Nhiều tổ chức quốc tế cam kết hỗ trợ 'giao thông xanh' tại Việt Nam

Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và một số tổ chức tín dụng quốc tế cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển ''giao thông xanh''.

Liên minh châu Âu, Hàn Quốc đồng lòng hỗ trợ Việt Nam

Chiều ngày 21/8, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục tổ chức các phiên tham luận trong khuôn khổ Tọa đàm "Phát triển giao thông xanh: Thách thức và Giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư". Tọa đàm được phối hợp cùng Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit (GIZ) trong khuôn khổ dự án Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á (NDC-TIA).

Quang cảnh buổi tọa đàm chiều 21/8. Ảnh: Trần Đình

Quang cảnh buổi tọa đàm chiều 21/8. Ảnh: Trần Đình

Tại buổi tọa đàm, ông Thomas Wiersing, Đại diện Lâm thời, Phó trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu EU tại Việt Nam cho biết, mục tiêu của EU là giảm 60% phát thải từ ngành giao thông vào năm 2050, được thực hiện qua nhiều phương thức.

Đầu tiên, áp dụng chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn cho các phương tiện; các tiêu chuẩn khí thải mới giúp giảm 40% phát thải trên các mẫu xe mới bán ra từ năm 2000. Thứ hai, sử dụng nhiên liệu thay thế như điện, hydro để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Thứ ba, đầu tư phát triển các loại hình giao thông công cộng như xe buýt, xe điện để giảm sử dụng phương tiện cá nhân, cũng như đảm bảo hệ thống giao thông công cộng sạch và an toàn; khuyến khích phát triển giao thông đô thị bền vững, thúc đẩy GTCC tại đô thị bằng cách xây dựng hạ tầng cho người đi bộ, khuyến khích đi chung xe.

Theo ông Thomas Wiersing, đường sắt đóng vai trò quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính. Đến năm 2030, đặt mục tiêu phục vụ hành khách đường sắt tăng 30%, cam kết hỗ trợ giảm phát thải ngành đường sắt, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển để hướng tới giao thông xanh.

Ông Thomas Wiersing phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Trần Đình

Ông Thomas Wiersing phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Trần Đình

Tại Việt Nam, EU cam kết hỗ trợ giảm khí nhà kính ngành giao thông, hỗ trợ phát triển giao thông công cộng, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết với các đối tác phù hợp của Việt Nam.

Trong khi đó, chia sẻ định hướng của Chương trình Cho vay Song phương (EDCF) về phát triển hạ tầng Giao thông xanh tại Việt Nam, ông Jin Saeun - Trưởng đại diện văn phòng EDCF tại Hà Nội - cho biết, EDCF có nhiều sáng kiến, mô hình, đặc biệt triển khai ngân sách quỹ cho các dự án giao thông cầu đường, đường sắt, đường biển… Việc hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam được đẩy mạnh là điều kiện thuận lợi để EDCF đẩy mạnh hợp tác. Trong đó, cơ chế đồng tài trợ sẽ đáp ứng được những dự án có quy mô lớn. EDCF đã giải ngân được 1,1 tỷ USD cho các dự án của mình tại Việt Nam. Với các cam kết, chúng tôi dành 62% khoản đầu tư cho khu vực Đông Nam Á và chú trọng đặc biệt đến Việt Nam.

Thời gian tới, EDCF sẽ đầu tư thêm 2 tỷ USD giai đoạn 2024 - 2030 để hỗ trợ các đối tác. Để mở rộng phương tiện giao thông xanh, chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng các giải pháp trung hạn như tăng cường phát triển giao thông xanh, chính phủ điện tử, đa dạng hóa các nguồn hỗ trợ…

Tháng 3/2024 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam đã tổ chức đối thoại tại Hàn Quốc. Trong đó hai bên đã thảo luận và thống nhất danh mục dự án ưu tiên trong các giai đoạn đàu tư trung và dài hạn. Tổng đó có 2 dự án lớn như Long Thành - Thủ Thiêm và cao tốc. Năm nay, Chính phủ Hàn Quốc đã phân bổ 1,5 tỷ USD hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng 3 báo cáo cho các dự án cao tốc và Long Thành - Thủ Thiêm. Ông Jin Saeun tin tưởng dự án hỗ trợ kỹ thuật sẽ sớm được khởi động. Bên cạnh đó là dự án đường sắt cao tốc, Chính phủ Hàn Quốc rất quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ.

Ngoài ra, Ngân hàng ADB sẽ tham gia hỗ trợ cho các dự án xe buýt điện, cho chính phủ Việt Nam vay đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật, chính sách. Trong đó, ADB sẽ hỗ trợ xây dựng khung chính sách, lộ trình chuyển đổi, ưu đãi/ quy định để từ đó nghiên cứu khả thi, thiết kế kế hoạch hoạt động và kinh doanh…

Đồng thời, ADB sẽ hỗ trợ để đầu tư xe buýt điện, cơ sở hạ tầng, kho bãi, bến xe buýt, bán vé, vận hành, quản lý vào bảo trì… Đơn vị cũng thúc đẩy cả các tập đoàn tư nhân trong lĩnh vực sản xuất, giao hàng… để đầu tư, chuyển đổi sang xe buýt điện.

Sàn giao dịch carbon sẽ thí điểm từ năm 2024

Bên cạnh hỗ trợ về cơ sở vật chất, các tổ chức quốc tế cũng nhất trí thúc đẩy Việt Nam tiếp cận các thị trường liên quan tới mục tiêu giảm phát thải. Cụ thể, ông Taisei Matsuki, chuyên gia Biến đổi khí hậu Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đang chuẩn bị chương trình tín dụng quốc gia , chương trình mua bán khí thải trong nước và tham gia thị trường carbon tự nguyện quốc tế.

Hệ thống giao dịch phát thải cũng có thể thí điểm từ năm 2026 và năm 2028 trở đi sẽ đầy đủ giai đoạn. Sàn giao dịch carbon cũng sẽ thí điểm từ 2025 và hoạt động hoàn toàn từ 2028 trở đi.

Ông Taisei Matsuki phát biểu tại tọa đàm thông qua trực tuyến. Ảnh: Trần Đình

Ông Taisei Matsuki phát biểu tại tọa đàm thông qua trực tuyến. Ảnh: Trần Đình

Vì vậy, Ngân hàng Thế giới đưa ra đề cương dự án PMI Việt Nam và hỗ trợ mở rộng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho ngành giao thông vận tải. Lộ trình dự kiến của phát triển chỉ số tiêu dùng tại Việt Nam được hỗ trợ bởi dự án PMI Việt Nam.

Đề cương dự án PMI Việt Nam sẽ có 5 hợp phần. Trong đó ở hợp phần 1, xây dựng lộ trình với công cụ định giá các-bon là hướng dẫn lộ trình trung và dài hạn về việc sử dụng chương trình tín dụng quốc gia, chương trình mua bán khí thải trong nước để đáp ứng các mục tiêu giảm nhẹ khí nhà kính của Việt Nam. Đáng chú ý, Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ mở rộng chỉ số giá tiêu dùng cho ngành giao thông vận tải.

Ông Taisei Matsuki cho biết, nếu không có hành động bổ sung, lượng khí thải khí nhà kính trong giao thông vận tải sẽ tiếp tục tăng nhanh. Các dự báo hiện tại cho thấy mức tăng sẽ là 6 - 7% mỗi năm, với tổng số tăng gấp đôi, đạt 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030.

Với xu hướng trên, có thể cân nhắc áp dụng chỉ số giá tiêu dùng cho ngành giao thông. Có nhiều lựa chọn, bao gồm một số hoặc toàn bộ lượng khí thải từ giao thông có thể được đưa vào phạm vi từ năm 2030.

Điều này sẽ tuân theo tiền lệ quốc tế như chương trình mua bán khí thải trong nước của bang California (Mỹ) và Liên minh châu Âu, tương ứng bao gồm vận tải và hàng không nội địa. Phạm vi của chương trình tín dụng quốc gia cũng có thể mở rộng để bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải. Lượng khí thải giảm nhẹ từ dự án có thể được sử dụng làm khoản bù đắp cho mục đích tuân thủ trong nước và quốc tế.

Hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới sẽ giải quyết các vấn đề bao gồm xác định các cơ hội và thách thức chung trong việc thực hiện định giá carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tiềm năng giảm nhẹ cũng như sự tương tác với các chính sách ngành giao thông đã và đang được quy hoạch trong bối cảnh Việt Nam.

Đồng thời, đánh giá tác động của chỉ số giá tiêu dùng tới ngành giao thông vận tải, tích hợp giao thông vận tải vào chương trình mua bán khí thải trong nước, bao gồm xác định các rào cản đối với việc thực hiện dự án, khuyến nghị về hoạt động cụ thể trong lĩnh vực giao thông vận tải ở Việt Nam và phương pháp tín dụng.

Trần Đình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhieu-to-chuc-quoc-te-cam-ket-ho-tro-giao-thong-xanh-tai-viet-nam-340553.html