Nhiều thôn, bản vùng cao ở Ba Bể mong có điện lưới quốc gia

Những năm qua, Điện lực huyện Ba Bể đã nỗ lực trong việc triển khai các dự án kéo điện về các thôn bản, mang lại ánh sáng văn minh, no ấm cho người dân. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau mà hiện nay nhiều thôn, bản vùng cao đang khao khát, mỏi mòn chờ đợi có điện để phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Nhiều thôn bản vùng cao ở Ba Bể chưa có điện lưới quốc gia, người dân phải sử dụng đèn tích điện để phục vụ sinh hoạt.

Nhiều thôn bản vùng cao ở Ba Bể chưa có điện lưới quốc gia, người dân phải sử dụng đèn tích điện để phục vụ sinh hoạt.

Nà Còi là một trong những thôn vùng cao khó khăn của xã Bành Trạch, cách trung tâm xã khoảng 8km. Nhờ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế nên cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi hơn so với trước. Tuy nhiên, do nằm cách xa trung tâm xã nên thôn chưa có điện lưới quốc gia.

Anh Triệu Văn Đức- Trưởng thôn Nà Còi chia sẻ: Nà Còi hiện có 69 hộ dân với 100% đồng bào Dao Tiền sinh sống. Việc không có điện ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân, nhất là trẻ em không có điện sáng để học bài. Tất cả các hộ dân trong thôn đều mong mỏi được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để điện lưới quốc gia về đến được thôn khó khăn, xa xôi này, giúp đồng bào Dao có điều kiện tiếp cận với những điều văn minh, tiến bộ.

Cũng do thiếu điện nên cuộc sống của các hộ đồng bào dân tộc Dao ở thôn Cốc Diển xã Phúc Lộc nhiều năm nay gặp rất nhiều khó khăn, là rào cản lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của bà con nơi đây. Một số hộ đã phải sử dụng máy phát điện mini dựa vào sức nước để có điện thắp sáng, phục vụ sinh hoạt, tuy nhiên số nhà có điều kiện sử dụng nguồn điện này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Anh Phùng Văn Quang, người dân thôn Cốc Diển cho hay: Không có điện nên các hộ dân muốn sát thóc cũng phải đi gần 10km xuống trung tâm xã. Con em học tập trong điều kiện thiếu ánh sáng, phải sử dụng đèn tích điện hoặc bật đèn xe máy để các em học bài, nếu đèn hết điện phải sang thôn khác cách đó khá xa để sạc pin nhờ, đặc biệt là người dân không có điều kiện tiếp cận với thông tin qua truyền thanh, truyền hình. Bà con nơi đây rất mong muốn được cấp ủy, chính quyền quan tâm kéo đường điện vào thôn giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Được biết xã Phúc Lộc có tổng số 17 thôn, bản thì có đến 9 thôn chưa có điện, chủ yếu là các thôn vùng cao, nơi sinh sống của 100% đồng bào dân tộc Mông, Dao. Đến nay toàn xã mới có 59% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế của người dân. Các hộ muốn đầu tư máy móc phục vụ cho sản xuất để nâng cao năng suất lao động cũng không thực hiện được, đặc biệt là khó thực hiện đạt tiêu chí Điện trong xây dựng nông thôn mới.

Toàn huyện Ba Bể hiện có 39 thôn thuộc 12 xã chưa có điện lưới quốc gia, đồng nghĩa với 993 hộ dân ở các thôn bản này chưa được sử dụng điện. Điều này không những ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân mà còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Đồng chí Lê Văn Giang- Phó Giám đốc Điện lực huyện Ba Bể cho biết: Các thôn chưa có điện hiện nay nằm trong Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 do UBND tỉnh Bắc Kạn làm chủ đầu tư, đã được Bộ Công thương phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 3131/QĐ-BCT ngày 27/7/2016. Tuy nhiên đến nay Dự án vẫn chưa được cấp kinh phí để triển khai thực hiện, vì vậy ngành điện Ba Bể vẫn phải chờ đợi khi dự án triển khai và được cấp vốn mới thực hiện kéo điện về các thôn bản được.

Việc đưa điện lưới quốc gia đến với đồng bào các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chính trị, tạo nền tảng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Huyện Ba Bể và các sở, ngành chức năng cần quan tâm thực hiện nhiệm vụ này để người dân ở các thôn, bản vùng cao sớm được sử dụng điện lưới quốc gia, từng bước hoàn thiện tiêu chí Điện trong xây dựng nông thôn mới./.

Hà Thanh

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202203/nhieu-thon-ban-vung-cao-o-ba-be-mong-co-dien-luoi-quoc-gia-4ef1845/