Nhiều thị trường siết chặt tiêu chuẩn môi trường, doanh nghiệp Việt gặp khó
Việc thị trường CPTPP siết chặt tiêu chuẩn tiêu chuẩn về môi trường, phát triển bền vững là cơ hội để doanh nghiệp Việt thay đổi nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trước những yêu cầu bắt buộc và chi phí khổng lồ…
Tác động hai mặt
Bà Tạ Thu Hà - Phó trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, bên cạnh những thuận lợi mà Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại, thị trường CPTPP đang có những thay đổi về tiêu chuẩn phát triển bền vững (PTBV) như bảo vệ môi trường, giảm phát thải.
Theo đó, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sang thị trường này đang phải đối diện với những rào cản phi thuế quan ngặt nghèo, trong đó có việc siết chặt tiêu chuẩn về môi trường, tăng trưởng xanh và PTBV.
Hiệp định CPTPP có một chương riêng quy định về môi trường và PTBV. Trong các quy định này, các nước CPTPP nhấn mạnh nghĩa vụ thực thi 3 điều ước quốc tế về môi trường lớn của thế giới cũng như cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp. Nhiều quy định liên quan đến môi trường đã được các nước luật hóa một cách chặt chẽ.
Theo bà Hà, xu hướng tăng trưởng xanh và PTBV thể hiện nỗ lực của các nước trong việc góp phần chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Mặt khác, những quy định chặt chẽ sẽ tạo ra trở ngại lớn đối với khả năng đáp ứng của DN, làm tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này.
Cùng góc nhìn, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong đánh giá, xu hướng tăng trưởng xanh, PTBV hiện nay đang trở thành sự lựa chọn mang tính bắt buộc ở quy mô, tầm vóc toàn cầu.
Trong hệ thống các FTA thế hệ mới, hiệp định EVFTA và CPTPP hội tụ cao nhất những quy định về bảo vệ môi trường. Những quy định này ngày càng trở thành chuẩn mực chung cho các hiệp định khác, thậm chí là sân chơi chung có quy mô tầm vóc toàn cầu về thương mại quốc tế.
“Chúng tôi đánh giá đây là một trong những điều kiện để thực hiện chiến lược PTBV như một xu hướng tất yếu để bảo vệ con người, nhưng đồng thời cũng là công cụ phi thuế quan, là hàng rào kỹ thuật mà mỗi nước được phép dựng lên với những yêu cầu ngày càng cao hơn”, chuyên gia nhìn nhận.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, việc đặt ra những yêu cầu về môi trường sẽ làm tăng chi phí sản xuất cho DN. Chi phí để bảo vệ môi trường, đặc biệt là cho tái chế, lớn hơn rất nhiều chi phí sản xuất bình thường.
“Ví dụ sản xuất một mét khối nước sạch mất 100 đồng nhưng tái chế một mét khối nước bẩn thì mất 300 đồng. Rõ ràng đây là một thách thức lớn với DN, nhất là DN nhỏ và vừa của Việt Nam vốn coi nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường, chưa kể năng lực công nghệ, nhận thức còn hạn chế. DN sẽ bị “ngợp” trước chi phí khổng lồ, trước những yêu cầu bắt buộc”, chuyên gia chia sẻ.
Ngoài ra, những yêu cầu về PTBV có thể làm thay đổi chuỗi cung ứng nếu DN không đáp ứng được yêu cầu từ chuỗi để bảo đảm yêu cầu về môi trường, giảm thiểu gánh nặng cho đối tác về bảo vệ môi trường theo quy định về trách nhiệm sản xuất mở rộng.
Theo đó, DN có thể bị thu thẻ sản xuất. Đây là một nguy cơ có thật, nguy cơ rất nguy hiểm. Và áp lực này còn lớn hơn cả áp lực về chi phí cho DN. Dù vậy, TS Nguyễn Minh Phong phân tích, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, hầu hết các DN, kể cả dệt may, da giày, đồ gỗ Việt Nam cũng như thế giới bị giảm đơn hàng. Những DN nào đáp ứng được yêu cầu về môi trường, đặc biệt về tín chỉ carbon thì lại “rủng rỉnh”.
Rõ ràng tiêu chí này lại là một trong những yếu tố sàng lọc để loại bỏ những DN cạnh tranh không lành mạnh ở những nước không PTBV. DN làm tốt sẽ giữ được thị trường, thậm chí còn gia tăng đơn hàng. Chất lượng hàng hóa và uy tín cũng được nâng lên. Khi xuất khẩu được sang những nước lớn rồi thì tự động những nước khác cũng ký hợp đồng.
“Như vậy, quy định có tác động hai mặt. Trước mắt, đây là quy định rất nặng nề nếu không nói là tiêu cực. Song về lâu dài nếu DN làm tốt thì lại là tác động tích cực. DN chắc chắn sẽ có đầu ra ổn định và tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thậm chí, DN Việt Nam có thể trở thành những chủ thể tham gia dẫn dắt chuỗi cung ứng”, chuyên gia chia sẻ.
Cần chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam cho biết, vấn đề PTBV đã đặt thách thức rất lớn cho các DN trong ngành da giày nói riêng và các DN Việt Nam nói chung.
Khi tham gia CPTPP thế hệ mới, DN phải đi đường cao tốc thay vì đường nội đô như trước đây. Trên đường cao tốc, xe phải tốt và có đủ năng lực mới có thể vận hành, di chuyển tốt. Còn xe yếu, rõ ràng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Để đáp ứng các tiêu chí về PTBV, các DN phải thay đổi rất nhiều, đặc biệt phải đầu tư rất nhiều về hệ thống nước thải, công nghệ, tiêu chuẩn đối với người lao động cũng như về môi trường. Đây là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để DN Việt Nam cải thiện để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Trong bối cảnh này, theo Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam, giải pháp các DN cần tập trung hướng tới là chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ giải quyết được bài toán về tiết giảm chi phí quản lý, nâng cao năng lực nội tại cũng như minh bạch hóa được hệ thống chuỗi cung ứng để khách hàng có thể tiếp cận được một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Tuy nhiên, ngoài việc tự thân phải thay đổi, cộng đồng DN rất cần sự chung tay của cơ quan quản lý Nhà nước bằng những chính sách hỗ trợ.
Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các DN đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong R&D. Khuyến khích các DN thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo và tập trung đầu tư vào con người.
“Ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán về năng suất và quản lý. Tuy nhiên, không đổi mới về nguồn nhân lực chất lượng cao thì cũng không thể hấp thụ được công nghệ, tiếp thu và truyền tải nó thành công. Các chính sách hỗ trợ cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy các DN đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ”, bà Xuân kiến nghị.