Nhiều sĩ tử sợ lệch tủ nhưng vẫn học tủ
Trong giai đoạn 'nước rút' trước kỳ thi tuyển sinh vào 10, nhiều thí sinh lựa chọn học tủ để vượt qua môn Văn.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm học 2023 - 2024 sẽ diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/6 sắp tới. Với hơn 100.000 hồ sơ đăng ký, kỳ thi này được xem là một “cuộc chạy đua” khốc liệt đối với lứa học sinh sinh năm 2008. Tại thời điểm nước rút của kỳ thi, các học sinh đang cố gắng hết sức để ôn luyện 3 môn thi, đặc biệt là môn Ngữ Văn. Với tâm lý lo sợ, nhiều em lựa chọn “học tủ” một số bài trong chương trình Văn học lớp 9.
Lo sợ trước kỳ thi, nhiều học sinh quyết định “học tủ”
Trong giai đoạn nước rút trước kỳ thi, xuất hiện rất nhiều dự đoán trái chiều về những tác phẩm sẽ có trong đề Ngữ Văn, khiến em Linh Chi (THCS Bế Văn Đàn, Đống Đa, Hà Nội) cân nhắc đến việc “học tủ”. Lý giải về sự lựa chọn chủ yếu dựa vào “ăn may” của mình, Linh Chi cho biết: “Em vẫn cố gắng học hết chương trình nhưng sẽ ôn tủ hai bài “Làng” và “Lặng lẽ Sa Pa”. Bài “Làng” đã thi vào 8 năm trước, còn “Lặng lẽ Sa Pa” thi vào 10 năm trước. Hơn nữa, theo em được biết, nhiều trường cũng dặn dò học sinh ôn kỹ phần này, nên em nghĩ rằng đề thi năm nay sẽ bao gồm một trong hai tác phẩm kể trên”. Dù cũng mang nỗi sợ học “lệch tủ”, học “trượt tủ”, Linh Chi vẫn hy vọng, với phương pháp này, em có thể đỗ nguyện vọng 1 vào trường THPT Đống Đa như mong muốn.
Đối với em Ngô Bảo Hân (THCS La Phù, Hoài Đức, Hà Nội), Ngữ Văn là môn học “khó nhằn” nhất trong 3 môn thi sắp tới. Thời điểm thi cử đã cận kề, Bảo Hân dành gần như toàn bộ quỹ thời gian của mình cho việc học, đặc biệt là học Văn. Tuy nhiên, do vốn từ hạn chế, lại không có năng khiếu về môn học này, em vẫn vô cùng lo lắng. Để bản thân vững tâm hơn trước kỳ thi, Bảo Hân tìm kiếm lời khuyên từ thầy cô, bè bạn về những phần trọng tâm ôn tập môn Ngữ Văn: “Vì thơ đã xuất hiện nhiều trong các đề thi vào lớp 10 công lập những năm trở lại đây nên cô giáo em cho rằng năm nay sẽ thi vào phần truyện, cụ thể là tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long.”
Giống như người bạn cùng trường, em Ngô Thị Gia Hân (THCS La Phù, Hoài Đức, Hà Nội), lại lựa chọn bài thơ “Bếp lửa” ôn tủ trong kỳ thi lần này. Theo em, do tâm lý lo sợ trước kỳ thi, nhiều học sinh, đặc biệt là những học sinh học yếu môn Văn, không thể ghi nhớ toàn bộ chương trình học, sẽ lựa chọn “học tủ” một số bài nhất định, dù phương pháp này được đánh giá là “được ăn cả ngã về không”.
Không nên “học tủ” cho bài thi Ngữ Văn
Trên cương vị là một giáo viên dạy Văn, cô giáo Tạ Minh Nhân (Trường Tiểu học và THCS Xanh Tuệ Đức, Thanh Oai, Hà Nội) nhận định, phương pháp “học tủ” cho bài thi Ngữ Văn là một phương pháp kém hiệu quả. Chương trình thi vào lớp 10 rất rộng, không chỉ bao gồm kiến thức lớp 9 mà còn liên quan đến các tác phẩm xuyên suốt chương trình THCS. Khi bước vào phòng thi, các thí sinh không đoán định được vùng kiến thức nào sẽ xuất hiện trong đề; do đó, khả năng “lệch tủ”, “trượt tủ” sẽ rất cao.
Bên cạnh đó, bài thi vào 10 bao gồm phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội, đòi hỏi thí sinh phải có những kiến giải thực tế, không chỉ dựa vào các tác phẩm học được trong sách giáo khoa. Mỗi năm, sở GD-ĐT đều có sự thay đổi nhất định đối với bài thi, không năm nào giống năm nào. Nếu các em chỉ lựa chọn ôn một, hai văn bản cho kỳ thi quan trọng như vậy thì sẽ không thể ứng phó với những câu hỏi khó, lạ trong đề và hoàn thành bài thi với mức điểm mong muốn.
Đối với các thí sinh lấy lí do chương trình học quá nặng làm lí do cho việc “học tủ”, cô Nhân cho rằng: “Hiện nay, học sinh không phải ôn luyện toàn bộ chương trình Ngữ Văn 9. Chương trình thi đã có những nội dung được giảm tải như như “Con cò” của Chế Lan Viên, “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm... Số lượng và nội dung của các tác phẩm được đưa vào chương trình giảng dạy đều phù hợp với năng lực tiếp nhận của các em, xoay quanh các nhóm vấn đề như bảo vệ trẻ em, hội nhập văn hóa, tình cảm gia đình,... nên rất dễ học, dễ nhớ. Do vậy, chương trình học không quá tải để các em buộc phải “học tủ”, thay vì học hết.”
Đồng quan điểm với người đồng nghiệp, cô Nguyễn Thị Thu Trang đánh giá khối lượng kiến thức lớp 9 không phải quá sức đối với học sinh bởi trong quá trình giảng dạy, các thầy cô trên lớp đều hướng dẫn các em ôn tập trọng tâm và hệ thống hóa kiến thức theo từng bài.
Về vấn đề “học tủ” của học sinh lớp 9, cô Trang cho rằng: “Học sinh hay có xu hướng “học tủ” dựa trên các dự đoán về đề. “Học tủ” có thể dẫn đến trường hợp tâm lý phòng thi không tốt, các em không phát huy hết năng lực khi làm bài. Thay vào đó, các em nên học, ôn tập trọng tâm chứ không nên “học tủ”; học theo chuyên đề/ chủ đề và hệ thống hóa kiến thức hiệu quả.”
Trong giai đoạn nước rút trước thềm kì thi vào 10, cô Nguyễn Thị Thu Trang cũng khuyên các thí sinh nên rà soát lại các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9, các kiến thức Tiếng Việt và lựa chọn phương pháp ôn tập hiệu quả (ôn tập theo chuyên đề, ôn tập theo sơ đồ tư duy, ôn tập theo đặc trưng thể loại, rèn kĩ năng luyện đề…); để rút kinh nghiệm cho bản thân sau mỗi lần luyện đề. Các em cũng nên tham khảo một số đề thi, trau dồi thêm kiến thức xã hội để đưa dẫn chứng thuyết phục, cụ thể. Để hoàn thành bài thi một cách tốt nhất, bên cạnh nắm vững các tác phẩm trong chương trình học, học sinh cần trang bị cho mình kĩ năng đọc hiểu hiệu quả, đọc kĩ yêu cầu đề bài, gạch chân từ khóa quan trọng nêu rõ yêu cầu đề tránh bỏ sót ý, tìm ý ra nháp trước khi làm bài, trang bị kiến thức xã hội để hiểu rõ hơn về vấn đề./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-si-tu-so-lech-tu-nhung-van-hoc-tu-post1025089.vov