Nhiều thay đổi trong pháp luật lao động - Doanh nghiệp cần lưu ý

Tọa đàm về pháp luật lao động do Talentnet tổ chức cuối tháng 6 vừa qua đã thu hút hơn 1.200 lượt theo dõi và hơn 150 câu hỏi từ các doanh nghiệp…

Tọa đàm chuyên sâu Pháp luật Lao động: Thanh tra Lao động, Giấy phép Lao động cho người nước ngoài và dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) do Talentnet tổ chức nhận được nhiều sự quan tâm từ lao động và các cấp quản lý nhân sự, lãnh đạo.

Tọa đàm chuyên sâu Pháp luật Lao động: Thanh tra Lao động, Giấy phép Lao động cho người nước ngoài và dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) do Talentnet tổ chức nhận được nhiều sự quan tâm từ lao động và các cấp quản lý nhân sự, lãnh đạo.

BẢO HIỂM XÃ HỘI MỚI: LƯU Ý CHO HR VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG

Ở buổi hội thảo, phần lớn các câu hỏi xoay quanh việc đã đóng Bảo hiểm Xã hội đủ thời gian 20 năm, nhưng chưa tới tuổi hưởng lương hưu, thì có được rút Bảo hiểm Xã hội 1 lần hay không. Ông Nguyễn Quốc Thanh - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM cho biết, người lao động không được rút trừ 2 trường hợp: Ra nước ngoài định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm theo quy định của Bộ Y Tế. Ông chia sẻ, nhóm lao động này cân nhắc tiếp tục tham gia Bảo hiểm Xã hội để hưởng quyền lợi hưu trí tốt hơn khi đủ tuổi theo quy định.

Ngoài ra, ông khuyến khích người lao động nên chủ động đăng ký ứng dụng bảo hiểm số VssID. Đây là ứng dụng chỉ dành riêng cho lao động để theo dõi quá trình đóng Bảo hiểm Xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và thông tin khám chữa bệnh, các chế độ được hưởng.

Về phía doanh nghiệp, ông Thanh lưu ý một số trường hợp trong dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội thay đổi và có ảnh hưởng đến quản lý nhân sự. Đó là việc đóng Bảo hiểm Xã hội cho người lao động làm việc không trọn thời gian.

Theo ông Thanh, việc đóng Bảo hiểm Xã hội của nhóm lao động này sẽ dựa theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động của 2 bên. Tuy nhiên, mức đóng này không được thấp hơn mức Bảo hiểm Xã hội thấp nhất do Chính phủ quy định. Vì thế, khi làm hợp đồng lao động, bộ phận quản lý nhân sự cần chú ý vào loại hình lao động sử dụng để lựa chọn mức đóng Bảo hiểm Xã hội phù hợp, tuân thủ đúng theo những thay đổi trong dự luật. Còn về những thay đổi khác, ông khẳng định dự luật không có quá nhiều ảnh hưởng, các doanh nghiệp cứ tiếp tục thực hiện và sử dụng hệ thống điện tử như trước.

GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Bên cạnh dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), doanh nghiệp cũng quan tâm đến việc cấp Giấy phép lao động (GPLĐ) cho người nước ngoài. Theo nghị định 70/2023/NĐ-CP, một số hồ sơ liên quan cần phải được chuyển về Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội thụ lý, các doanh nghiệp cần phải sắp xếp nguồn lực để đến thủ đô làm thủ tục.

Điều này khiến cho các cấp lãnh đạo lo lắng gia tăng thủ tục hành chính trong quá trình xử lý hồ sơ. Bà Trần Lê Thanh Trúc - Trưởng phòng Việc làm, An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết: “Hiện nay, có 3 hình thức để doanh nghiệp lựa chọn nộp và xử lý hồ sơ: làm trực tiếp, hoặc gửi hồ sơ qua bưu điện, hoặc nộp hồ sơ trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công. Dù là bằng hình thức nào, bà Trúc cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động lên kế hoạch thời gian để đảm bảo quy trình được xử lý đúng thời hạn.”

Một số thay đổi trong dự luật tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước phát triển và dễ dàng hơn trong tuyển dụng lao động nước ngoài.

Một số thay đổi trong dự luật tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước phát triển và dễ dàng hơn trong tuyển dụng lao động nước ngoài.

Ngoài ra, NĐ70/2023 đã bãi bỏ yêu cầu trình độ học vấn/đào tạo của lao động nước ngoài phải phù hợp với vị trí công việc mà họ dự kiến sẽ đảm nhận tại Việt Nam. Đơn cử, vị trí chuyên gia không còn yêu cầu bằng đại học phải phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài sẽ làm việc tại Việt Nam. Đây là một thay đổi cực kỳ tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp vô cùng hoan nghênh, giúp doanh nghiệp "gỡ khó" trong quá trình tuyển dụng lao động nước ngoài.

Liên quan đến việc đề nghị cấp giấy phép lao động cho một số vị trí đặc biệt như nhân sự cấp cao được Công ty mẹ ở nước ngoài chỉ định đến Việt Nam làm việc hoặc người đại diện theo pháp luật của Công ty Việt Nam, vẫn phải đi theo quy trình thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam trước, bà Trúc chia sẻ đã ghi nhận vướng mắc này của các doanh nghiệp và đã có đề xuất với các bộ, ngành trung ương để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc liên quan công tác quản lý người lao động nước ngoài.

Ông Andree Mangels - Phó Tổng giám đốc, Giám đốc Phát triển Việt Nam & Quốc tế, Công ty tư vấn nhân sự Talentnet chia sẻ: “Gần đây có tình trạng người lao động lo lắng quyền lợi lương hưu bị ảnh hưởng bởi Dự thảo luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), dẫn đến xu hướng xin nghỉ việc sớm tăng cao. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều hình thái lao động mới xuất hiện như bán thời gian, lao động tự do, chuyên gia quốc tế,… cũng ảnh hưởng rất lớn đến cách quản lý nhân sự. Những chuyển biến này đòi hỏi doanh nghiệp cần phải nhạy bén hơn khi giải quyết và quản lý lao động trong đơn vị nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật.”

Đây cũng là mục đích chính của buổi Tọa đàm, được Talentnet tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp hiểu đúng để làm đúng trong quản lý lao động trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh các buổi Tọa đàm liên quan đến luật lao động và quy định từ Nhà nước, Talentnet - công ty tư vấn nhân sự hàng đầu - cũng mang đến nhiều sự kiện tầm cỡ, cung cấp thông tin hữu ích về thị trường lao động cho doanh nghiệp.

Đơn cử là The Makeover - sự kiện thường niên lớn nhất được “may đo” dành riêng cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân sự. Năm 2024, The Makeover trở lại hoành tráng với sự tham gia của hơn 20 diễn giả đẳng cấp thế giới cùng các chủ đề xu hướng nhất về lực lượng lao động; những bí quyết mới cho chiến lược “Tăng trưởng xanh”; và mở ra góc nhìn mới về “Phát triển bền vững” trong quản trị nguồn lực.

Tham khảo thêm thông tin và mua vé tham dự sự kiện The Makeover 2024 tại: https://tinyurl.com/5djne3sp

Lan Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhieu-thay-doi-trong-phap-luat-lao-dong-doanh-nghiep-can-luu-y.htm