Nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư hạch
Tại Việt Nam, ung thư hạch xếp thứ 13 trong các loại ung thư thường gặp. Hiện nay, điều trị ung thư hạch đã có nhiều tiến bộ như điều trị bằng các tác nhân chống ung thư mới kết hợp với phác đồ hóa chất kinh điển, điều trị miễn dịch, ghép tế bào gốc, hoặc có thể kết hợp với xạ trị, phẫu thuật...
Ung thư hạch (U lympho không Hodgkin) là một trong những bệnh ung thư có khả năng điều trị rất hiệu quả. Trong những năm qua, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã triển khai nhiều phương pháp điều trị ung thư hạch hiện đại, đem đến hy vọng và chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người bệnh.
88 tuổi, 10 năm chưa từng lùi bước trước ung thư
Năm 2013, ông Nguyễn Đắc Việt (Hà Nội) phát hiện mắc ung thư hạch (bệnh U lympho) ở tuổi 78. Dù tuổi đã cao và còn trải qua 2 lần bệnh tái phát nhưng trong suốt 10 năm qua, chưa từng có phút giây nào ông cảm thấy bi quan hay có ý nghĩ muốn từ bỏ.
Năm 2022, khi bắt đầu bước sang tuổi 88, ông vẫn sẵn sàng đối mặt với những đợt truyền hóa chất trong hơn 7 tháng sau khi tái phát lần thứ 2. Khi kể về thời gian hóa trị, giọng nói ông vẫn vui vẻ, hào sảng, không chút lo sợ.
"Khi hóa chất truyền vào cơ thể, tôi cảm thấy hơi khó chịu, chóng mặt, đi lại chậm chạp. Tôi cũng gặp các tác dụng phụ, nhưng rồi đều vượt qua hết. Tôi chưa bao giờ cảm thấy nản chí, đến giờ ngày nào tôi cũng tập thể dục. Hàng ngày, tôi đều vẩy tay 1.000 cái và đi bộ hàng cây số"- ông Việt nói.
Ông luôn tin rằng niềm tin vào các y bác sĩ và rèn luyện thân thể sẽ giúp người bệnh vượt qua những khó khăn, thử thách: "Với người bệnh, điều quan trọng nhất là chúng ta phải hết sức tin tưởng ở bệnh viện, tuyệt đối tuân thủ các phác đồ điều trị. Viện Huyết học – Truyền máu TW là một bệnh viện mà bác sĩ và và điều dưỡng đều tận tâm, hết lòng vì người bệnh.
Các bác sĩ, điều dưỡng ở Viện đã giúp tôi 3 lần vượt qua bệnh hiểm nghèo (1 lần khi mới phát hiện bệnh và 2 lần tái phát). Vì vậy, các bạn không nên hoang mang, lo sợ vì hoang mang sẽ khiến tinh thần đi xuống và bệnh càng nặng thêm. Điều thứ hai cần lưu ý là khi nào có sức khỏe thì hãy tranh thủ tập thể dục ngay trong những ngày nằm viện".
Giống như ông Nguyễn Đắc Việt, chị Nguyễn Thị Nhự (Nam Định) cũng điều trị tại Khoa Bệnh máu tổng hợp, Viện Huyết học – Truyền máu TW. Năm 2019, chị nhận tin mình bị ung thư hạch khi vừa mới sinh con được 1 tháng. Chị rất suy sụp vì nghĩ mình sắp phải xa chồng, xa các con và những người thân yêu; bao nhiêu dự định, kế hoạch trong tương lai còn dang dở… Suy nghĩ nhiều, chị chỉ biết khóc!
Sau đó, chị vào mạng tìm hiểu về căn bệnh của mình, thực hiện chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ. Chị không cho phép mình nghĩ đến những điều tiêu cực nữa và chỉ tập trung nghĩ đến việc mình phải sống vì các con. Các con trở thành điểm tựa để chị luôn lạc quan, cố gắng và quên đi bệnh tật.
Sau 6 tháng điều trị, chị đã lui bệnh và chỉ cần đi khám định kỳ. Chị chia sẻ: "Nhờ sự quan tâm, động viên của gia đình và bạn bè đồng nghiệp; Sự tư vấn tận tâm của bác sĩ Vũ Đức Bình, sự chăm sóc chu đáo của bác sĩ Nguyễn Thùy Dương và các điều dưỡng khoa Bệnh máu tổng hợp, may mắn đã đến với tôi. Tôi được ra viện và cuộc sống bình thường đã trở lại! Tôi lại được chăm lo cho các con và tiếp tục công việc giảng dạy của mình! Tôi cầu mong được ở bên con đến khi các con trưởng thành".
Trong năm học 2021-2022, chị còn được UBND huyện tặng giấy khen Giáo viên vượt khó đạt thành tích cao trong giảng dạy. Chị tâm sự: "Chặng đường phía trước còn rất dài và gian nan. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải lạc quan, vui vẻ phải hướng đến cái đích là các con mà cố gắng. Rồi sau cơn mưa trời lại sáng!"
Nhiều phương pháp điều trị ung thư hạch hiện đại được triển khai
Tại Khoa Bệnh máu tổng hợp, Viện Huyết học – Truyền máu TW, chúng ta có thể gặp rất nhiều người bệnh như ông Việt, chị Nhự.
TS.BS Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW, Trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp cho biết: Theo thống kê từ các chuyên gia Hoa Kỳ năm 2021, hàng năm có khoảng 90.000 ca mắc mới ung thư hạch. Trong đó, tỷ lệ sống sau 5 năm là trên 73% (giai đoạn từ 2011 – 2017). Tại Việt Nam, bệnh ung thư hạch (U lympho không Hodgkin) xếp thứ 13 trong các loại ung thư thường gặp.
Trước đây, nhất là từ trước những năm 2.000, việc điều trị ung thư hạch rất khó khăn, tiên lượng xấu. Nhưng hiện nay, phương pháp điều trị ung thư hạch đã có nhiều tiến bộ như: điều trị bằng các tác nhân chống ung thư mới kết hợp với phác đồ hóa chất kinh điển, điều trị miễn dịch, ghép tế bào gốc, hoặc có thể kết hợp với xạ trị, phẫu thuật trong một số trường hợp…
Viện Huyết học – Truyền máu TW thường xuyên cập nhật kiến thức và các phác đồ điều trị ung thư hạch mới từ các Hội nghị quốc tế, các bệnh viện quốc tế tại Mỹ, Singapore…
Ngày càng có nhiều thuốc mới được đưa vào sử dụng có hiệu quả cho người bệnh. Nhờ đó, tỷ lệ lui bệnh trong điều trị ung thư hạch khá cao, người bệnh có thời gian sống kéo dài với chất lượng cuộc sống tốt, kể cả ở nhóm bệnh nhân cao tuổi.