Nhiều trang bán hàng online bị chỉ trích vì bán loại giày đặc biệt này
Đến hiện tại, loại giày này đã bị xóa khỏi các nền tảng bán hàng trực tuyến, tuy nhiên không rõ liệu việc bán chúng có bị xem là vi phạm pháp luật hay không?
Mới đây, một số người bán hàng trên các trang thương mại điện tử của Trung Quốc, bao gồm ứng dụng mua bán đồ cũ Xianyu của Alibaba, đã bị phát hiện có hành vi quảng cáo và buôn bán sản phẩm giày bó chân.
Loại giày này từng được sử dụng để làm thay đổi cấu trúc bàn chân của người phụ nữ nhằm mục đích thẩm mỹ vào thời xưa.
Theo các nhà sử học, tục bó chân xuất hiện từ thế kỷ 10 ở Trung Quốc, khi quan niệm bàn chân nhỏ là tiêu chuẩn vẻ đẹp của người con gái. Những cô gái có đôi chân "gót sen ba tấc" được cho là sẽ dễ tìm được người chồng tốt.
Để có được đôi chân gót sen, nhiều phụ nữ phải bắt đầu bó vào lúc mới 2-5 tuổi, các ngón chân bị bẻ gập vào lòng bàn chân và được bó chặt lại bằng vải. Sau mỗi lần tháo định kỳ để rửa và xoa bóp, chân sẽ càng bị bó chặt. Những đôi chân bó có thể gặp biến chứng như sưng tấy, chảy mủ hoặc thậm chí hoại tử.
Đến năm 1912, tập tục này bị xóa bỏ song vẫn bí mật tồn tại ở một số vùng xa xôi tại Trung Quốc.
Vài năm trở lại đây, cùng với sự gia tăng của các lớp học "đức tính nữ" gây tranh cãi, tục bó chân bỗng nhiên có thêm nhiều người ủng hộ. Không ít người đã lên tiếng bênh vực cho tập tục này trên các diễn đàn trực tuyến, thậm chí có người còn chia sẻ kinh nghiệm bó chân của mình trong các nhóm chat và khuyên mọi người làm theo.
Trên trang thương mại điện tử Xianyu, nhiều loại sản phẩm bó chân cũng được bày bán, bao gồm giày, tất và các tấm vải thêu hoa. Một cửa hàng chuyên bán các mặt hàng thêu truyền thống đang bán giày bó chân tùy chỉnh kích thước với giá 1.500 nhân dân tệ (khoảng 5,1 triệu đồng).
Theo các chuyên gia, việc tái diễn tập tục bó chân vào thời hiện đại là hành vi không đúng. Zheng Jinsong, Phó giám đốc Bảo tàng Đại học Tây Nam, chia sẻ: "Chúng ta nên lên án hành động bán giày bó chân. Việc buôn bán mặt hàng này cho thấy sự suy giảm trong ý thức và hành vi văn hóa, tâm lý".
Zheng nói rằng những đôi giày bó chân được xem là các vật phẩm mang tính lịch sử, nên được đưa vào bảo tàng và lên án việc bán giày dép dạng này vì mục đích thương mại. Ông cảnh báo nó có thể tác động tiêu cực đến những thanh thiếu niên đang tìm cách bắt chước tập tục này vì mục đích nâng cao thẩm mỹ.
Trên nền tảng Weibo, nhiều người cho biết họ cảm thấy lo sợ khi thấy các mặt hàng bó chân được bán online.
"Thật đau lòng khi thấy những bức ảnh về đôi giày này", một người bày tỏ ý kiến.
Người dùng khác cũng đồng tình: "Tại sao có thể nghĩ rằng việc bó chân thành hình dạng như vậy là đẹp đẽ cơ chứ?".
Theo Sixth Tone, dù tục bó chân không còn phù hợp với thời đại và bị nhiều người phản đối, nhiều phụ nữ vẫn phải chịu áp lực rất lớn trong việc đáp ứng các chuẩn mực về vẻ đẹp truyền thống. Không ít người vẫn bất chấp nguy hiểm để sử dụng sản phẩm giảm cân không rõ nguồn gốc, hoặc thực hiện các cuộc phẫu thuật đầy rủi ro để thay đổi đặc điểm trên gương mặt và cơ thể mình.
Minh Hoa (t/h)