Nhiều tín hiệu khả quan

Bước vào quý II.2022, lĩnh vực xuất khẩu lao động liên tiếp đón nhận tin vui khi các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã trở lại. Bên cạnh đó, nhiều thị trường tiềm năng như châu Âu, Australia, Đức cũng có những tín hiệu tốt, mở ra nhiều cơ hội việc làm thu nhập cao cho lao động Việt Nam.

Thị trường rộng mở

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong quý I.2022, thị trường xuất khẩu lao động có nhiều dấu hiệu khởi sắc, Việt Nam đã đưa gần 2.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đáng chú ý, việc tiếp nhận lao động Việt Nam tại 3 thị trường lớn là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã trở lại bình thường.

Mới đây Nhật Bản đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hạn chế nhập cảnh, nới lỏng điều kiện sau khi nhập cảnh với lao động và thực tập sinh Việt Nam nếu đã tiêm đủ 3 mũi vaccine phòng Covid-19. Những người nhập cảnh sẽ không phải cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc cơ sở lưu trú trong 7 ngày. Loại vaccine được Nhật Bản công nhận là Pfizer, Moderna, Astra Zeneca và Jassen. Nếu tiêm trộn thì mũi thứ ba phải là Pfizer hoặc Moderna. Việc nới lỏng nhập cảnh là cơ hội để lao động, thực tập sinh tới Nhật Bản làm việc. Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu doanh nghiệp phái cử lao động phối hợp chặt với nghiệp đoàn, công ty tiếp nhận thực hiện nghiêm quy định của Nhật Bản, nhất là tiêm vaccine và chứng nhận tiêm phòng Covid-19. Nhật Bản hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam.

Gia đình đông con, quanh năm bám nương rẫy, rất nhiều thanh niên trong bản như anh Long Cao Chung ở huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn chẳng biết bao giờ mới thoát nghèo. Nhận được sự vận động của chính quyền, ngay khi dịch được kiểm soát, anh Chung đăng ký xuất khẩu lao động để có số vốn về nhà mở cửa hàng nhỏ. "Ảnh hưởng do dịch Covid-19 nên cũng khó khăn lắm, hàng ngày tôi đi làm thợ xây chuồng trại trong làng nhưng công cán chẳng được bao nhiêu. Vì thế, tôi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, ngoài chi phí ăn ở, nộp bảo hiểm, mỗi tháng tiết kiệm từ 20 - 25 triệu đồng", anh Chung chia sẻ.

Cũng chọn thị trường Nhật Bản, anh Phạm Văn Liêu, huyện Yên Thành, Nghệ An cho biết, anh trúng đơn hàng từ thời điểm trước dịch, vừa học online, vừa làm phụ hồ... chờ ngày xuất cảnh. Anh tính toán, với đơn hàng xây dựng tổng hợp, chịu khó làm thêm giờ, mỗi tháng anh sẽ gửi về phụ cho gia đình 18 - 20 triệu đồng.

Thị trường lao động xuất khẩu đã có những tín hiệu vui

Thị trường lao động xuất khẩu đã có những tín hiệu vui

Chú trọng ngoại ngữ và kỹ năng

Thực hiện Thỏa thuận hợp tác Dự án “Ba bên cùng có lợi - Tuyển chọn học viên Việt Nam trở thành điều dưỡng viên tương lai tại Cộng hòa Liên bang Đức”, trong tháng 4.2022, Cục Quản lý lao động ngoài nước (DOLAB), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thông báo việc tuyển chọn, đào tạo, đưa ứng viên Việt Nam đi học tập và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức trong ngành điều dưỡng đa khoa (bao gồm chăm sóc người già, người bệnh, trẻ em...).

Về dư địa xuất khẩu lao động trong những tháng tiếp theo, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế thế giới sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu tiếp nhận lao động sẽ gia tăng và đây chính là thời cơ thuận lợi để tăng cường đưa lao động đi làm việc ở các thị trường này. Để có được nguồn nhân lực chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính, các doanh nghiệp cần phải đào tạo, trang bị kiến thức cho người lao động trước khi xuất cảnh. Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề và trang bị kỹ năng mềm cho người lao động.

Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam Doãn Mậu Diệp cho rằng, các thị trường hiện nay đều đã mở cửa và có nhu cầu tiếp nhận thực tập sinh, lao động rất lớn. Do đó, con số 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài trong năm nay là hoàn toàn khả thi. Hiện nay, ngoài việc ổn định thị trường lao động truyền thống, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đang từng bước mở rộng những thị trường mới, tiềm năng cao như một số nước châu Âu, Australia, Canada... để người lao động có thêm nhiều sự lựa chọn. Đây là những thị trường hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao. Đơn cử, mới đây nhất là việc hợp tác cùng chính phủ Australia để đưa lao động Việt Nam sang nước này làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn Đồng Văn Lưu cho rằng, công tác xóa đói giảm nghèo tốt nhất hiện nay chính là lao động, việc làm và thu nhập. Nếu giải quyết được 3 nội dung này thì xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả tích cực trong thời gian tới. Trong đó, ngoài tạo việc làm tại chỗ thì việc dịch chuyển lao động từ nông thôn ra đô thị, khu công nghiệp và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng được chú trọng. “Trong thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số đã được gần 2.000 người đi làm việc ngắn hạn ở Nhật Bản. Nhìn chung mức lương cao hơn so với cùng trình độ ở trong nước. So với 5 năm về trước, diện mạo của rất nhiều vùng quê đã đổi thay nhờ có công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Không chỉ thoát nghèo, người lao động khi về nước còn được tích lũy thêm kinh nghiệm, tư duy làm kinh tế, khắc phục tình trạng tái nghèo”, ông Lưu cho biết thêm.

Thái Yến

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/nhieu-tin-hieu-kha-quan-i289405/