Nhiều trẻ bị viêm não Nhật Bản biến chứng nặng, phải thở máy

Bệnh viện Nhi Trung ương đã điều trị cho nhiều trường hợp trẻ mắc viêm não Nhật Bản, có trường hợp nặng, phải thở máy.

Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, đang điều trị cho 3 bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản. Các trẻ này từng diễn biến nặng; trong đó, một trẻ vẫn đang phải thở máy.

Nhiều trường hợp nặng, nguy kịch

Trường hợp bé B.A. (5 tuổi) có biểu hiện sốt cao 38-39 độ C tại nhà, sau đó bị đau đầu tăng dần và ngủ nhiều. Thấy con có biểu hiện lạ, người nhà đưa trẻ tới bệnh viện khám và được chẩn đoán mắc viêm não Nhật Bản, phải lập tức nhập viện điều trị.

Rất may, nhờ điều trị kịp thời, bệnh nhi đã dần ổn định. Tuy nhiên, trung tâm cũng có trường hợp trẻ bị nặng vẫn đang phải điều trị tích cực, thở máy.

 Bệnh nhân viêm não biến chứng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Báo Tin Tức.

Bệnh nhân viêm não biến chứng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Báo Tin Tức.

TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: “Các trẻ mắc viêm não Nhật Bản những ngày gần đây tại trung tâm chủ yếu là các trẻ lớn từ 5 tuổi trở lên. Đa số trẻ có các biểu hiện như sốt cao, buồn nôn, đau đầu, ngủ nhiều và nếu không xử lý kịp thời, sẽ dẫn đến hôn mê và co giật”.

Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, bệnh viêm não Nhật Bản thường xuất hiện có số ca mắc gia tăng vào mùa hè; nhất tại các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Đây là bệnh truyền nhiễm lây truyền qua trung gian truyền bệnh là muỗi. Do vậy, tại các thời điểm trong năm có thời tiết thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển, đó là mùa dịch viêm não Nhật Bản.

Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu; khi trẻ có biểu hiện mắc viêm não Nhật Bản, lượng virus chủ yếu tập trung ở não và gây tổn thương các tế bào thần kinh. Do vậy, việc điều trị viêm não Nhật Bản rất khó khăn, tỷ lệ tử vong và di chứng rất cao.

“Thông thường, tỷ lệ trẻ tử vong do mắc viêm não Nhật Bản là 3-5%, tỷ lệ di chứng có thời điểm lên tới 20-25%. Nếu tính cả những trường hợp trẻ sau khi ra viện và được theo dõi, đánh giá sau 2-3 năm, tỷ lệ di chứng còn cao hơn nữa”, TS.BS Đỗ Thiện Hải cho biết.

Trẻ cần tiêm vaccine nhắc lại

Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, đa số trẻ bị nặng do chưa được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ. Nhiều trẻ lớn mắc viêm não Nhật Bản bị di chứng nặng nề do bỏ lỡ mũi tiêm vaccine nhắc lại.

Hiện tại, vaccine viêm não Nhật Bản có tác dụng phòng bệnh trong khoảng 3-5 năm. Trẻ thường được tiêm vaccine viêm não Nhật Bản từ khoảng 12 tháng tuổi. Khi lớn hơn, trẻ vẫn cần tiêm nhắc lại để được bảo vệ tốt nhất.

“Hiện, thị trường lưu hành nhiều loại vaccine phòng viêm não Nhật Bản lưu hành trên thị trường, trong đó, nhiều vaccine đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng với 3 mũi vaccine đầu cho trẻ. Sau đó, cha mẹ lưu ý sau 3-5 năm, cần phải tiêm nhắc lại cho trẻ một lần. Hiện, chúng ta đã có loại vaccine chỉ cần tiêm 2 mũi đã có thể giúp bảo vệ trẻ trong hơn 10 năm”, TS.BS Đỗ Thiện Hải cho biết.

Viêm não Nhật Bản là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao, di chứng để lại rất nặng nề, thậm chí, một số trẻ phải nằm một chỗ cả đời hay phải điều trị phục hồi chức năng trong một thời gian rất dài mà vẫn chịu ảnh hưởng nhất định đến phát triển trí tuệ và phát triển vận động. Vì vậy, các phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, không nên quên mũi tiêm nhắc lại cho con sau 2 tuổi.

Bác sĩ cũng khuyến cáo “thời gian vàng” để điều trị cũng như hạn chế di chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc viêm não Nhật Bản là 2 ngày kể từ khi nhiễm virus. Vì vậy, khi thấy trẻ có các biểu hiện như sốt cao, buồn nôn, đau đầu, ngủ nhiều, li bì… phụ huynh cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Với những trẻ đã mắc bệnh viêm não Nhật Bản, bác sĩ cũng khuyến cáo sau giai đoạn viêm cấp, bệnh nhân ở giai đoạn phục hồi hoặc di chứng. Nếu có di chứng ở thời điểm ra viện, trẻ sẽ được chuyển tới các cơ sở châm cứu hay viện y học cổ truyền để được phục hồi chức năng.

Các bậc cha mẹ cũng cần phải lưu ý dù được chẩn đoán đã khỏi bệnh, trẻ vẫn có thể xuất hiện những di chứng muộn sau 1-3 năm. Trẻ có thể bị rối loạn về thần kinh, tâm thần và vận động. Theo đó, trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế kiểm tra lại để đánh giá các tổn thương và có biện pháp điều trị thích hợp.

Tạ Nguyên / Báo Tin Tức

(Zing đặt lại tiêu đề bài viết)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-tre-bi-viem-nao-nhat-ban-bien-chung-nang-phai-tho-may-post1329725.html