Nhiều tài xế thắc mắc giá vé trên một số tuyến cao tốc 'bất ngờ' tăng giá
Theo VEC, từ ngày 1/1/2023, mức thuế giá trị gia tăng trở về 10% nên các tuyến cao tốc có thu phí sẽ có một số thay đổi so với mức giá cũ. Mức phí cao tốc bỗng dưng đắt đỏ hơn khi thuế VAT về 10% là do thu phí tự động nên phải 'làm tròn số'.
Giá vé tăng cao hơn cả khi thuế VAT là 10%
Gần đây, nhiều tài xế sử dụng các tuyến cao tốc do VEC quản lý phản ánh, mức phí mới các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tăng từ ngày 1/1.
Nhiều lái xe đi trên cao tốc của VEC cho rằng, từ thời điểm này thuế VAT không còn được giảm 2% (từ 10% xuống 8% như năm 2022), nhưng khi hết giảm thuế mức phí mới lại cao hơn thời điểm chưa giảm thuế.
Cụ thể, phương tiện xe con lưu thông toàn tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình trước khi giảm thuế VAT là 105.000 đồng/lượt, sau khi giảm thuế còn 103.000 đồng/lượt, nhưng từ ngày 1/1 lại tăng lên 110.000 đồng/lượt.
Anh Tuấn Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, ngày 31/12/2022 anh lái xe 7 chỗ trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình và thấy phần mềm thu phí tự động (ETC) thông báo hết 103.000 đồng, gồm 8% thuế VAT.
Tuy nhiên, ngày 1/1 anh trở về Hà Nội cũng với hành trình trên thì phần mềm thu phí thông báo trừ 110.000 đồng tiền phí. Trong khi đó, trước ngày 1/2/2022, với thuế VAT 10% thì tổng tiền phải trả khi đi hết hai tuyến cao tốc này là 105.000 đồng.
"Tôi thường xuyên đi trên cao tốc này nên thấy ngạc nhiên. Không hiểu lý do gì phải trả 110.000 đồng tiền phí, tăng 5.000 đồng dù đã tính thuế VAT 10%", anh Tuấn Minh thắc mắc.
Tương tự anh Đức Thắng ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc cho biết, anh thường xuyên đi từ TP Vĩnh Yên xuống Hà Nội trên cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Trước đi từ nút giao IC6 (lối lên xuống QL2) xuống trạm thu phí đầu tuyến (IC4) mất 40.000 đồng tiền phí, sau đó, năm 2022 giá vé được điều chỉnh giảm còn 38.000 đồng/lượt trừ qua tài khoản thu phí tự động VETC. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây do có việc đi lại nhiều, đi thêm những chặng xa nên anh kiểm tra thì thấy mức trừ tiền cao hơn so với trước kia.
“Tôi thấy có chặng tôi hay đi thì lại thu 40.000 đồng như trước, còn một số chặng đo xa hơn, lên Phú Thọ thì bị trừ nhiều hơn và giá cũng tăng. Trước kia qua trạm trr phí thủ công thì còn hỏi, thắc mắc với nhân viên thu phí, giờ thu phí tự động nên không biết thắc mắc với ai”, anh Thắng cho hay.
Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trước đây chủ xe con đi đoạn Long Phước - Dầu Giây là 100.000 đồng/lượt, sau khi giảm thuế VAT còn 98.000 đồng/lượt, nhưng từ ngày 1/1 tăng lên 102.000 đồng/lượt.
VETC chỉ thu hộ, giá vé là do VEC quyết định
Ngày hôm nay (5/1) đại diện Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC) cũng cho biết, sau thời điểm chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng sử dụng dịch vụ đường cao tốc từ 10% thành 8% hết hiệu lực, từ 0h00 ngày 01/01/2023, đã thực hiện thay đổi giá vé tại các Trạm thu phí trên toàn quốc theo chủ trương điều chỉnh trở về mức thuế 10% và áp dụng mức giá mà nhà đầu tư cung cấp.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm tăng thuế suất, tại một số tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý khai thác, có nhiều chủ phương tiện bất ngờ vì phải trả phí cao hơn khi thuế VAT trở về mức 10% như trước đây.
VETC cung cấp và làm rõ một số thay đổi nhỏ theo phương pháp tính giá vé của chủ đầu tư là VEC so với mức giá cũ tại các trạm thu phí các tuyến đường cao tốc như sau:
Phương thức thu phí hệ thống đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư là phương thức thu phí kín (cước phí được tính theo số Km phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc). Giai đoạn trước đây, khi chưa áp dụng thu phí không dừng, chủ phương tiện trả phí bằng tiền mặt để phù hợp với các mệnh giá tiền lẻ đang được lưu thông trên thị trường đồng, thời thuận lợi cho việc giao dịch (giảm thời gian dừng chờ tại trạm, chống ùn tắc…).
VEC đã tính toán giá vé sử dụng dịch vụ đường cao tốc trên nguyên tắc làm tròn các mệnh giá cước phí, phần lớn đều giảm so với giá trị thực được tính toán theo hướng có lợi cho người tham gia giao thông
“Từ ngày 1/8/2022 hệ thống thu phí không dừng đã đưa vào sử dụng toàn bộ trên các tuyến đường cao tốc, các giao dịch được trừ tự động trên tài khoản khách hàng tham gia giao thông, không phụ thuộc vào các mệnh giá như khi thu tiền mặt trước đây, do đó VEC chỉ thực hiện làm tròn các mệnh giá cước phí đến hàng nghìn đồng. Việc thay đổi về nguyên tắc tính trên dẫn đến có một số thay đổi nhỏ giữa giá niêm yết trước đây và giá hiện tại”, đại diện VETC cho biết.
VEC nói gì về bất ngờ tăng phí trên 4 tuyến cao tốc?
Trước ý kiến của một số lái xe, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, từ ngày 1/1/2023 VEC điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng từ 8% lên 10% trong giá sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc các tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngải, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo VEC, trước đó, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã giảm thuế giá trị gia tăng sử dụng dịch vụ đường cao tốc từ 10% thành 8%, thời gian từ 1/2 đến hết 31/12/2022.
Nhưng, từ ngày 1/1/2023, chính sách giảm 2% thuế VAT không còn được áp dụng, nên công ty điều chỉnh tăng thuế về lại mức 10% tại các tuyến cao tốc đang thu phí, gồm: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Về một số chặng mức thu tăng cao hơn cả trước khi áp dụng 10% thuế VAT, đại diện VEC lý giải, phương thức thu phí hệ thống đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư là phương thức thu phí kín. Khi chưa áp dụng thu phí không dừng chủ phương tiện trả phí bằng tiền mặt. Để phù hợp với các mệnh giá tiền lẻ, VEC đã tính toán giá vé đường cao tốc trên nguyên tắc làm tròn các mệnh giá cước phí. Phần lớn việc làm tròn đều giảm so với giá trị thực được tính toán theo hướng có lợi cho người tham gia giao thông.
Ví dụ, dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình xe loại 2 chặng Đại Xuyên - Liêm Tuyền tính đầy đủ là 62.100 đồng nhưng giá niêm yết là 60.000 đồng. Chặng Đại Xuyên - Cao Bồ xe loại 1 theo tính toán là 75.045 đồng nhưng giá niêm yết là 70.000 đồng xe loại 2 là 112.568 đồng nhưng giá niêm yết là 100.000 đồng.
Dự án TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây xe loại 2 chặng Long Phước - Dầu Giây tính toán 152.949 đồng nhưng giá niêm yết là 150.000 đồng. Dự án Nội Bài - Lào Cai: xe loại 1 chặng IC3 - Trạm Km237 theo tính toán 284.225 đồng nhưng giá niêm yết là 280.000 đồng.
"Từ ngày 1/8/2022, hệ thống thu phí không dừng đã đưa vào sử dụng toàn bộ trên các tuyến đường cao tốc, các giao dịch được trừ tự động trên tài khoản khách hàng tham gia giao thông, không phụ thuộc vào các mệnh giá như khi thu tiền mặt trước đây. VEC chỉ thực hiện làm tròn các mệnh giá cước phí đến hàng nghìn đồng. Việc thay đổi về nguyên tắc tính trên, dẫn đến có một số thay đổi nhỏ giữa giá niêm yết trước đây và giá hiện tại", đại diện VEC lý giải.
Đại diện Cục Đường bộ cho hay, các dự án cao tốc của VEC quản lý có cơ chế quản lý thu phí khác với các dự án BOT khác. Theo đó, trong phạm vi nhất định, hội đồng quản trị của VEC được quyền quyết định điều chỉnh. Cục có trách nhiệm giám sát...
Việc điều chỉnh cước trên của VEC không thông báo rộng rãi và cũng khác với giá niêm yết tại các trạm thu phí, khiến nhiều chủ xe cho rằng VEC nhầm lẫn trong điều chỉnh cước trở lại sau khi hết giảm thuế./.