Nhiều thay đổi trong tuyển sinh đại học năm 2025: Cẩn trọng khi đăng ký xét tuyển

Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tốt nghiệp trung học phổ thông, phương án tuyển sinh đại học cũng sẽ có nhiều thay đổi phù hợp với chương trình mới.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học năm 2024 ở Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học năm 2024 ở Đại học Bách khoa Hà Nội.

Những nội dung này vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tại dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh trình độ đại học, đáng chú ý là những điểm mới liên quan đến phương thức xét tuyển sớm, yêu cầu về "điểm sàn”... Bên cạnh việc nỗ lực học tập, thí sinh cần ghi nhớ điểm mới, cẩn trọng khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, tránh trượt oan vì không rõ quy chế.

Quản chặt việc xét tuyển sớm

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/BGDĐT ngày 6-6-2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điểm mới đáng chú ý là những quy định nhằm quản lý chặt chẽ việc xét tuyển sớm.

Việc tổ chức xét tuyển sớm vào đại học (thông qua xét học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, kỳ thi riêng...) vẫn được áp dụng trong kỳ tuyển sinh năm 2025.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường tự xác định chỉ tiêu, nhưng khống chế về tỷ lệ nhằm hạn chế việc các trường dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức này, khiến cho điểm chuẩn trúng tuyển ở phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp bị đẩy lên quá cao, làm giảm cơ hội của thí sinh.

Theo đó, các trường chỉ được dành chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm không vượt quá 20% trong tổng chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành. Các trường còn phải bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.

Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo thông tư là với phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ cấp trung học phổ thông, các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. Hiện nay, nhiều trường sử dụng phương thức này chỉ quy định dùng kết quả học tập của 5 kỳ học (tức là kết quả học tập năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 của lớp 12). Quy định này nhằm tăng chất lượng "đầu vào”, hạn chế tình trạng học sinh lơ là, chủ quan khi đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm vào đại học.

Nhằm tránh việc các trường đặt ra các tổ hợp môn không phù hợp với ngành đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, tổ hợp môn dùng để xét tuyển phải bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm... Với quy định này, thí sinh sẽ bớt lo lắng về sự xuất hiện bất thình lình của các tổ hợp môn không liên quan đến ngành đào tạo, chẳng hạn như có trường tuyển sinh ngành Y nhưng lại không có môn hóa, môn sinh...

Đại diện ban soạn thảo lý giải, những nội dung sửa đổi tập trung khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh thời gian qua, hạn chế việc một số trường dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm khiến các thí sinh tham gia xét tuyển ở các phương thức khác bị thiệt thòi.

Những lưu ý với thí sinh

Với mục tiêu nâng chất lượng nguồn tuyển, bảo đảm công bằng và hạn chế tối đa xáo trộn cho thí sinh, nên dù có khá nhiều điều chỉnh trong quy chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ ổn định về quyền lợi và công bằng cho thí sinh.

Năm 2025, thí sinh vẫn được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường, nhưng phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, mỗi thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất, không làm ảnh hưởng đến cơ hội trúng tuyển của thí sinh khác. Theo kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 diễn ra vào cuối tháng 6; thí sinh đăng ký xét tuyển đại học từ giữa tháng 7.

Các thí sinh có dự định đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề cần đặc biệt lưu ý quy định mới về "điểm sàn” để tránh mất cơ hội vì không rõ quy chế.

Theo đó, từ năm 2025, ngoài mức "điểm sàn” do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và sẽ công bố vào khoảng giữa tháng 7, thí sinh còn cần đáp ứng điều kiện về học lực trong cả 3 năm cấp trung học phổ thông, thay vì chỉ có học lực lớp 12 như các năm trước. Quy định này cho thấy, từ năm 2025, yêu cầu đối với thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe cao hơn so với hiện nay. Vì thế, ngay từ bây giờ, thí sinh cần rà soát lại học lực từng năm để đối chiếu với quy chế để cân nhắc, quyết định nguyện vọng cho phù hợp.

Đến nay, một số cơ sở đào tạo đại học đã rục rịch thông tin về định hướng tuyển sinh, trong đó có việc tổ chức xét tuyển sớm. Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy lưu ý, thí sinh dù đã đăng ký xét tuyển sớm và được các trường thông báo đủ điều kiện trúng tuyển, thì đó chỉ là trúng tuyển có điều kiện; thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Nguyện vọng trúng tuyển sớm và các nguyện vọng ở các phương thức khác đều phải được xếp theo thứ tự ưu tiên. Nếu thí sinh không đăng ký nguyện vọng lên hệ thống thì coi như không có nguyện vọng học, kết quả trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm không có giá trị.

Để bảo đảm quyền lợi của mình, thí sinh cần ghi nhớ quy định liên quan đến việc xét tuyển sớm. Thí sinh không phải cam kết, nộp "phí giữ chỗ” hoặc nộp giấy tờ, xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình chung theo bất cứ hình thức nào.

(Theo HNMO)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/342487/nhieu-thay-doi-tr111ng-tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2025-can-trong-khi-dang-ky-xet-tuyen.aspx