Nhiều thủ tục kinh doanh bất hợp lý được kiến nghị cắt giảm
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa kiến nghị cắt giảm nhiều thủ tục được cho là không cần thiết.
Nhằm tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa kiến nghị cắt giảm nhiều thủ tục được cho là không cần thiết.
VCCI là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam. Các kiến nghị mới của VCCI được ghi trong văn bản góp ý dự thảo Quyết định phê duyệt phương án cắt giảm các thủ tục hành chính liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 của Bộ Công Thương.
Trong văn bản, VCCI nêu nhiều kiến nghị cho nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương, cùng với lý do nên cắt giảm thủ tục. Những lĩnh vực này bao gồm dầu khí, kinh doanh khí, xăng dầu, ô tô, công nghiệp hỗ trợ, thuốc lá, phòng vệ thương mại, điện lực, xuất nhập khẩu, thương mại quốc tế…

Sản xuất ô tô là 1 trong những ngành được VCCI kiến nghị Nhà nước nên cắt giảm thủ tục hành chính liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Thaco
Trong lĩnh vực xăng dầu, VCCI cho rằng điều kiện hợp đồng thuê từ 5 năm trở lên là không cần thiết và nên bỏ, vì việc duy trì quyền sử dụng cơ sở vật chất nên do doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, thay vì bị ràng buộc bởi một thời hạn cố định trong hợp đồng dân sự.
Về kinh doanh khí, VCCI tiếp tục đề nghị bãi bỏ Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ gas LPG chai, vì hiện tại các quy định về phòng cháy chữa cháy đã được điều chỉnh bởi văn bản pháp luật chuyên ngành.
VCCI cũng kiến nghị bỏ Giấy chứng nhận đối với doanh nghiệp sản xuất, sửa chữa chai LPG vì sản phẩm đã bị kiểm soát chặt về chất lượng, độ an toàn trước khi lưu thông.
Đối với lĩnh vực phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu, VCCI cho rằng các điều kiện kinh doanh hiện nay không thực sự phản ánh bản chất của một ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư 2020.
Đơn cử, yêu cầu về hệ thống phân phối trên từ hai tỉnh, văn bản giới thiệu của nhà cung cấp hay địa điểm kinh doanh cố định được cho là không cần thiết nhưng lại can thiệp sâu vào quyền tự chủ của doanh nghiệp. Do đó, VCCI đề nghị bỏ các giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực rượu.
Tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam cũng cho rằng việc yêu cầu doanh nghiệp thông báo hoặc đăng ký chương trình khuyến mại dù mang tính đơn giản nhưng tạo ra một khối lượng thủ tục lớn, trong khi mục tiêu quản lý còn chưa rõ ràng.
VCCI nhận định việc áp mức khống chế tỷ lệ khuyến mại cũng không phù hợp với cơ chế thị trường. Vì vậy, nên bỏ đi các thủ tục liên quan và áp dụng cơ chế hậu kiểm trong lĩnh vực phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu.
Trong lĩnh vực ô tô, VCCI nêu một trong những nội dung cần cắt giảm là “Loại trừ đối tượng áp dụng các điều kiện kinh doanh đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô “phục vụ mục đích xuất khẩu”.
Nêu lý do cho kiến nghị này, VCCI giải thích: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định ô tô lưu hành tại Việt Nam phải có tay lái bên trái. Do đó, các quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP phù hợp với ô tô được sản xuất, lắp ráp đề lưu hành tại Việt Nam, đặc biệt là các dây chuyền, thiết bị kiểm tra chất lượng xuất xưởng (dành cho ô tô tay lái bên trái). Ngoài ra, ô tô sản xuất, lắp ráp để xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu. Do đó, yêu cầu về dây chuyền sản xuất có thể khác biệt so với các quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô để lưu hành tại Việt Nam, đặc biệt là trường hợp xe xuất khẩu có tay lái bên phải.
Về phía Bộ Công Thương, trong dự thảo Quyết định phê duyệt phương án cắt giảm các thủ tục hành chính liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025, bộ này cho biết trung bình sẽ cắt giảm được 37,5% thời gian giải quyết thủ tục hành chính dựa trên dự thảo này.
*Tiêu đề và sapo đã được Vietnamdaily thay đổi.