Nhiều tập đoàn Nhật Bản mua khí đốt dài hạn để giữ an ninh năng lượng
Nhiều tập đoàn năng lượng và thương mại Nhật Bản vừa ký một loạt thỏa thuận mua hàng với một số nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Oman và Mỹ trong trung hạn và dài hạn.
Đây là bước đi nhằm đa dạng hóa nguồn cung nhiên liệu này để tránh rủi ro sau khi thị trường khí đốt ở châu Âu rơi vào hỗn loạn do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, kéo theo giá khí đốt ở châu Âu tăng lên mức cao kỷ lục.
Bộ trưởng Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI) Yasutoshi Nishimura cho biết, ba công ty Nhật Bản gồm hai tập đoàn thương mại Itochu Corp và Mitsui & Co. và Jera Co., nhà sản xuất điện lớn nhất đất nước đã ký các thỏa thuận mua tổng cộng 2,35 triệu tấn LNG mỗi năm từ Công ty Oman LNG của Oman. Thỏa thuận này bắt đầu được thực hiện từ năm 2025, kéo dài trong khoảng 10 năm.
Một quan chức của METI cho biết, Nhật Bản dự định nâng lượng mua LNG từ Oman lên ba triệu tấn hàng năm và đang chờ các cuộc đàm phán tiếp theo.
Trước đây, Itochu và các khách hàng khác của Nhật Bản cũng đã ký các hợp đồng mua LNG của Oman. Tuy nhiên, nhiều hợp đồng trong số này sẽ hết hạn vào năm 2024 hoặc 2025.
Theo METI, sự cạnh tranh mua nguồn cung LNG của Oman đang nóng lên, một phần là vì các tàu chở LNG khởi hành từ Oman không cần phải đi qua eo biển Hormuz. Hormuz là một điểm nóng nơi thường xuyên chứng kiến các căng thẳng liên quan đến Iran.
Bộ trưởng Nishimura đánh giá, Oman có lợi thế lớn nhờ nguồn cung LNG ổn định do nước này ít bị ảnh hưởng bởi các tác động địa chính trị. Vào thời điểm mà nguồn cung LNG toàn cầu được dự báo sẽ khan hiếm, các thỏa thuận trên có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh năng lượng của Nhật Bản.
Cùng ngày, Tập đoàn Inpex Corp., nhà thăm dò và sản xuất dầu khí lớn nhất Nhật Bản, cho biết đã ký thỏa thuận mua một triệu tấn LNG hàng năm trong 20 năm từ một nhà máy sản xuất LNG của Công ty Venture Global LNG (Mỹ) ở bang Louisiana. Nhà máy này sẽ được xây dựng trong năm 2023.
“Thỏa thuận này sẽ cho phép tập đoàn Inpex mua LNG từ Mỹ trên cơ sở dài hạn, giúp đa dạng hóa nguồn cung để đóng góp hơn nữa cho sự ổn định nguồn cung năng lượng”, Hiroshi Kato, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách tiếp thị năng lượng toàn cầu tại Inpex nói.
Các thỏa thuận trên cũng cho thấy tầm quan trọng của nước sản xuất LNG lớn bao gồm Mỹ và Nhật Bản là một trong những nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, bên cạnh Trung Quốc. 40% sản lượng điện của Nhật Bản phụ thuộc vào LNG. Nhật Bản vẫn nhập khẩu LNG từ Nga. Năm 2021, Moscow đã cung cấp 8,8% nhu cầu LNG của Nhật Bản.
Tuy nhiên, các tập đoàn thương mại của Nhật Bản lo ngại các lệnh trừng phạt quốc tế hoặc các vấn đề khác có thể cắt đứt dòng chảy LNG của Nga sang Nhật Bản, tương tự như việc Moscow tắt đường ống dẫn khí đốt tự nhiên lớn nhất tới châu Âu.
Trong nửa đầu năm 2022, Nhật Bản đã nhập khẩu 37,5 triệu tấn LNG trị giá 27 tỉ đô la Mỹ, theo số liệu chính thức. Nhật Bản thường ưu tiên mua LNG dài hạn, một chiến lược khiến nước này bị dư luận trong nước chỉ trích vài năm trước khi giá LNG trên thị trường giao ngay rẻ hơn.
Tuy nhiên, Nhật Bản đã được đền đáp trong mùa đông này khi các nước phải tranh giành nguồn cung LNG trên thị trường giao ngay với giá cao kỷ lục trong bối cảnh Nga bóp nghẹt dòng chảy khí đốt sang châu Âu.
Inpex, tập đoàn mà chính phủ Nhật Bản sở hữu khoảng 20% cổ phần, cho biết đây là lần đầu tiên tập đoàn mua LNG từ Mỹ. Tập đoàn này hiện nhận phần lớn LNG từ một mỏ ngoài khơi mà tập đoàn này vận hành ở Úc. Inpex đặt mục tiêu tăng nguồn cung LNG hàng năm lên 10 triệu tấn vào năm 2030 từ 7 triệu tấn hiện nay.
Nhật Bản đang hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 nhưng người phát ngôn của Inpex cho biết, nhu cầu đối với LNG, một loại nhiên liệu hóa thạch sẽ tiếp tục tăng trưởng một thời gian nữa. “Chúng tôi cần đóng góp cho sự ổn định của nguồn cung năng lượng ở Nhật Bản”, ông nói.
Theo WSJ, Oil Price