Nhiều thách thức với thu ngân sách từ xuất nhập khẩu trong năm 2025

Thu ngân sách nhà nước từ xuất nhập khẩu năm 2025 được dự báo đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ các tác động giảm nguồn thu. Bối cảnh đó đòi hỏi ngành Hải quan triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thu đúng, thu đủ, chống thất thu ngân sách nhà nước để hoàn thành dự toán được giao.

Thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu lũy kế từ ngày 01/01-14/12/2024 đã đạt 402.680 tỷ đồng. Ảnh: internet

Thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu lũy kế từ ngày 01/01-14/12/2024 đã đạt 402.680 tỷ đồng. Ảnh: internet

Chịu tác động từ nhiều yếu tố

Năm 2025, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 411.000 tỷ đồng. Dự toán này được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6,5-7%; giá dầu thô 75 - 80 USD/thùng. Việc thực hiện dự toán này dự báo chịu tác động bởi nhiều yếu tố.

Theo bà Lê Như Quỳnh – Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), thu ngân sách của ngành Hải quan năm 2025 chịu ảnh hưởng từ giảm thuế do thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ngày 31/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2023/NĐ-CP quy định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt và 17 nghị định quy định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện các FTA giai đoạn 2022 - 2027.

Theo đó, mức thuế suất trung bình toàn biểu năm 2022 là 14,8%; năm 2023 là 10,1%; năm 2024 là 9,6%; năm 2025 là 8,4%; năm 2026 là 8% và năm 2027 là 7,5%. Thực tế, thuế suất thuế nhập khẩu bình quân gia quyền năm 2023 đạt 2,12%, nhưng đến năm 2024 đã giảm xuống còn 1,61% do thực hiện các cam kết quốc tế về giảm thuế. Dự kiến giảm thu do thực hiện các FTAs là khoảng 14.000 tỷ đồng.

Việc sửa Nghị định số 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP theo hướng bãi bỏ quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ tại điểm c, khoản 1, Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP cũng sẽ tác động làm số thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 10.000 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2025 còn phải hoàn thuế nhập khẩu cho loại hình này ước khoảng 3.500 tỷ đồng cho những tờ khai đăng ký năm 2024.

Cùng với đó, ngày 17/10/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đăng thông báo khởi xướng rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép dẫn dầu (OCTG) từ Việt Nam; Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mặt hàng than, quặng nhập khẩu phục vụ sản xuất sắt thép. Do đó, dự kiến năm 2025 giảm thu từ các mặt hàng này khoảng 12.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, Cục trưởng Lê Như Quỳnh cho hay, thuế giá trị gia tăng một số dòng hàng được giảm thuế suất từ 10% xuống 8% dự kiến làm giảm thu 6 tháng đầu năm 2025 khoảng 9.000 tỷ đồng. Khoản này khi làm dự toán không tính giảm trừ do Quốc hội chưa quyết định.

Nỗ lực đảm bảo nguồn thu

Những thách thức nêu trên cùng nhiều nhiệm vụ lớn được thực hiện đồng thời, tập trung ngay những tháng đầu năm đòi hỏi ngành Hải quan phải tập trung cao độ, quyết liệt, xác định các giải pháp phù hợp đề hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý về hải quan nói chung, nhiệm vụ thu ngân sách nói riêng.

Toàn Ngành cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Trong đó, tập trung nguồn lực cải cách thể chế pháp luật về hải quan theo hướng hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế và phù hợp với tổ chức bộ máy Hải quan. Song song với đó, tăng cường chống thất thu qua kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Để đảm bảo thu ngân sách nhà nước, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu Lê Như Quỳnh nhấn mạnh việc chú trọng trong xây dựng pháp luật về chính sách thuế và pháp luật về quản lý thuế. Năm 2025, tập trung tổng kết đánh giá đề xuất sửa đổi luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật quản lý thuế. Cơ quan hải quan tuy không giữ vai trò chủ trì các luật này nhưng thực tiễn triển khai của cơ quan hải quan là cơ sở quan trọng để đề xuất hoàn thiện Luật.

Theo Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan có nhiệm vụ tổ chức thực hiện một khối lượng đồ sộ các văn bản pháp luật điều chỉnh liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử trên toàn quốc. Do đó, chỉ một sửa đổi trong hệ thống pháp luật, đơn vị hải quan làm thủ tục, tính năng trên hệ thống cũng sẽ tác động không nhỏ đến chi phí về thời gian và tài chính của doanh nghiệp và người dân.

Trong năm 2025, nhất là 6 tháng đầu năm, các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan bên cạnh việc hoàn tất xây dựng, triển khai đề án tinh giản bộ máy tổ chức còn phải tập trung cho việc tác nghiệp theo phương thức thông quan tập trung trong mô hình tổ chức mới.

Liên quan đến quản lý thuế hiệu quả, Cục Thuế xuất nhập khẩu đề nghị khối cơ quan trung ương cần nghiên cứu thấu đáo mô hình thông quan tập trung cấp vùng, các nghiệp vụ về thuế gắn với thông quan, các thủ tục về quản lý thuế liên kết thông tin với thông quan đảm bảo đồng bộ, làm cơ sở cho số hóa chứng từ, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan. Khối hải quan địa phương căn cứ đặc điểm tình hình của địa bàn quản lý, xác định các phương án xử lý phù hợp về phân công thực thi trong bối cảnh chuyển đổi bộ máy tổ chức, hoàn thiện dần các điều kiện đảm bảo cho mô hình thông quan tập trung cấp vùng.

Với các giải pháp đồng bộ được triển khai, thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu lũy kế từ ngày 01/01-14/12/2024 đã đạt 402.680 tỷ đồng, đạt 107,4% dự toán, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến thu ngân sách cả năm 2024 đạt 418.000-420.000 tỷ đồng, bằng 111,5%-112 % dự toán được giao, tăng 13,4%-13,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nhieu-thach-thuc-voi-thu-ngan-sach-tu-xuat-nhap-khau-trong-nam-2025.html