lần; GRDP bình quân đầu người gấp 1,4 lần; Thu nhập thực tế bình quân đầu người gấp 1,5 lần; tổng giá trị hàng xuất khẩu gấp 1,6 lần; vốn đầu tư toàn xã hội gấp 1,5 lần; thu ngân sách từ kinh tế gấp 2,0 lần,...